Sửa chính sách kinh doanh xăng dầu trong tháng 12

14:39, 12/11/2012
|

(VnMedia) - Một số quy định về yếu tố cấu thành giá xăng dầu cơ sở đã lạc hậu so với thực tế; điều hành giá chưa hiệu quả... do vậy, Chính phủ đã chỉ đạo tiến hành sửa đổi, bổ sung chính sách về kinh doanh xăng dầu trong tháng 12 này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết....
 
Sáng nay (12/11), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày trước Quốc hội kết quả thực hiện những Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3 về chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện, có những việc đã đạt được kết quả bước đầu và cũng có nhiều việc còn tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục, cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới. 

Về vấn đề giao thông, Phó Thủ tướng cho biết, bằng những giải pháp chung trên cả nước cũng như những biện pháp đặc thù cho 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, kết quả, trong 10 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông giảm 27,61%, số người chết giảm 16,8% và số người bị thương giảm 27,85% so cùng kỳ năm 2011; tình trạng ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn có chuyển biến rõ rệt.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thừa nhận, vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa đồng đều; một số địa phương chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.

“Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tập trung khắc phục những hạn chế, phấn đấu giảm hơn nữa tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; xác định năm 2013 là năm “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông” - Phó Thủ tướng cho biết.

Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chính phủ đã bảo đảm giữ được 3.812 triệu ha đất lúa trong khi mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được thực hiện thí điểm bước đầu thành công. Trong 9 tháng đầu năm cũng đã phát hiện 20.669 vụ vi phạm hành chính, đã khởi tố 290 vụ án hình sự, 244 bị can. "Tuy vậy, việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng, vi phạm pháp luật còn kém hiệu quả; đã xảy ra một số vụ phá rừng, chống lại kiểm lâm... gây bức xúc trong xã hội" - báo cáo do Phó Thủ tướng trình bày nhận định.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Phó Thủ tướng cho biết, Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế đã được Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 và Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận về Đề án này, Ngoài ra, đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong liên kết đào tạo; quản lý chặt việc học thêm dạy thêm... Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định "chất lượng giáo dục và đào tạo nhìn chung còn thấp, đào tạo đại học và đào tạo nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực; chương trình học ở bậc phổ thông còn quá tải; nhiều hiện tượng tiêu cực kéo dài như tình trạng dạy thêm, học thêm ép buộc, lạm thu đầu năm học, tiêu cực trong thi cử… chậm được khắc phục, gây bức xúc xã hội"… 

 Ảnh minh họa

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại Quốc hội


Trong lĩnh vực tài chính, liên quan đến vấn đề công khai minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ đã đưa ra công thức tính giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ, các yếu tố hình thành giá được công bố thường kỳ. "Tuy nhiên, một số quy định về yếu tố cấu thành giá cơ sở đã lạc hậu so với thực tế; công tác quản lý chất lượng, đo lường, chống đầu cơ thiếu chặt chẽ; cơ chế phối hợp trong quản lý, điều hành giá chưa hiệu quả. Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị định, trên cơ sở đó tiến hành sửa đổi, bổ sung chính sách về kinh doanh xăng dầu trong tháng 12 năm 2012 - Phó Thủ tướng cho biết.

Về chống thất thu ngân sách, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để thu đúng, thu đủ, chống thất thu và nợ đọng thuế... mặc dù nền kinh tế khó khăn nhưng thu ngân sách cả năm có khả năng vẫn đạt kế hoạch đề ra. Về giảm bội chi, theo báo cáo, năm 2012 dự kiến sẽ đạt mức là 4,8% GDP. Ước cuối năm 2012, dư nợ công là 55,4% và dư nợ Chính phủ là 43,1%, nằm trong giới hạn an toàn.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ nhận định tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả còn hạn chế. Trong khi đó, về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại: Chính phủ đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó đã chỉ đạo tổ chức đánh giá, phân loại, phê duyệt, thực hiện phương án cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; trong quá trình xử lý, về cơ bản, việc chi trả tiền gửi tại các ngân hàng diễn ra bình thường, thanh khoản của các ngân hàng vẫn bảo đảm.
 
Về việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng đã phát sinh hệ quả là sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Mặc dù lãi suất cho vay đã giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn khó hấp thụ và khó tiếp cận vốn, tăng trưởng dư nợ tín dụng còn thấp.

Về thị trường vàng, hiện đã giảm dần tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, tuy nhiên, thị trường vàng trong nước vẫn có biến động lớn kéo dài. Trong khi đó, những giải pháp đưa ra thực hiện chưa đem lại hiệu quả như mong muốn trong việc việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước, bảo đảm đến 31/12/2013 sẽ căn bản hoàn thành nhưng công tác quản lý đất đai hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất; xác định giá đất, tạo quỹ đất sạch; quản lý, sử dụng đất của nông, lâm trường; việc phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền địa phương trong giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc thực hiện cưỡng chế khi Nhà nước thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi.

Lĩnh vực kế hoạch và đầu tư được đánh giá là việc phân cấp quản lý đầu tư còn bất cập, kiểm tra giám sát chưa tốt, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc, thời gian thi công kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp, gây phân tán và lãng phí nguồn lực.

Trong lĩnh vực công thương, tuy sức mua thị trường đã có bước phục hồi, chỉ số tồn kho đã giảm dần nhưng hiện nay, sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, đặc biệt là sản xuất công nghiệp; năng lực sản xuất vẫn tăng chậm, công nghiệp chế biến giảm sút và chậm phục hồi; thị trường nội địa phát triển chậm; cơ cấu hàng hoá xuất khẩu còn chưa hợp lý, kiểm soát nhập khẩu còn nhiều hạn chế, nhất là việc chống nhập lậu hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm đã được chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống tội phạm, mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung điều tra, xử lý các vụ án nghiêm trọng... nhưng tình hình trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, nhiều loại tội phạm vẫn đe doạ cuộc sống bình yên của nhân dân, xâm hại tài sản nhà nước; hệ thống thể chế còn nhiều bất cập, vướng mắc; sự quan tâm và phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị còn hạn chế; công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa tốt; lực lượng công an có lúc, có nơi chưa làm tốt vai trò tham mưu, chưa chú trọng các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc