(VnMedia) - Tại phiên họp Quốc hội sáng nay (23/11), đã có 480/480 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết của Quốc hội về lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết, đã có một số đại biểu quốc hội đề nghị nên tổ chức lấy ý kiến sớm hơn, có thể bắt đầu từ tháng 12 năm nay và tăng thời gian lấy ý kiến.
Những lần sửa đổi Hiến pháp trước đây đều có thời gian lấy ý kiến nhân dân khác nhau. Thời gian lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980 là 4 tháng. Với Hiến pháp năm 1992 là 2 tháng và lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 năm 2001 là 1,5 tháng.
Như vậy, thời gian lấy ý kiến dài hay ngắn phụ thuộc vào mục đích, yêu cầu và nội dung của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nếu thời gian quá ngắn thì sẽ không kịp triển khai, nhân dân không cóđủ thời gian để nghiên cứu, mạn đàm, góp nhiều ý kiến. Ngược lại, nếu quá dài thì dẫn đến tản mạn, hình thức và không bảo đảm tiến độ chỉnh lý.
Vì vậy, Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định thời gian lấy ý kiến nhân dân 3 tháng để vừa bảo đảm việc triển khai sâu rộng, vừa bảo đảm thời gian dành cho việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý.
Thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ bắt đầu từ ngày 2/1/2013 đến 31/3/2013 để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013), ông Phan Trung Lý cho biết.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp sửa đổi với 480/480 đại biểu tham gia tán thành.
Mục đích của việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp để Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.
Tại phiên họp, Quốc hội đã kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia góp ý xây dựng bản Hiến pháp, thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Việc sửa đổi và bổ sung Hiến pháp là việc hệ trọng của toàn Đảng, toàn dân, do đó việc lấy ý kiến nhân dân phải được các cơ quan Nhà nước các cấp, tổ chức Trung ương, tổ chức chính trị- xã hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan thông tấn báo chí... tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, thành viên tổ chức mình và các tầng lớp nhân dân tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ý kiến bạn đọc