Luật Thủ đô đã được thông qua nhưng vẫn... "nóng"

19:14, 21/11/2012
|

(VnMedia) - Dù số đại biểu không tán thành khá lớn nhưng Luật Thủ đô vẫn có đủ số phiếu cần thiết để chính thức được Quốc hội thông qua.  Đây là một dự án luật có rất nhiều ý kiến trái chiều tại các kỳ họp Quốc hội.

Dự án Luật Thủ đô đã từng được bỏ phiếu tại Quốc hội khóa 12, tại kỳ họp hồi tháng 3/2011, dự án Luật Thủ đô đã không được Quốc hội thông qua khi chỉ có 177 phiếu thuận (35,9%).

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, chiều nay (21/11), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủ đô, với 377 đại biểu tán thành (bằng 75,7%), 75 đại biểu không đồng thuận (bằng 15,06%) và 14 đại biểu không biểu quyết (bằng 2,81%).

Quốc hội cũng chính thức chọn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội là Khuê Văn Các với 385/463 đại biểu nhất trí (bằng 77,31%). Việc chọn biểu tượng này vẫn còn có tới 74 đại biểu (chiếm 14,86%) không tán thành.

Về quy hoạch xây dựng, phát triển thủ đô, quy định tại điều 8 của Luật Thủ đô, đã có 407 đại biểu tán thành (bằng 81,73%), 51 đại biểu không tán thành (bằng 10,24%).

Với quản lý dân cư, một vấn đề được nhiều ý kiến nêu ra tại Quốc hội, đã có 289/363 đại biểu tán thành với quy định đã được chỉnh lý tại dự thảo luật.

Theo đó, cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật Cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành…

Luật Thủ đô chỉ bổ sung điều kiện về thời gian cư trú và chỗ ở đối với một số đối tượng không thuộc các trường hợp nêu trên.

Theo đó, các đối tượng này chỉ được đăng ký thường trú khi đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà cho thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.

Kết quả biểu quyết riêng về quản lý dân cư trước khi thông qua toàn bộ dự luật, có 346/463 đại biểu tán thành (trên 69%), quan điểm không tán thành được 106  đại biểu thể hiện và không biểu quyết là 11 đại biểu.

Đây cũng là nội dung được thông qua với tỷ lệ tán thành thấp nhất trong số các nội dung được đưa ra biểu quyết (vị trí vai trò của thủ đô; biểu tượng thủ đô; quy hoạch phát triển thủ đô; cơ chế chính sách cho thủ đô; quản lý dân cư).

Với cơ chế chính sách quy định cho Thủ đô, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự án luật đã không quy định cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Dự thảo luật cũng đã được chỉnh lý, trong đó cho phép Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá hai lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong ba lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng.

Về cơ chế chính sách tài chính, ngoài nguồn ngân sách nhà nước đầu tư, Hà Nội được phép huy động các nguồn lực tài chính khác ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư, xây dựng và phát triển Thủ đô trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Với 4 chương, 27 điều, Luật Thủ đô sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013.


Đinh Bách

Ý kiến bạn đọc