(VnMedia) - Được khởi công từ năm 2009, tuy nhiên đến nay dự án xây dựng cầu Nhật Tân nối với sân bay Nội Bài (Hà Nội) mới hoàn thành được gần 60% khối lượng công việc. Chỉ còn khoảng 1 năm để về đích, liệu cầu Nhật Tân có đúng hẹn?.
Thông ở huyện, “tắc” ở … quận
Cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 8,3 km, với phần thân cầu dài 3,7 km, trong đó có cầu chính vượt sông Hồng dài 1,5 km là cầu dây văng liên tục nhiều nhịp với 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Thủ đô chào đón bạn bè quốc tế đến với Hà Nội.
Phần đường dẫn dài 5,4 km trong đó có các nút giao Phú Thượng nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, nút giao Tả Hồng và nút giao Vĩnh Ngọc nằm trên địa bàn huyện Đông Anh. Trên tuyến đường dẫn có cầu sông Thiếp và cầu vượt nút giao Vĩnh Ngọc.
Với 3 gói thầu, dự án cầu Nhật Tân nối với tuyến đường sân bay Nội Bài là dự án trọng điểm của Nhà nước và hoàn thiện đường vành đai 2, giải tỏa áp lực cho cầu Thăng Long. Tuy nhiên, hiện nay các gói thầu đều ì ạch và phải điều chỉnh tiến độ do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Hoàng Trung Kính, Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng, Ban quản lý Dự án Tả Ngạn (đơn vị được Hà Nội giao làm công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng) dự án cầu Nhật Tân cho biết, dự án này đi qua 2 quận, huyện của Hà Nội với tổng diện tích đất phải thu hồi là gần 116 ha để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.
“Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích giải phóng mặt bằng của huyện Đông Anh cơ bản đã hoàn thành để đơn vị thi công làm theo đúng tiến độ của dự án. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của toàn dự án này chính là nằm ở gói thầu số 2. Hiện gói thầu vẫn vướng khoảng 2,3 ha đất của 280 hộ dân tại nút giao Phú Thượng (phường Phú Thượng - Tây Hồ) chưa được giải phóng”, ông Kính cho hay.
Ông Trưởng Phòng Giải phóng mặt bằng cũng cho hay, hiện đã có 164 hộ dân bàn giao mặt bằng và di dời. Tuy nhiên, đơn vị thi công không thể tiến hành làm được vì nhà cửa các hộ này xen kẽ với 116 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng vì chưa đồng thuận với giá đền bù do không sát với giá thị trường của thành phố đồng thời không chấp hành cho tổ công tác giải phóng mặt bằng của phường, quận vào kiểm đếm đo đạc. Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng sạch gặp nhiều khó khăn.
|
Đã thi công được 3 năm nhưng dự án xây dựng cầu Nhật Tân của Hà Nội mới hoàn thành được khoảng 60% khối lượng công việc. |
Để tiến độ dự án không phải điều chỉnh nhiều lần vì mặt bằng, ông Kính cho biết, theo chỉ đạo của UBND thành phố gói thầu số 2 phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước năm 2012. Các hộ dân không chấp nhận giá đền bù và không di dời sẽ phải áp dụng biện pháp hành chính cưỡng chế để thu hồi đất.
Cụ thể, các hộ dân này không đồng ý giải phóng mặt bằng vẫn sẽ được phường, quận xây dựng phương án bồi thường và phê duyệt đồng thời có kế hoạch di chuyển trên cơ sở dữ liệu hồ sơ lưu trữ đất đai.
"Tới đây, UBND quận Tây Hồ sẽ cưỡng chế 3 hộ dân trong tổng số 116 hộ. Số nhà còn lại sẽ tổ chức xây dựng cưỡng chế từng đợt. Mỗi dự án giao thông trên địa bàn Hà Nội muốn có mặt bằng sạch là vô cùng khó khăn,” ông Kính cho biết.
Liệu có cán đích đúng “hẹn”?
Theo ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Nhật Tân, Ban quản lý Dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải), tiến độ dự án đã bị ảnh hưởng do ách tắc trong khâu bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công nên đến thời điểm này giá trị toàn dự án cũng chỉ mới hoàn thành được gần 60% khối lượng công việc. Hiện cả ba gói thầu xây dựng cầu Nhật Tân mới đạt 35 - 63% khối lượng công việc.
“Mặt bằng có đến đâu, việc gì có thể làm trước để đẩy nhanh tiến độ thì đơn vị thi công sẽ làm đảm bảo dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn sẽ đưa vào khai thác vào tháng 10 năm 2014,” ông Minh cho hay.
Đề cập đến các gói thầu, ông Minh cho biết, gói thầu số 1 triển khai xây dựng cầu chính và cầu dẫn phía Bắc (nhà thầu thi công là Liên danh Tập đoàn IIS và Công tư Xây dựng Sumitomo Mitsui-Nhật Bản) được khởi công tháng 10/2009 và hoàn thành vào tháng 10/2012 nhưng đến nay phần trụ tháp cầu đang thi công mố trụ và bắt đầu lắp dầm thép trên trụ đầu tiên.
“Hiện, đơn vị thi công đã hoàn thành được 37/40 bệ, 36/40 thân trụ, 29/33 xà mũ của phần cầu dẫn phía Bắc. Riêng 5 trụ tháp vượt sông Hồng (P12 đến P16), nhà thầu đang làm phần thân phía trên trụ tháp, gia công lồng thép và đổ bê tông các đốt tiếp theo…,” ông Minh cho biết.
Là gói thầu được khởi công sớm nhất vào tháng 4/2009 và được yêu cầu hoàn thành tháng 2/2012. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều hạng mục của gói thầu số 3 xây dựng đường dẫn phía Bắc (huyện Đông Anh) do Nhà thầu thi công là Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng Tokyu (Nhật Bản) vẫn đang tiến hành thi công đường dẫn và các cầu vượt nút giao Vĩnh Ngọc, cầu Sông Thiếp.
Lý giải cho việc các gói thầu đều chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, ông Minh khẳng định, dự án đã bị ảnh hưởng do ách tắc trong khâu bàn giao mặt bằng sạch. Vì thế, toàn bộ dự án phải điều chỉnh tiến độ thi công.
Chứng minh cho điều này, ông Minh đưa ra dẫn chứng, các đơn vị thi công đều nhận mặt bằng làm nhiều đợt. Thậm chí, đến tháng 5 vừa qua, đơn vị thi công mới nhận hết mặt bằng của cầu vượt đê Tả Hồng (chậm 3 năm so với kế hoạch) vì thế nên rất khó có thể hoàn thành theo đúng tiến độ phê duyệt của dự án như ban đầu.
Nhằm thúc tiến độ các gói thầu này, ông Minh cũng khẳng định: “Mặt bằng có đến đâu thì công tác thi công sẽ được làm đến đó để đáp ứng tốt nhất công việc và đẩy nhanh tiến độ chất lượng theo chỉ đạo của các cấp lãnh đạo.”
Theo ông Minh, khó khăn lớn nhất của dự án cầu Nhật Tân hiện nay nằm ở gói thầu số 2 khởi công 9/2011 yêu cầu hoàn thành 5/2014. Hiện gói thầu vẫn vướng khoảng 2,3 ha đất của 280 hộ dân tại nút giao Phú Thượng (phường Phú Thượng - Tây Hồ) chưa được giải phóng.
Trước câu hỏi, nếu mặt bằng được bàn giao theo đúng chỉ đạo của thành phố phải xong trước năm 2012 thì tiến độ dự án gói số 2 có về đích đúng hẹn, ông Minh cho biết: “Nếu công tác giải phóng mặt bằng xong thì tiến độ sẽ hoàn thành.”
Ý kiến bạn đọc