Lãnh đạo Agribank Hải Phòng: Nhân viên "vay ké" của dân

06:44, 05/11/2012
|

(VnMedia) - Liên quan đến vụ hàng trăm hộ dân bỗng dưng phải “cõng” cả trăm triệu đồng tiền nợ ngân hàng, để rộng đường dư luận, phóng viên VnMedia đã có buổi làm việc với ông Phạm Quý Giang – Phó giám đốc Agribank Hải Phòng. Sau đây là nội dung trao đổi:

>>
Rúng động hàng trăm nông dân bỗng dưng thành con nợ "khủng"

>> Chân dung cán bộ ngân hàng bị nghi lừa dân

Ảnh minh họa

Trụ sở của Ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Am - Hải Phòng


- Thưa ông, Nam Am là chi nhánh ngân hàng có hoạt động như thế nào trong toàn hệ thống?

Hải Phòng có 22 chi nhánh ngân hàng Agribank trong 15 quận - huyện, trực thuộc Agribank Hải Phòng. Chi nhánh Nam Am mới được nâng cấp lên chi nhánh loại 3 từ năm 2008, trực thuộc thành phố. Hoạt động của chi nhánh được đánh giá là ổn định.

- Được biết là phía ngân hàng Agribank Hải Phòng đã có đoàn công tác về Nam Am để xác minh vụ việc người dân tố cáo cán bộ tín dụng Lê Thị Vững có biểu hiện lừa đảo. Xin ông cho biết kết quả ban đầu?

Qua công tác kiểm tra xác minh cho thấy, một số nội dung trong đơn thư của người dân là có cơ sở. Cũng có chỗ có đúng. Ví dụ như là việc "vay ké" là có. Nhưng mức độ bao nhiêu thì chưa rõ ra được. Rồi thì chuyện vướng bìa đỏ của hộ nọ, hộ kia là có.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã xác minh khoảng 30% số hộ có trong danh sách nợ tiền ngân hàng, với 230 hộ dân. Con số này chỉ mới tính riêng trên địa bàn xã Tam Cường, chưa tính đến những xã lân cận.

- Với cương vị là một người làm công tác quản lý, ông giải thích thế nào về hiện tượng đó?

Thực tế, người dân vẫn thường tin nhau và đồng tình với việc “bác vay cho em ké một tí…”. Trong vụ việc cụ thể như báo chí phản ánh, hầu hết những người dân có tên trong danh sách vay nợ đều là những người có mối quan hệ họ hàng, xóm giềng với cán bộ tín dụng Lê Thị Vững.

Là Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn nên chúng tôi có đặc thù khách hàng là nông dân. Khách hàng là nông dân khác với khách hàng là tiểu thương. Với những người buôn bán, họ hiểu rõ về việc vay mượn và nghiêm túc hơn.

Vụ việc hàng trăm hộ dân vay vài chục triệu đồng bỗng bị “đội” lên cả trăm triệu trong sổ nợ của ngân hàng khiến dư luận băn khoăn về quy trình cho vay, liệu rằng có “lỗ hổng” nào không thưa ông?

Quy trình cho vay bao gồm: Tiếp nhận đơn – Thẩm định (định giá tài sản) – Lập hồ sơ cho vay – Phê duyệt – Giải ngân. Về mặt thủ tục quản lý là tương đối chặt chẽ. Một bộ hồ sơ vay vốn hợp lệ, sau khi thực hiện đúng quy trình nêu trên, phải có đầy đủ 4 chữ ký gồm: Người vay vốn, cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn, Trưởng phòng nghiệp vụ và cuối cùng là Ban Giám đốc chi nhánh ngân hàng.

Vấn đề là ở con người, đã là con người đôi khi mắc sai sót. Đến máy móc lập trình mà đôi khi vẫn xảy ra vấn đề nữa là.

- Như vậy, theo quy trình chặt chẽ đó thì còn có khâu thẩm định tài sản thế chấp. Nhưng thực tế, giá trị mảnh đất của các hộ dân liệu có cao đến mức dễ dàng thế chấp vay 400 – 800 triệu như thế không, thưa ông?

Có những vị trí đất ở xã Tam Cường, giá trị mỗi mét đất cao như ở Thành phố, thậm chí là cao hơn. Cũng bởi điều này nên đôi khi trong quá trình thẩm định giá trị tài sản thế chấp, người thẩm định cũng bị đánh lừa cảm giác nên chủ quan.

Ảnh minh họa

Cán bộ tín dụng Lê Thị Vững -
người liên quan trực tiếp đến những tố cáo của nông dân


- Đối với việc cho các hộ gia đình vay vốn, với chi nhánh ngân hàng loại 3 như Nam Am thì được phép phê duyệt mức tiền cao nhất là bao nhiêu?

Cụ thể từng mức như thế nào thì có văn bản hướng dẫn rõ ràng, tôi chỉ nói dễ hiểu thế này, theo ủy quyền phân cấp của ngân hàng Agribank, với mức vay khoảng 400 triệu thì vẫn thuộc thẩm quyền phê duyệt của chi nhánh loại 3, tức là trong trường hợp này, giám đốc chi nhánh Nam Am đủ thầm quyền để phê duyệt các khoản vay vài trăm triệu của nông dân.

- Vì cán bộ tín dụng Lê Thị Vững là người trực tiếp giao dịch với dân, thậm chí là trực tiếp giao tiền được phê duyệt nên nhiều người dân lại hiểu rằng họ đang vay tiền của bà Vững chứ không phải của ngân hàng. Vậy, phải hiểu thế nào cho đúng, thưa ông?

Nhiều khi bà con không hiểu rõ, có thể thấy bà Vững nhiệt tình, giúp làm hồ sơ, rồi đem tiền đến tận tay giao cho bà con…nên họ lại hiểu rằng đó là vay của bà Vững chứ không phải vay của ngân hàng.

Đây là quan hệ vay vốn giữa người dân và ngân hàng, tôi không thể trả lời khác được, phải là vay ngân hàng. Bà Vững được quyền đem tiền của Chính phủ cho dân vay, trên cơ sở quy chế quy định.

- Hiện tại, nhiều người dân hoang mang vì sợ bị ngân hàng xiết nợ, lấy nhà bởi toàn bộ sổ đỏ của các hộ dân có vay mượn vài chục triệu đang được thế chấp tại đây. Trước tình huống này, với cương vị là người lãnh đạo cấp cao của ngân hàng Agribank Hải Phòng, ông muốn nhắn nhủ gì?

Chúng tôi xác định, ổn định tình hình là quan trọng nhất, vì nếu không ổn định được sẽ rất khó trong việc đầu tư tiếp tục cho người dân. Việc làm có thể sai chỗ nọ, đúng chỗ kia, lúc này thì đúng, lúc khác thì sai… rất nhiều vấn đề nhưng bà con yên tâm, chuyện đúng sai sẽ có người xem xét, xử lý giải quyết đến nơi đến chốn. Nhà cửa bà con cũng yên tâm, ngân hàng giữ giấy tờ không thể bị mất được. Bà con phải là người sai thì ngân hàng mới có quyền xiết nợ, nếu bà con không sai, ngân hàng không thể xiết nợ của bà con, phải xiết người làm sai. Quan điểm của chúng tôi rõ ràng như thế.

Hiện tại, chúng tôi vẫn tiếp tục cho bà con vay vốn theo đúng thủ tục, bên cạnh đó vẫn tiếp tục xử lý những cái sai, cái tồn tại.

- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn!

Song Linh

Ý kiến bạn đọc