(VnMedia)- Nếu việc sản xuất thuốc độc để thi hành án tử hình còn khó khăn, các đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn.
>> Thi hành án tử hình: Không chỉ chuyện thiếu thuốc độc!
|
Sáng nay, 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.
Trong phần thảo luận này, các đại biểu tiếp tục nêu ý kiến về hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc.
Đề nghị trả lời rõ có thuốc hay không?
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn đại biểu Hòa Bình, ngày 24/5/2010 tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XII, tại hội trường này Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý Dự án luật Thi hành án hình sự trước Quốc hội.
"Qua các phương tiện thông tin đại chúng, cử tri cả nước tại thời điểm đó có bao gồm cả tôi được biết hình thức thi hành án tử hình là một trong những nội dung nóng trong các phiên thảo luận của Quốc hội với các luồng ý kiến như vẫn giữ nguyên hình thức xử bắn để đảm bảo tính răn đe cao hoặc cho phép phạm nhân được lựa chọn hình thức thi hành án tử hình là xử bắn hay tiêm thuốc độc.
Nhưng đại đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với phương án thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc bởi tính ưu việt mà đã được trình bày trong Báo cáo giải trình của Chính phủ là hình thức nhanh chóng, không gây tâm lý căng thẳng cho người thi hành án cũng như phạm nhân, đảm bảo tính nhân đạo và đặc biệt để giảm nhanh các án tử hình hiện còn đang tồn đọng".
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc vẫn chưa được thực hiện là do không thể mua được thuốc cũng như Việt Nam cũng chưa sản xuất được loại thuốc này.
Bên cạnh đó, theo viện dẫn của Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, “mới ngày hôm qua đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lại còn cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu Khóa XIII, đó là tử hình bằng thuốc độc không chỉ khó khăn về nguồn thuốc mà còn nhiều khó khăn khác như vận chuyển tù nhân đến nơi thi hành án là rất rủi ro...".
Theo Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, "Không có gì khổ bằng ngồi chờ chết. Hiện nay 500 tử tù đang ngồi chờ vì một quyết định còn chưa mang nhiều tính thực tế của chúng ta. Theo tìm hiểu của tôi trung bình một năm số lượng phạm nhân bị kết án tử hình có khoảng 80-100 người, vậy với số lượng tử tù hiện nay cho thấy việc thi hành án tử hình đã bị tồn đọng ít nhất 5 năm.
Vấn đề này đang ẩn chứa nhiều hiểm họa xã hội khôn lường và ảnh hưởng tới tính nghiêm minh của luật pháp". Vì vậy, " tôi đề nghị hết sức khẩn thiết Bộ Y tế cần trả lời dứt điểm ngay trong kỳ họp này có mua được thuốc hay không, có mua được nguyên liệu sản xuất thuốc hay không, có sản xuất được trong nước hay không?"...
Nếu việc sản xuất thuốc quá khó khăn, để thực thi pháp luật được hiệu quả, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải "tha thiết đề nghị Quốc hội nhất trí với kiến nghị của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tồn tại song song hai hình thức thi hành án tử hình cũ và mới, có lộ trình thay thế dần hình thức cũ bằng hình thức mới”.
Tử hình bằng tiêm thuốc độc: Chuẩn bị xong nhưng thiếu thuốc
Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu: Vấn đề thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc là vấn đề rất lớn, năm ngoái Chính phủ đã báo cáo và xin khất với Quốc hội trong năm 2012 sẽ thực hiện. Cho nên từ năm 2011 và 2012 Chính phủ đã tập trung cao để làm sao cố gắng thực hiện được điều đã hứa, nợ Quốc hội trong năm 2011.
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, cơ bản công việc chuẩn bị cho thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc Chính phủ đã chuẩn bị xong, thể chế đã ban hành nghị định riêng về vấn đề này tháng 9/2011, trang thiết bị, đào tạo, cả bên công an và quân đội như báo cáo.
“Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện nảy sinh vấn đề mới, đó là chưa tìm được nguồn thuốc cung ứng để phục vụ cho việc thi hành án. Nguyên nhân ở đây là Nghị định của Chính phủ ban hành để thực hiện việc này, để hướng dẫn thi hành việc này thì ghi cụ thể ba loại thuốc dùng để thi hành án tử hình. Trong khi đó các loại thuốc này Việt Nam chúng ta chưa sản xuất được và phải nhập khẩu. Các cơ quan chức năng đã đàm phán, đã thương thảo hợp đồng để nhập khẩu nhưng phía nước ngoài lại không đồng ý cho nhập loại thuốc này để thi hành án tử hình...”.
Để khắc phục khó khăn này trên cơ sở đề xuất Bộ Công an, Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ, Nghị định 82 năm 2011 và theo trình tự rút gọn: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Hội đồng chuyên môn cấp cao của Bộ Y tế đã nghiên cứu rất kỹ và đã thống nhất xác định rõ các nhóm thuốc mà Việt Nam có thể chế biến được để thực hiện".
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, "tinh thần của các Bộ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo làm sao đó trong quý 4 năm 2012 này phải sửa đổi, bổ sung xong theo trình tự rút gọn nghị định của Chính phủ. Sau khi chúng ta đã xác định nguồn thuốc, sau khi đã sửa đổi Nghị định thì sẽ cố gắng thực hiện việc này trong thời gian sớm nhất”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu thêm về sự chắc chắn trong nguồn thuốc mà chúng ta có thể chế biến được.
“Và nếu thấy chưa chắc chắn thì chúng tôi cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Huỳnh Nghĩa ở Đà Nẵng và nhiều đại biểu cũng đã phát biểu thì cũng có thể đề nghị với Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết về công tác tư pháp của năm 2012 này để làm chúng ta có giải pháp trước mắt trong khi chúng ta chưa thực hiện được đầy đủ quy định của luật về vấn đề tiêm thuốc độc”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.
Trước đó, trong phiên thảo luận ngày hôm qua, 1/11, các đại biểu cũng nêu ý kiến rằng, để thực hiện thi hành án đối với 500 phạm nhân, Việt Nam nên tự sản xuất thuốc độc. Trường hợp chưa thể làm được ngay, chúng ta nên cho phép tạm thời tiếp tục thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn.
Như ý kiến của Đại biểu Huỳnh Nghĩa, Đà Nẵng đề nghị Quốc hội xem xét trong kỳ họp này ban hành Nghị quyết quy định rõ trong khi chờ nguồn thuốc độc cho phép tạm thời tiếp tục thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn. Nếu tiếp tục kéo dài thời gian thi hành án tử hình ngày nào sẽ gây tâm lý căng thẳng, phức tạp. Đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Công an và các ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu bằng mọi giá bào chế cho được loại thuốc này trong năm 2013. Đồng thời phải có biện pháp quản lý tử tội chặt chẽ, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
Ý kiến bạn đọc