Không nên siết nhập cư bằng hộ khẩu?

21:17, 05/11/2012
|

(VnMedia) - Đồng tình với việc cần phải hạn chế nhập cư vào Thủ đô, nhưng nhiều đại biểu cho rằng, việc quản lý bằng hộ khẩu là không khả thi và dễ nảy sinh nhiều tiêu cực…

 

Theo thống kê, mật độ dân của TP Hồ Chí Minh hiện nay là khoảng 4.000 người/km2, trong khi đó ở quận Đống Đa thành phố Hà Nội là 37.000 người/km2, quận Hai Bà Trưng là 30.000 người/km2. Việc gia tăng dân số quá nhanh dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có điều kiện sống và đặc biệt là nạn tắc nghẽn giao thông.

 

Hiện là Giám đốc Công an TP Hà Nội, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh trật tự, đại biểu Nguyễn Đức Chung (đoàn Hà Nội), không chỉ đồng tình với những lý do để siết nhập cư kể trên mà còn cho rằng, việc tăng nhanh dân số ở các quận nội Thành thành phố đã gây áp lực cho các điều kiện liên quan đến công tác đảm bảo an ninh và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

 

Trong 5 năm qua, tình hình tội phạm và các tệ nạn xã hội trên địa bàn Thành phố theo thống kê có từ 35-37% các loại tội phạm do các đối tượng ở các tỉnh ngoại thành đến Thành phố Hà Nội gây án. Do đó, việc chúng ta áp dụng hạn chế các điều kiện nhập cư vào các quận nội thành trong điều kiện, trong giải pháp trong thời gian hiện nay là một điều kiện rất cần thiết để đảm bảo cho việc giữ gìn an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô và tạo một điều kiện cho người dân sống trong một môi trường an ninh, an toàn” - ông Nguyễn Đức Chung nói.

 

Theo Dự thảo Luật Thủ đô đang được Quốc hội thảo luận cho ý kiến, hạn chế nhập cư được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện những vấn đề nói trên, tuy nhiên, thảo luận tại các phiên họp của Quốc hội, các điều kiện để hạn chế vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là vấn đề quản lý bằng hộ khẩu.

 

Những bất cập về việc siết nhập cư bằng hộ khẩu đã từng xảy ra nhiều năm trước đây và chính vì vậy, khi Quốc hội ban hành Luật Cư trú đã không áp dụng biện pháp này để hạn chế việc nhập cư. Lần này, góp ý cho dự án Luật Thủ đô, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ lo ngại, việc siết chặt nhập cư bằng hộ khẩu sẽ dễ dẫn đến hiện tượng tìm cách lách luật.

 

Với quy định này, số người nhập cư do quan hệ huyết thống sẽ dễ dàng hơn những trường hợp có nhu cầu chính đáng, dân số nội đô sẽ tăng do quan hệ huyết thống hay hôn nhân có thể thật và giả. Sẽ có những hợp đồng lao động giả, hợp đồng thuê nhà giả để tìm cách nhập khẩu vào thủ đô, những tiêu cực trong việc nhập khẩu sẽ tăng lên” - đại biểu TP. Hồ Chí Minh phân tích.

 

Theo ông, quan trọng hơn là xóa bỏ sự khác biệt giữa người có hộ khẩu và người không có hộ khẩu để thủ đô có điều kiện thu hút nguồn nhân lực cao cấp, khách du lịch nước ngoài. “Tôi đồng ý là có rào cản kỹ thuật trong việc điều tiết người nhập cư vào nội đô nhưng không phân biệt theo quan hệ huyết thống, hôn nhân hay các biện pháp, rất dễ bị làm giả”.

 

Cần có những quy định chặt để nâng cao chất lượng công dân Thủ đô cũng là ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Theo ông, công dân Thủ đô có thể được sống văn minh hơn, tiện nghi hơn nơi khác nhưng phải tuân thủ các yêu cầu cao hơn nơi khác. “Ví dụ nên quy định ở nội đô thì phải có chỗ ở với tiêu chuẩn nhất định và xử lý nghiêm những trường hợp sống lang thang, sinh hoạt bừa bãi, mất vệ sinh, mất an toàn, quấy nhiễu người khác nơi công cộng hoặc bôi xấu thể diện quốc gia…” - đại biểu TP. Hồ Chí Minh nói.


 Ảnh minh họa

Đại biểu Nguyễn Đức Chung góp ý cho Dự thảo Luật Thủ đô


Cùng quan điểm với đại biểu TP. Hồ Chí Minh, theo đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), mục tiêu của việc quy định nhiều điều kiện chặt chẽ là nhằm hạn chế việc nhập cư chứ không phải là quản lý dân cư.

 

Nguyên nhân của việc tăng dân cư thời gian qua ở địa bàn thành phố Hà Nội và nhiều thành phố khác có gốc là mất cân đối trong phát triển giữa các vùng, miền trên tất cả các lĩnh vực như lao động, việc làm, thu nhập, điều kiện xã hội sống, điều kiện hưởng thụ, các phúc lợi công cộng của người dân, đặc biệt là chính nhu cầu lao động nhập cư để phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Do đó, nếu chúng ta dùng biện pháp hành chính thì nguy cơ sẽ không có hiệu quả, vì quản lý hành chính có thể giảm số lượng người đăng ký tạm trú về mặt sổ sách, giấy tờ, nhưng về thực tế sẽ tăng nguy cơ lượng người nhập cư không chính thức vào đô thị” - đại biểu tỉnh Tây Ninh phân tích.

 

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm cũng cho rằng, do những rào cản về mặt kỹ thuật dẫn đến những hệ lụy là phát sinh tiêu cực như chạy các điều kiện để được đăng ký thường trú tại Thủ đô. Ông Nguyễn Thành Tâm đề nghị, nên đưa vào chính thức để quản lý và tăng cường năng lực quản lý để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của người dân khi gia nhập vào đời sống của Thủ đô.

 

Trong khi đó, đại biểu Đào Trọng Thi (đoàn Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình với ý kiến cho rằng, việc điều tiết vấn đề nhập cư phải bằng những giải pháp kinh tế xã hội, nhưng ông phân tích, trong hoàn cảnh Thủ đô còn rất hạn chế và rất khó khăn về cơ sở hạ tầng cũng như điều kiện sinh sống, thì các điều kiện quản lý, tổ chức đô thị, áp dụng bổ sung những biện pháp mang tính chất hành chính cũng rất cần thiết.

 

Liên quan đến một vấn đề tăng phí giao thông để giảm ùn tắc, vốn được nhiều đại biểu đồng tình, trong phiên họp sang 5/11, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam ) lại có ý kiến khác. Ông cho rằng, dù có tăng phí cao bao nhiêu thì người nghèo vẫn phải mua chiếc xe vì đó là phương tiện cứu cánh cho cuộc sống. “Như thế, vô tình ta đưa ra chủ trương, gánh nặng này đè lên vai người có thu nhập thấp. Còn đối với người thu nhập cao, có thu thêm 5 triệu, 10 triệu/năm cũng không là vấn đề gì… Cho nên, lý do nêu ra giảm ùn tắc là không có tính thuyết phục, còn hệ quả cuối cùng thì người thu nhập thấp sẽ chịu gánh nặng" - đại biểu tỉnh Quảng Nam nói.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc