(VnMedia)Ngày 27/11 tại thành phố Huế, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Nokia phối hợp với Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo khởi động dự án "Tăng cường rừng ngập mặn góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế".
Dự án nói trên được thực hiện trong gần 2 năm, kể từ nay đến tháng 7/2014. Dự án được tài trợ bởi WWF với mục tiêu thông qua hoạt động trồng cây ngập mặn và chuyển giao các kỹ năng quản lý rừng bền vững cho người dân địa phương. Cùng với các hoạt động được triển khai đồng thời là tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, chính quyền và người dân địa phương về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của rừng ngập mặn, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật về gieo trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng ngập mặn cho người dân địa phương. Trong thời gian thực hiện, dự án còn đầu tư trồng 23.000 cây ngập mặn tập trung và phân tán nhằm mở rộng diện tích rú chá, bảo vệ các tuyến đường giao thông đê bao ngăn mặn và xây dựng ao nuôi thủy sản thân thiện với môi trường.
Theo đó, rừng ngập mặn ở khu rú chá Hương Phong (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tiếp tục được trồng, mở rộng diện tích để trở thành những bức bình phong chắn gió, hạn chế tác hại của bão lũ, phục hồi nguồn lợi thủy sản và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản. Sẽ có hơn 400 hộ dân trong vùng dự án sẽ được hưởng lợi thông qua việc nâng cao kỹ năng quản lý nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm lũ lụt và canh tác hiệu quả.
Rú chá là diện tích rừng ngập mặn nguyên sinh với diện tích còn lại khoảng 5ha ở xã Hương Phong. Đây là rừng ngập mặn tập trung hiếm hoi còn sót lại trên khu vực phá Tam Giang có giá trị cao về mặt đa dạng sinh học. Thảm rừng còn rất tốt chủ yếu là cây chá, độ cao 2 - 4 m, đường kính trên 50 cm, tuổi bình quân hơn 30 năm. Có nhiều loài chim từ phương bắc đến cư trú như: triết, vạc, cò, chim cu, chim nước. Trong rừng, có một khe sâu thường xuyên ngập nước nên có rất nhiều loài tôm, cá quý hiếm. Rừng bao gồm nhiều loài động thực vật đặc trưng như: diệc, vạc, cò, tôm, cua, cá, sú vẹt đước...
Từ lợi ích của rú chá mang lại, 100% người dân trong vùng mong muốn diện tích cây ngập mặn được mở rộng hơn. Bên cạnh hỗ trợ một phần từ nguồn vốn bên ngoài (nhà nước và các tổ chức khác), người dân còn đứng ra lập kế hoạch mở rộng diện tích rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây đang là một việc làm tích cực, cần nhân rộng ở Hương Phong..../.
Thanh Hà
Ý kiến bạn đọc