Giảm tuổi vị thành niên để chống tội phạm trẻ

16:15, 01/11/2012
|

(VnMedia) - Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ, đại biểu tỉnh Vĩnh Long đề nghị, nên quy định tuổi thành niên là 16 thay vì 18; trẻ vị thành niên là 12 đến 14 thay vì từ 14 đến 16 nhằm tăng tính răn đe đối với tội phạm trẻ…

 

Sáng nay (1/11), Quốc hội thảo luận tại Hội trường Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng trước tình trạng tội phạm trẻ đang gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng nhưng pháp luật chưa có quy định đủ sức răn đe, trừng trị.

 

Những con số rùng mình

 

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu tỉnh Vĩnh Long Hồ Trọng Ngũ đưa ra một con số giật mình, theo đó, hàng năm có đến 16.000-18.000 trẻ em chưa thành niên phạm tội, chiếm từ 15-18% tội phạm. Trong 5 năm qua từ năm 2007 - 2012 các lực lượng công an đã điều tra hơn 49.000 vụ phạm pháp hình sự với gần 76.000 đối tượng người chưa thành niên phạm pháp.

 

Theo đại biểu Hồ Trọng Ngũ, dù không truy tố hết số đối tượng đó vì căn cứ vào chủ thể nhưng tất cả các vụ phạm pháp hình sự đều có các dấu hiệu tội phạm. Xét về cơ cấu thì tội phạm chưa thành niên rất phức tạp, cướp, giết, hiếp dâm, cố ý gây thương tích, các tội xâm phạm an toàn công cộng, các tội phạm về kinh tế, tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy, mãi dâm, chống người thi hành công vụ rất phức tạp.

 

“Hơn 65% vụ phạm pháp của người chưa thành niên có sử dụng vũ khí nóng hoặc hung khí, về động thái tôi thấy diễn biến đang rất xấu. Đặc biệt, ngày càng có nhiều loại tội phạm kinh tế, nhất là tội phạm công nghệ cao và xu hướng có tổ chức với việc sử dụng vũ khí nóng, lưỡi lê, mã tấu gia tăng, tính chất rất nguy hiểm. Đặc biệt là người chưa thành niên thực hiện phương thức, thủ đoạn hết sức nguy hiểm, tinh vi, nhiều vụ rất dã man và mất hết tính người” - đại biểu tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là sau những vụ cướp, giết dã man, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng nhưng việc xử lý chỉ dừng lại ở mức độ như các tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng đối với người lớn khiến tâm lý coi thường pháp luật trong vị thành niên gia tăng.

 

“Quần chúng nhân dân rất bức xúc, cử tri rất gay gắt cho rằng nhà nước quá nương nhẹ, dư luận cho rằng lương tri đang bị thách thức. Ngay cả khi được đại biểu Quốc hội giải thích theo những quy định hiện hành nhiều cử tri phản ứng lại rằng hình phạt của chúng ta theo Luật hình sự hiện hành là hữu khuynh và đang tạo điều kiện cho người chưa thành niên phạm tội” - đại biểu Hồ Trọng Ngũ nói.

 

“Ngay tại diễn đàn hôm nay, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng nặng hình phạt đối với người chưa thành niên, thậm chí có người có trọng trách trong bộ máy đấu tranh phòng, chống tội phạm đã đề nghị áp dụng cả hình phạt tử hình đối với đối tượng chưa thành niên trong điều kiện pháp luật hiện hành” - đại biểu tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh.

 

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ cho biết, mặc dù đã áp dụng rất nhiều biện pháp khác nhau, nhưng kết quả rất hạn chế. “Rõ ràng lương tri và trách nhiệm đang thách thức chúng ta, vậy giải pháp thế nào cho vấn đề này?” - đại biệu Ngũ đặt câu hỏi.


 Ảnh minh họa
 
 

Giảm quy định tuổi vị thành niên

 

Chia sẻ với những ý kiến cho rằng cần phải phát huy tác dụng của hình phạt và các biện pháp cưỡng chế mạnh, đại biểu Hồ Trọng Ngũ cho biết, về nguyên tắc, không thể áp dụng các biện pháp hình phạt nặng hơn so với quy định của Bộ luật hình sự, cũng như không nên sửa Luật hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt, “vì điều đó trái với những cam kết quốc tế của chúng ta về bảo vệ người chưa thành niên”.

 

“Theo tôi, có thể xử lý vấn đề bằng một cách khác, trên cơ sở phải xem xét lại một cách căn cơ hơn, thấu đáo hơn những nguyên nhân của tình hình tội phạm chưa thành niên và xác định lại tuổi thành niên cho hợp lý. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể làm được” - đại biểu Hồ Trọng Ngũ giải thích và cho biết, thực tế nhiều quốc gia đã quy định tuổi thành niên từ đủ 16, thậm chí Pháp luật hình sự nhiều nước buộc công dân của họ từ 12 tuổi và 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ.

 

“Tôi cho rằng, phải xử lý bài toán phải cởi mở cả hai phía. Một mặt là thừa nhận sự trưởng thành vượt bậc năng lực hành vi và chấp nhận mở rộng hành lang pháp lý với các em. Thừa nhận 16 tuổi là người thành niên để các em có nhiều quyền năng, hành động và tham gia thực sự giải quyết các quan hệ xã hội và tuổi vị thành niên là tuổi từ 12 đến 14 tuổi. Những chế độ pháp lý mà lâu nay chúng ta áp dụng cho những người từ 16 đến 18 tuổi sẽ áp dụng cho các em từ đủ 14 đến 16 tuổi. Còn chế độ pháp lý mà lâu nay áp dụng cho các em áp dụng từ 14 dến 16 tuổi sẽ dùng với các em từ 12 đến 14 tuổi. Nếu chúng ta làm điều đó thì Quốc hội sẽ ủng hộ Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp của cuộc đấu tranh, phòng, chống tội phạm vị thành niên hiện nay” - đại biểu Hồ Trọng Ngũ khẳng định.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc