(VnMedia) - Nói về nỗi khổ của bác sĩ khi giá dịch vụ khám chữa bệnh thấp, Bộ trưởng Y tế dẫn chứng: "Có những đồng chí giám đốc bệnh viện nói gần như phát khóc lên là: chúng tôi đã tự ăn vào người chúng tôi"...
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến - ảnh: TT |
Chiều 13/11, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Vấn đề nóng nhất chính là chất lượng khám chữa bệnh, giá thuốc và an toàn thực phẩm...
3 vấn đề trên thực sự đã gây bức xúc trong dư luận bởi tình trạng yếu kém trong quản lý đã kéo dài nhiều năm qua.
Bộ Y tế vừa đá bóng vừa thổi còi
Những câu hỏi đầu tiên và gay gắt nhất chính là về giá thuốc quá cao, đặc biệt là giá thuốc ở các bệnh viện mặc dù qua đấu thầu nhưng cao hơn rất nhiều so với thuốc cùng chủng loại được bán trên thị trường, hoặc chênh lệch giá rất lớn giữa các bệnh viện.
Trả lời đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, giá thuốc bị đẩy lên do quá trình lòng vòng qua các tầng lớp trung gian, hoặc do thầy thuốc bắt tay với các hãng dược để kê đơn các loại thuốc biệt dược, thuốc nhập ngoại không cần thiết để hưởng chênh lệch hoa hồng.
Bộ trưởng cũng thừa nhận những bất cập của việc đấu thầu khiến giá thuốc của các bệnh viện có thể cao hơn giá đã niêm yết và giá công khai. “Nhưng sau những sai phạm ở mức độ vừa phải thì có kiểm tra, nhưng có những sai phạm lớn như chênh lệch quá lớn giữa cơ sở khám, chữa bệnh trong cùng một địa phương thì đã được xử lý hình sự” – Bộ trưởng cho biết.
Nguyên nhân “hết sức sâu xa” được Bộ trưởng chỉ ra là do đã dùng các văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định đấu thầu cho thuốc, một loại hàng đặc biệt – cùng với nghị định quản lý đấu thầu trang thiết bị, xây dựng.
Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng, có một nguyên nhân sâu xa khác, đó là do Bộ Y tế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. “Bệnh viện, ngành y tế là cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, sản xuất, kê đơn chữa bệnh, nhưng đồng thời cũng là cơ quan quản lý giá thì điều đó hết sức bất cập. Bởi vì như vậy, dù minh bạch đến đâu cũng là vừa đá bóng, vừa thổi còi. Cơ quan Bộ Y tế cũng như bệnh viện hoặc Sở Y tế chỉ nên quản lý về chuyên môn, về tiêu chuẩn kỹ thuật để làm sao có đủ thuốc, đảm bảo an toàn thuốc đến tận tay người bệnh và nhân dân, còn làm thêm nhiệm vụ quản lý giá thì không phù hợp. Đó là những nguyên nhân cơ bản”.
Tăng giá dịch vụ là giải pháp tối ưu?
Về chất lượng dịch vụ y tế, đưa ra hàng loạt bất cập về việc giá dịch vụ quá thấp so với giá thực chi nên người dân phải trả thêm nhiều khoản, Bộ trưởng cho biết, trong 3 nhiệm kỳ Bộ đều muốn trình và 8 lần đều có ý định trình về việc tăng giá dịch vụ nhưng không được ủng hộ. “Cứ tưởng tăng giá dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến người nghèo, ảnh hưởng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhưng tăng giá dịch vụ không ảnh hưởng đến những người đã thụ hưởng bảo hiểm y tế mà họ chỉ có lợi hơn, trong đó thành phần là những người làm công ăn lương như chúng ta, hai là những người nghèo, thứ ba là diện chính sách, thứ tư là trẻ em dưới 6 tuổi, thứ năm là người dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn, gần đây nữa là những người cận nghèo.” - Bộ trưởng giải thích.
Nữ Bộ trưởng còn nhấn mạnh, chính vì giá dịch vụ thấp nên chất lượng không thể cao, vừa làm khổ bệnh nhân, vừa làm khổ bác sĩ. “Bệnh nhân thì kêu sao chất lượng kém như thế, giá thuốc thì cao, các giám đốc bệnh viện thì kêu là mỗi lần tăng lương là đầu chúng tôi bạc thêm một tí nữa, bởi vì giá dịch vụ không cho tăng. Họ bảo rằng, chúng tôi còn tồn tại là may, chứ bao nhiêu năm như thế. Có những đồng chí giám đốc bệnh viện nói gần như phát khóc lên là chúng tôi đã tự ăn vào người chúng tôi”.
Bức xúc trước tình trạng y đức của các bác sĩ, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) dẫn lời “một đồng chí Trưởng khoa của một bệnh viện lớn ở Hà Nội”: “Các anh là đại biểu Quốc hội thì làm thế nào, chứ bản thân chúng tôi là người trong ngành rất bức xúc. Bệnh nhân thì ăn cơm từ thiện của nhà chùa, còn tiền thì để đưa cho bác sỹ, tôi cảm thấy đau lòng.”
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi: “Thưa Bộ trưởng, cứ hô hào chống tiêu cực là không phong bì nhưng hết khóa Bộ trưởng này đến khóa Bộ trưởng khác chúng tôi thấy tình trạng này không giảm. Xung quanh vấn đề đó Bộ trưởng nhận trách nhiệm như thế nào?”.
Trong khi đó, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) thì thẳng thắn: Khi dẫn ra ba nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng nhận thức về đạo đức nghề nghiệp yếu kém của một bộ phận cán bộ y tế, Bộ trưởng cho rằng chủ yếu do yếu tố khách quan, do xã hội mà không cho đó là do yếu kém trong công tác giáo dục, đào tạo y đức nghề nghiệp quản lý của cán bộ mang tính đặc thù của ngành”.
Theo đại biểu tỉnh Cà Mau, đối với y, bác sỹ thì làm việc vì sinh mạng của con người, ngày đêm phải trách nhiệm dốc hết sức mình thì cần phải có một đặc thù để giáo dục càng nâng cao trách nhiệm. Tuy nhiên, giải pháp mà Bộ trưởng tham mưu đề xuất với Quốc hội, Chính phủ chủ yếu là cơ chế tài chính cho y tế, tức là tăng chi cả về phía Nhà nước và người dân.
“Tôi xin hỏi các đề xuất này có được xây dựng và xuất phát từ thu nhập thực tế của người dân cũng như khả năng cân đối ngân sách của nhà nước hay chưa? và tính khả thi của các cơ chế, chính sách đó sẽ thực hiện như thế nào? – đại biểu Trương Minh Hoàng hỏi.
Vấn đề này sẽ được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn để trả lời trong buổi sáng nay (14/11).
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc