(VnMedia) - Có rất nhiều người dân và doanh nghiệp tự nguyện đưa hối lộ vì “người khác” hay “doanh nghiệp khác” cũng làm thế và họ tin rằng, điều đó mang lại lợi ích, giúp công việc trôi chảy…
Dân đưa hối lộ vì… người khác cũng làm thế
Trong khi rất nhiều người cho rằng tham nhũng đang diễn ra phổ biến và nghiêm trọng thì có đến trên 20% trong số họ cho biết chính mình tự nguyện trả tiền ngoài quy định cho các dịch vụ.
Theo kết quả khảo sát xã hội học do Thanh tra Chính phủ chủ trì, khi sử dụng dịch vụ công, khoảng một nửa số người dân được hỏi trả lời họ có trả tiền ngoài quy định và chỉ có 3% số người được hỏi nói họ báo với cơ quan chính quyền.
Khi những người dân phải chi tiền ngoài quy định trong vòng 12 tháng qua được hỏi, cán bộ tham nhũng gợi ý đưa tiền ngoài quy định hoặc quà biếu như thế nào thì có khoảng 18% cho biết cán bộ gợi ý trực tiếp và 17% nói họ qua “cầu trung gian”. Phương án được trả lời nhiều nhất là cán bộ chủ ý gây khó khăn hoặc trì hoãn giải quyết công việc, với 29% số người dân có đưa tiền ngoài quy định khẳng định điều này.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, có rất nhiều người trả tiền ngoài quy định cho việc sửa chữa, lắp đặt đường nước (88%), dịch vụ cơ quan thuế (83%), dịch vụ y tế (76%) đều nói họ trả tiền tự nguyện.
Trái lại, 50% số người trả tiền ngoài quy định để được cấp sổ đỏ nhà đất và 41% số người trả tiền cho việc xin giấy phép sửa chữa nhà cửa hay xin việc ở cơ quan nhà nước đều nói các khoản ngoài quy định đó được gợi ý chứ không phải tự nguyện.
Có nhiều lý do khiến người dân chọn cách trả tiền ngoài quy định cho dù không trực tiếp bị gợi ý đưa tiền. Khi được hỏi những người đưa tiền rằng, vì sao họ tự nguyện làm như vậy, trong số những người ít nhất có một lần tự nguyện đưa tiền ngoài quy định, nhiều người cho rằng “vì người khác cũng làm thế” (41%) hoặc thà mất tiền còn hơn phải đương đầu với thủ tục rắc rối (32%). Chỉ có 17% nói rằng “không đưa tiền thì không xong việc”.
Tuy nhiên, kết điều tra cũng cho thấy, trong số những người có trả tiền ngoài quy định, dường như việc chi trả đó có hiệu quả khi 58% nói công việc được giải quyết triệt để và 24% nói được giải quyết một phần.
Nhiều người dân và cả doanh nghiệp đưa hối lộ bởi... người khác cũng làm như vậy - ảnh minh họa |
Doanh nghiệp hối lộ vì… bắt chước nhau
Kết quả khảo sát cho thấy, trong số các doanh nghiệp phải trả phí ngoài quy định, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp đã chủ động đưa quà biếu hoặc tiền, số còn lại được yêu cầu khi sử dụng dịch vụ. Theo đó, kết quả cho thấy hơn 70% số trường hợp có trả phí ngoài quy định là do doanh nghiệp chủ động đề nghị, còn dưới 30% số trường hợp là được cán bộ, công chức yêu cầu.
Ngoài việc chi trả tiền/quà biếu ngoài quy định khi sử dụng dịch vụ, tham nhũng diễn ra dưới nhiều.
Khi được hỏi về những loại khó khăn nào mà các cơ quan nhà nước hay gây ra cho họ, có khoảng một nửa số doanh nghiệp trả lời. Số còn lại hoặc không gặp bất cứ khó khăn nào hoặc không nhớ. Tuy nhiên, trong số những doanh nghiệp trả lời, có 63% cho rằng công chức cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, 58% nói công chức không hướng dẫn cụ thể thủ tục nhưng cố tình soi xét, bắt lỗi để từ chối giải quyết, 28% cho rằng công chức bám vào các quy định không chặt chẽ, không rõ ràng để bắt bí doanh nghiệp.
Còn khi được hỏi vì sao lại đưa “hối lộ”, khoảng 32% doanh nghiệp có chi trả phí ngoài quy định nói rằng đây là cách nhanh nhất và dễ thực hiện nhất đẻ được việc. Khoảng 26^ tin rằng chi phí ngoài quy định rất nhỏ so với lợi ích mang lại khi công việc được giải quyết và các doanh nghiệp khác cũng làm như vậy. Khoảng 18% doanh nghiệp tin rằng nếu không có những khoản chi trả ngoài quy định như thế thì không giải quyết được công việc.
Cuộc khảo sát quy mô được tiến hành trên 5.460 người, trong đó có 2.601 người dân, 1.058 doanh nghiệp và 1.801 cán bộ công chức tại 10 tỉnh/thành và 5 bộ/ngành. Cuộc khảo sát do Công ty TNHH tư vấn Quản lý và Chuyển đổi tổ chức (T&C) và Viện Quản lý Châu Á - Thái Bình Dương (APIM) thực hiện với sự hỗ trợ của Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng và Ngân hàng Thế giới. |
Ý kiến bạn đọc