(VnMedia)- Tận tâm, sáng tạo, hiệu quả” là phương châm hoạt động của Tổ chức tài chính quy mô nhỏ TNHH một thành viên Tình thương (viết tắt là TYM), thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam.
TYM tiền thân là “Quỹ tình thương” do Hội LHPN Việt Nam thành lập năm 1992, với sứ mệnh “Cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ nghèo thông qua hỗ trợ tín dụng và tiết kiệm, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ”. Trên con đường thực hiện sứ mệnh này, 20 năm qua, TYM đã phối hợp chặt chẽ với hội LHPN các cấp trong cả nước triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh chống lại đói nghèo, giúp nhiều phụ nữ nghèo nâng cao đời sống và khẳng định được vị thế của mình trong xã hội. Năm 2010, TYM trở thành tổ chức tài chính vi mô đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép hoạt động.
Thanh Hóa được tiếp nhận và triển khai quỹ TYM năm 2003, đơn vị được lựa chọn thực hiện là Hội LHPN huyện Quảng Xương. Ngay sau khi thành lập, cán bộ TYM chi nhánh Quảng Xương đã lựa chọn 5 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất để triển khai hoạt động. Sau khi chị em đăng ký tham gia, cán bộ TYM đến tận nhà để thẩm định và làm các thủ tục vay vốn, đồng thời giải thích chính sách của TYM để cả gia đình thống nhất, ủng hộ họ tham gia. Bằng sự tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm, đội ngũ cán bộ TYM chi nhánh Quảng Xương đã tạo ra những “nấc thang” giúp chị em nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Hình thức cho vay trực tiếp, không cần tài sản thế chấp, lượng vay từ nhỏ đến lớn theo từng năm và hoàn trả theo tuần, thủ tục đơn giản, dịch vụ phát vốn, thu hồi vốn được cung cấp đến tận thôn, xóm. Vốn vay của TYM đa dạng và linh hoạt với 3 loại là vốn chung, vốn đa mục đích và vốn dài hạn để các thành viên có quyền lựa chọn. Nguồn vốn vay có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như chăn nuôi, phát triển sản xuất, kinh doanh, sửa chữa nhà cửa, trang trải khi ốm đau, cưới hỏi... Mức vay thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất là 25 triệu đồng, thời gian hoàn trả từ 10 đến 100 tuần, tùy theo từng loại vốn. Lãi suất được tính bằng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước theo từng thời điểm. Ban đầu, khi chưa quen với cơ chế hoàn trả theo tuần, nhiều chị em lo lắng vì thật khó để có tiền trả cả gốc lẫn lãi hàng tuần, nhưng chính áp lực nho nhỏ ấy đã tạo động lực giúp chị em mạnh dạn, sáng tạo hơn trong việc tạo thu nhập cho gia đình. Từ vài chục thành viên ban đầu, đến nay TYM đã phát triển lên tới 4.200 thành viên, với khoảng 40.000 lượt người được vay vốn. Địa bàn hoạt động mở rộng ra 17 xã, thị trấn của huyện. Nhiều phụ nữ nghèo biết sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Chị Nguyễn Thị Hường, ở xã Quảng Trường, tham gia TYM đã 9 năm nay là một minh chứng. Trước khi vay vốn của TYM, nguồn thu nhập chính của gia đình chị chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, trong khi chị phải nuôi 3 con đang tuổi ăn học và một mẹ già. Năm đầu tham gia TYM được vay 1,5 triệu đồng, chị mua một con lợn giống về nuôi để sinh sản. Qua một vòng vốn vay, gia đình chị đã trả hết số nợ và còn thêm tài sản là một con lợn giống. Nhận thấy vốn vay mang lại hiệu quả, chị vay tiếp những vòng sau để chăn nuôi bò. Rồi chồng chị qua đời vì ung thư phổi, mọi gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai chị khi phải tiếp tục lo cho các con ăn học và trả nợ tiền thuốc thang cho chồng. Đến năm 2010, khi con trai đầu lập gia đình, chị đã vay TYM 15 triệu đồng thêm vào mua máy gạch cho con làm kinh tế. Đến nay, gia đình chị đã tạo được việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập 3,6 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, thu nhập bình quân của gia đình chị đạt 10 triệu đồng/tháng. Gần đây, chị lại tiếp tục vay vốn và mua thêm 1 máy dệt chiếu, dù mới đi vào hoạt động được 2 tháng nhưng đã bắt đầu mang lại hiệu quả. Chị Hường tâm sự: “TYM đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của gia đình tôi. Có vốn vay, cùng với sự tư vấn, khích lệ của cán bộ TYM, tôi đã mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển kinh tế, điều mà trước đây tôi không đủ tự tin để thực hiện”.
Bên cạnh vay vốn, tiết kiệm cũng là hình thức được chị em yêu thích bởi nó giúp cho từng thành viên tạo dựng thói quen tiết kiệm, biết cách chi tiêu phù hợp và tích lũy tài sản trong gia đình. Mức gửi tiết kiệm bắt buộc hàng tuần là 10.000 đồng/1 thành viên. Từ những đồng tiền nhỏ lẻ, sau một thời gian tham gia, thành viên sẽ có được nguồn vốn nhất định. Ngoài ra còn có các hình thức tiết kiệm tự nguyện như tiết kiệm có kỳ hạn, gửi góp, mua bảo hiểm y tế. Hình thức tự nguyện này ai có thì gửi, không thì thôi nhưng mức gửi thấp nhất hàng tuần là 5.000 đồng/1 thành viên. Số tiền này chị em có thể rút ra khi đạt số dư nhất định. Hoạt động này không chỉ thu hút các thành viên của TYM tham gia mà còn huy động tiết kiệm được từ công chúng với số tiền người dân gửi vào ngày một tăng.
Trong cuộc sống, chúng ta sẽ không thể tránh khỏi những rủi ro như tai nạn, ốm đau, bệnh tật... Với người nghèo và cận nghèo, do không có khả năng tài chính nên trong nhiều trường hợp phải đi vay nặng lãi, bán hết lợn, gà, thóc lúa, tài sản... Vì thế, TYM đã thành lập quỹ tương trợ thành viên. Hàng tuần, mỗi thành viên sẽ góp 2.000 đồng vào quỹ, đến khi ốm đau, bệnh tật sẽ được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng và khi thành viên qua đời sẽ được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng, được xóa nợ và hoàn lại số tiền mà thành viên đã trả... Đến nay, quỹ đã hỗ trợ 564 lượt người ốm đau bệnh tật, 13 lượt thành viên qua đời và 152 người là chồng, con thành viên qua đời, với số tiền 488 triệu đồng.
Điểm nổi bật mang nhiều hình thức của hội đó là TYM đã lồng ghép với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức các diễn đàn để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm... Ngoài ra, các thành viên của TYM còn được đào tạo nâng cao năng lực, giúp chị em có kiến thức trong cuộc sống, đặc biệt là sản xuất, kinh doanh để sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời giúp họ tự tin, mạnh dạn hơn trong phát triển kinh tế.
Sau 10 năm hoạt động tại tỉnh ta, TYM đã góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống cho những phụ nữ nghèo. Vì thế, hoạt động của TYM đã được nhân rộng ra 8 xã của huyện Tĩnh Gia và 5 xã, phường của thị xã Sầm Sơn. Đến nay, toàn tỉnh có 8.500 phụ nữ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế với 50.000 lượt người (trong đó huyện Quảng Xương là 4.200 người), với tổng số vốn vay khoảng 250 tỷ đồng. Hiện nay, số thành viên vay từ 20 – 25 triệu đồng chiếm khoảng 10%. Hầu hết chị em đều phát triển kinh tế khá tốt với các ngành nghề chủ yếu là chăn nuôi, buôn bán, mây giang xiên, dệt chiếu, đi biển, sản xuất nước mắm, cá khô... Tỷ lệ hoàn trả đạt 100%.
Tiếp tục đồng hành cùng chị em phụ nữ nghèo và cận nghèo trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao vị thế, giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc là mục tiêu mà TYM mong muốn giữ vững và phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.
Báo Điện tử VnMedia
Ý kiến bạn đọc