(VnMedia) - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Đỗ Văn Vẻ đề nghị, Quốc hội có thể cân nhắc, bổ sung thêm vào Điều 14 là đất ở thuộc sở hữu tư nhân, các loại đất khác thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu...
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm cho ý kiến đối với Luật Đất đai sửa đổi là quyền sở hữu. Điều 14 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này tiếp tục quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và đa số đại biểu đồng ý với quy định này.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho biết, ông nhất trí với quan điểm quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu nhưng đề nghị phải nêu rõ khái niệm sở hữu toàn dân, cơ chế để thực hiện quyền sở hữu đó như thế nào, nhà nước thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu cụ thể ra sao, quyền nào thực hiện thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp và quyền nào thực hiện thông qua Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp.
"Quan điểm sở hữu toàn dân phải có tác dụng xuyên suốt trong các quy định của luật, là linh hồn của luật, tạo ra sự nhất quán hợp logic của các điều luật. Từ đó tạo được sự thống nhất trong việc làm và đem lại hiệu quả cao. Trong dự thảo luật quy định quyền hạn, trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai nhưng chưa phân biệt rõ quyền hạn đó do chủ sở hữu giao hay do chức năng vốn có của Nhà nước. Vai trò của nhân dân và cơ quan dân cử thì còn chung chung, mờ nhạt và thiếu một cơ chế cụ thể để thực hiện việc giám sát một cách hữu hiệu" - ông Đỗ Mạnh Hùng nhận xét.
Liên quan đến việc khiếu nại tăng trong những năm gần đây, đại biểu tỉnh Bình Phước cho rằng, thiếu cơ chế giám sát cụ thể của nhân dân sẽ dẫn tới lạm quyền và đây chính là nguyên nhân của tham nhũng, của khiếu kiện về đất đai đã không ngừng gia tăng trong thời gian vừa qua.
"Nhiệm vụ của sửa đổi luật lần này là phải góp phần tích cực để hạn chế khắc phục được tình hình trên để đảm bảo quyền của chủ sở hữu trên thực tế. Tôi đề nghị toàn bộ luật cần được thể hiện rõ cụ thể cơ chế giám sát của nhân dân trong từng công việc thông qua cơ quan đại diện của nhân dân là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước với vai trò là đại diện của chủ sở hữu, chứ không phải là chủ sở hữu. Tôi đề nghị trong Chương II cần thiết kế lại và đổi tên thành Chương chủ sở hữu về đất đai và nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhằm khẳng định đúng vị trí pháp lý của Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai theo sự ủy nhiệm của toàn dân, trên tinh thần đó sẽ xuyên suốt các quy định của luật" - đại biểu tỉnh Bình Phước nhấn mạnh.
Ngược lại, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) lại phân tích rằng, dự thảo quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước đại diện chủ sở hữu và cơ quan Nhà nước thực hiện đại diện chủ sở hữu về đất đai, có những điểm chưa rõ. Theo ông, "toàn dân chủ sở hữu là hư vô", và "Nhà nước đại diện chủ sở hữu là mâu thuẫn bởi đã xác định chủ sở hữu thì không thể có đại diện chủ sở hữu áp đặt được" . Ông cũng cho rằng, cơ quan Nhà nước thực hiện đại diện chủ sở hữu về đất đai cũng không logic vì cơ quan Nhà nước không đại diện cho toàn dân được. Quy định Nhà nước thực hiện 8 quyền, nhưng lại không quy định nghĩa vụ trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai là gì.
"Những điểm chưa rõ ràng này đã tồn tại ở Luật đất đai năm 2003 đang gây ra nhiều khó khăn trong quản lý sử dụng đất đai, dự thảo lần này chưa khắc phục được, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và làm rõ để phù hợp với hội nhập quốc tế" - đại biểu tỉnh Quảng Trị nói.
Đặc biệt, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu là chưa thực sự cụ thể, chưa có bước đột phá về việc gắn quyền lợi và trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng đất, đặc biệt là đất ở.
"Trên thực tế người sử dụng đất ở đã có đầy đủ các quyền và chế độ sở hữu của mình nhưng chưa được pháp luật công nhận. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội có thể cân nhắc, bổ sung thêm vào Điều 14 là đất ở thuộc sở hữu tư nhân, các loại đất khác thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu" - đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc