(VnMedia) - Trước thềm kỳ họp HĐND TP Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 3 đến ngày 7/12 tới đây, cử tri các quận, huyện cho biết có nhiều vấn đề muốn đưa ra chất vấn, kiến nghị, trong đó có chuyện "xe chính chủ"... Thông tin được Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cho biết tại cuộc họp báo diễn ra chiều 29/11.
Đặc biệt trong số đó phải kể đến những ý kiến của cử tri hầu hết các quận, huyện như Ba Đình, Ba Vì, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hoài Đức, Sóc Sơn, Thanh Trì… kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh việc thực hiện Nghị định 71/CP về xử phạt đối với việc không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định (không sang tên đổi chủ phương tiện). Theo đó, cử tri đề nghị điều chỉnh Nghị định cho phù hợp hơn với thực tế và thuận tiện hơn cho người dân.
Liên quan đến vấn đề thu ngân sách của TP năm 2012 đạt thấp nhất trong hơn chục năm qua và không đạt dự toán năm 2012, theo ông Lê Văn Hoạt, các đại biểu muốn UBND TP tìm ra nguyên nhân chủ quan chứ không thể chỉ có nguyên nhân khách quan.
Liên quan tới việc TP Hà Nội được chọn làm chủ nhà của Á vận hội (ASIAD) 18 (vào năm 2019), cử tri nhận định đây là vinh dự của Thủ đô, nhưng cử tri cũng băn khoăn bởi TP cũng sẽ phải đầu tư, xây dựng, trang bị rất nhiều công trình, hạng mục. Cử tri Hoàn Kiếm lo lắng: “Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, đề nghị TP phải có lộ trình thực hiện cụ thể và chỉ đạo sâu sát để chống lãng phí trong việc tổ chức sự kiện này...”
Về việc thu giữ phương tiện vi phạm, cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị UBND Thành phố nghiên cứu để có quy định thời hạn giải quyết những trường hợp người dân không đến nhận phương tiện vi phạm bị tạm giữ để tránh tình trạng các phương tiện bị thu giữ lâu năm, hư hỏng gây lãng phí rất lớn.
Cử tri thị xã Sơn Tây đề nghị Thành phố xem xét việc người dân phải bỏ tiền ra mua cơ sở vật chất (dây, cột..) để lắp đặt đường điện ban đầu nhưng không được đền bù, trong khi công ty điện thu tiền bán điện lại không phải bỏ kinh phí ban đầu. Cử tri cũng đề nghị Thành phố xem xét việc công ty điện không cho công ty viễn thông treo dây trên cột điện để lắp truyền hình cáp nên người dân không được dùng truyền hình cáp.
Trong khi đó, cử tri quận Đống Đa cho rằng, thủ tục khám chữa bệnh theo chế độ BHYT tại các bệnh viện ở Hà Nội hiện nay còn rườm rà, gây mất nhiều thời gian của nhân dân (VD như khi khám bệnh ở bệnh viện Xanh Pôn, sau khi xuất viện bệnh viện giữ lại thẻ BHYT, nhân dân phải đi lại mất nhiều thời gian...). Trong khi đó, cử tri huyện Tử Liêm đề nghị Thành phố xem xét có chính sách cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho người cao tuổi (từ 80 tuổi trở lên) thuộc đối tượng chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế; xem xét điều chỉnh chế độ tặng quà người cao tuổi chưa hợp lý (hai vợ chồng trên 80 tuổi chỉ được hưởng một suất quà).
Cử tri huyện Thanh Trì đề nghị Thành phố quan tâm, nghiên cứu có giải pháp mở rộng, xây dựng mới thêm các cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố đồng thời đầu tư áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật cao để việc hỏa táng người chết không gây nhiễm môi trường (khói, bụi...); đề nghị thành phố chỉ đạo bố trí nguồn kinh phí để chi trả sớm cho các hộ gia đình thực hiện hỏa táng khi có người thân qua đời. Theo cử tri, hiện nay có trường hợp sau hỏa táng 6-8 tháng gia đình mới nhận được tiền chi trả.
Cũng liên quan đến vấn đề này, cử tri huyện Sóc Sơn cho biết, hiện nay còn trường hợp thân nhân liệt sỹ chưa được hưởng chế độ mai táng phí theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ về hướng dẫn một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Ảnh minh họa |
Đất đai vẫn “nóng”
Liên quan đến những trường hợp cụ thể, cử tri quận Hai Bà Trưng đề nghị Thành phố thu hồi đất nông nghiệp tại HTX Đông Ba (phường Trương Định) 10 năm nay HTX không hoạt động, hiện để hoang hóa, các thửa đất nằm xen kẹt trong khu dân cư rất khó khăn cho công tác quản lý trong khi phường lại đang thiếu địa điểm để xây dựng nhà văn hóa.
Trong khi đó, cử tri quận Ba Đình đề nghị Thành phố xem xét lại quy hoạch công viên hồ Thành Công, vì hiện nay có quá nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng xung quanh hồ khiến khuôn viên của hồ bị thu hẹp. Việc này Thành phố đã có văn bản trả lời nhưng nhân dân vẫn chưa thỏa mãn và tiếp tục kiến nghị.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là điều mà cử tri quận Hoàng Mai đặc biệt quan tâm. Theo đó, đến nay, còn rất nhiều hộ gia đình được giao nhà tái định cư tại khu X1, dự án đường vành đai 3 và các khu tái định cư khác chưa được cấp GCNQSDĐ. Do vậy, cử tri kiến nghị Thành phố có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư các dự án phải có trách nhiệm cùng với UBND quận trong việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ được giao đất tái định cư theo quy định tại quyết định 117/2009/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội.
Cử tri quận Long Biên đề nghị Thành phố xem xét, chỉ đạo các ban, ngành nghiên cứu và áp dụng các cơ chế, chính sách GPMB của các dự án đang thực hiện trên địa bàn phường Thạch Bàn, quận Long Biên cho phù hợp với địa phương…
Ý kiến bạn đọc