(VnMedia)- Bạo lực gia đình đã có từ rất lâu trong đời sống gia đình, là vấn đề nhức nhối khiến dư luận, xã hội đặc biệt quan tâm. Bạo lực gia đình làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình.
Theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình, đây là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình. Nạn nhân của bạo lực thân thể thường là phụ nữ, còn nam giới thường là nạn nhân của bạo lực tinh thần. Bạo lực gia đình xảy ra ở mọi quốc gia, nền văn hóa, tôn giáo, không có ngoại lệ về giàu- nghèo hay trình độ học vấn.
Hành vi bạo lực gia đình được chia làm 4 nhóm: bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế. Hành vi bạo lực có nhiều nguyên nhân, nhưng có 2 nguyên nhân chính: từ phía cá nhân và từ phía xã hội. Phần lớn các hành vi bạo lực thường diễn ra trong những gia đình có chồng (vợ) nghiện hút, cờ bạc, rượu chè, mại dâm,…
Theo điều tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên nhân trực tiếp làm nảy sinh hành vi bạo lực gia đình là do người chồng nghiện rượu, say rượu (60%), những gia đình này thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, học vấn thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật, công việc không ổn định.
Tuy nhiên, hiện cũng nảy sinh khuynh hướng mới, đó là “mặt trái của nền kinh tế thị trường”, là “hệ quả tất yếu của xã hội hiện đại”. Bạo lực tinh thần, thường diễn ra trong những nhóm có kinh tế gia đình khá giả và giàu có, trình độ học vấn tương đối cao, nghề nghiệp ổn định…
Trong xã hội hiện nay vẫn còn tồn tại khá phổ biến tình trạng bất bình đẳng giới, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương.
Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” để bạo lực gia đình tồn tại. Có rất nhiều công việc trong gia đình mà đáng lý cả 2 vợ chồng phải cùng gánh vác, nhưng do tính gia trưởng, định kiến giới mà người đàn ông, người chồng như đứng ngoài cuộc, họ tự cho đó là công việc của vợ. Nếu người vợ không hoàn thành được thì họ tự cho mình “có quyền” trách móc, sỉ nhục, thậm chí là đánh đập.
Bạo lực gia đình dù ở bất kỳ hình thức nào cũng để lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe về thể chất, tinh thần không chỉ của nạn nhân mà còn thành viên khác trong gia đình; tác động tiêu cực đến lực lượng lao động, hoạt động kinh tế. Bạo lực gia đình đặt ra yêu cầu trợ giúp vào bảo vệ nạn nhân.
Để góp phần ngăn chặn bạo lực gia đình, cần phải tuyên truyền sâu rộng về luật pháp, xây dựng mô hình phòng chống bạo lực gia đình ở địa phương, làm cho mỗi gia đình hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững. Cần xem đây là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không của riêng ai.
Báo Điện tử VnMedia
Ý kiến bạn đọc