Bi kịch của một thần tượng

16:34, 03/11/2012
|

(VnMedia) - Là thần tượng của một ai đó - không ít người có ước mơ như vậy. Không chỉ là thần tượng của một người, nhân vật trong câu chuyện này còn là thần tượng của một thế hệ, một cộng đồng… nhưng điều đó không mang lại hạnh phúc cho anh.

 

Người đàn ông 47 tuổi, hiện đang sinh sống ở quê vợ, một vùng quê trù phú thuộc tỉnh Nam Định, kể lại bi kịch của đời mình bằng những hoài niệm đẹp đẽ thuở hoa niên.

 

Anh sinh ra và lớn lên ở một vùng quê đặc biệt nghèo khó của tỉnh Hà Tĩnh, nhưng vùng quê đó cũng nổi tiếng hiếu học và rất trọng sự học hành. Do đó, suốt thời niên thiếu của mình, với sự thông minh và chăm chỉ, anh luôn là niềm tự hào của thầy cô, bạn bè và bà con chòm xóm. Thậm chí, đến bây giờ, những lứa học sinh ở ngôi trường anh đã từng học đều coi anh là một thần tượng về sự thành đạt. Họ không hề biết rằng, anh chưa bao giờ may mắn trong cuộc đời mình.

 

Sự không may mắn ấy được bắt đầu vào năm 1980, năm anh tốt nghiệp cấp 3 nhưng lại lỡ mất kỳ thi đại học do bị ốm nặng. Không thể đợi đến năm sau do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh xung phong đi bộ đội. Trong môi trường quân đội, anh lại quyết tâm đi học sĩ quan và đến năm 1984 thì tốt nghiệp và được phong quân hàm trung úy. 4 năm sau anh lấy vợ, một bác sĩ quân y xinh đẹp cùng sư đoàn.

 

Tương lai rộng mở với anh, người thân ở quê, ai cũng mừng cho sự thành đạt của anh. Nhưng chỉ một năm sau, số phận lại đùa anh khi cả hai vợ chồng đều bị xếp vào diện tinh giảm biên chế. Không đành lòng về quê với một sự nghiệp dở dang như vậy, anh quyết định về quê vợ sinh sống.

 

Cuộc sống bươn chải ở quê vợ ban đầu cũng không đến nỗi nào. Nhưng rồi, vợ anh được nhận vào làm việc ở trạm y tế xã. Chị có điều kiện để trở thành trụ cột kinh tế của gia đình. Thêm vào đó, hoàn cảnh công việc phải trực đêm đã khiến chị không giữ được mình, xảy ra chuyện quan hệ ngoài hôn nhân với một đồng nghiệp.

 

Thay vì hối lỗi, người phụ nữ này đã áp dụng chiêu ra tay trước để giành phần thắng. Chị tìm đủ mọi lý do để chứng minh anh là một người chồng không ra gì. Chị xúc phạm anh vì không làm ra tiền, không đáng mặt một người chồng. Chị giễu cợt giọng nói miền Trung của anh, bôi nhọ sự nghèo khó, lạc hậu của quê hương anh.

 

Ban đầu, anh nhẫn nhịn, lặng lẽ tìm cơ hội chứng minh khả năng của mình. Nhưng khi vận may chưa kịp tìm đến thì sự xúc phạm của vợ đã khiến ý chí của anh trở nên kiệt quệ. Dĩ nhiên, điều đó càng khiến anh bị coi thường nhiều hơn. Ngay trước mặt con cái, anh vẫn thường xuyên bị vợ xúc phạm, điều đó khiến lũ trẻ cũng không giữ được sự kính trọng với cha. Không khí gia đình như vậy khiến cuộc sống của anh thực sự đã trở thành địa ngục, nhưng anh vẫn không thể thoát ra.

 

Bạn bè thân thiết, có người khuyên anh rằng hãy bỏ quách cô vợ đó đi, về quê mình mà sống. Anh cũng nghĩ đó là lối thoát duy nhất đối với mình, tuy nhiên, bây giờ anh đã 47 tuổi, tay trắng mà về quê thì còn mặt mũi nào. Nhất là ở quê anh, mái trường anh học, năm nào trong dịp khai giảng các thầy cô cũng nhắc đến tên anh như là một tấm gương vượt khó để học tập, để thoát ly và trở thành niềm hãnh diện của quê hương. Anh tâm sự rằng, mình không đành lòng để các cháu học sinh quê mình mất đi niềm tin, không đành lòng để chúng chứng kiến thần tượng của mình bị sụp đổ, không đành lòng để tấm gương mà chúng đang soi lại chỉ là một người đàn ông với cuộc đời đầy những thất bại.

 

Câu chuyện của người đàn ông này đúng là một bi kịch. Ở lại quê vợ thì chấp nhận sự khinh rẻ của mọi người, về quê mình thi không còn mặt mũi nào. Cả hai sự lựa chọn thực sự đều rất tệ. Tuy nhiên, đa số mọi người khuyên anh nên thoát khỏi cuộc sống cay đắng bằng cách trở lại quê hương, chấp nhận nhìn thẳng vào thất bại của mình. Cũng có người đề nghị nhận anh vào việc tại một trang trại tại Bắc Giang.

 

Cuộc đời anh vẫn còn nhiều lối thoát, nếu như anh thực sự mong muốn, nhưng điều quan trọng nhất trong bi kịch của người đàn ông này không nằm ở những điều trớ trêu trong số phận của anh. Nó nằm ngay trong ý thức của anh, trong cách mà anh nghĩ về bản thân từ khi còn trẻ.

 

Không biết ở quê anh, người ta nhìn nhận vào những thành tích của anh như thế nào, nhưng chắc chắn, những thành tích đó khó có thể khiến anh trở thành một thần tượng. Có thể số phận không chiều anh, nhưng chính sự tự mãn đã khiến cho cuộc đời của anh gặp nhiều trở ngại. Anh đã bằng lòng quá sớm với bản thân, bằng lòng với một số thành tích học tập hồi nhỏ, bằng lòng với vị trí của mình ở đơn vị. Anh đã dễ dàng coi những thành tích, vị trí khiêm tốn đó là đỉnh cao trong sự nghiệp của mình. Và khi thất bại, anh không muốn phải thừa nhận.

 

Hai mươi năm trước, anh đã chọn cách về quê vợ để không phải xóa bỏ hình ảnh vốn có của mình nơi quê cũ. Bây giờ, khi thất bại nhỏ kéo theo thất bại lớn, dẫu mọi người có động viên rất nhiều, chắc anh vẫn sẽ cam chịu tủi nhục để sống tiếp cuộc sống cũ.

 

Người đàn ông 47 tuổi ấy chưa quá già để bắt đầu cho một cuộc sống mới, có điều, một cuộc sống mới đòi hỏi anh phải có sự nhìn nhận mới mẻ về bản thân, anh phải thoát khỏi cái bóng ma mà anh vẫn nuôi dưỡng bằng sự tự mãn của mình khi nghĩ “ta là một thần tượng”.


Trung Tuyến

Ý kiến bạn đọc