(VnMedia) - Một nghiên cứu của Viện Tâm lý học năm 2011 - 2012 cho thấy, tiền không phải là thứ được thanh niên cho là quý giá nhất.
Trong đề tài nghiên cứu về đạo đức, lối sống của thanh niên Việt Nam hiện nay (do Viện Tâm lý học thực hiện, năm 2011 - 2012), để tìm hiểu những điều gì có giá trị đối với thanh niên, các nhà khoa học đưa ra 9 giá trị cơ bản như: gia đình, sức khỏe, sự nghiệp, tình yêu, thu nhập, bằng cấp, danh dự cá nhân, các mối quan hệ xã hội, địa vị xã hội và đề nghị thanh niên tham gia trả lời câu hỏi chọn 5 giá trị quan trọng hơn cả và sắp xếp từ 1 đến 5.
Kết quả cho thấy 5 giá trị hàng đầu được thanh niên lựa chọn là: gia đình, sức khỏe, sự nghiệp, bằng cấp, danh dự cá nhân và các giá trị tiếp theo là: tiền, tình yêu, địa vị xã hội và các mối quan hệ xã hội. Còn tiền không nằm trong nhóm 5 giá trị quan trọng hàng đầu.
Theo các nhà nghiên cứu, sự lựa chọn của thanh niên tại nghiên cứu trên đã thể hiện suy nghĩ, quan điểm tích cực về các vấn đề của cuộc sống.
Vị trí của gia đình trong thang giá trị ở đây chứng tỏ ngày nay, thanh niên vẫn gìn giữ giá trị truyền thống quý báu này của dân tộc - đề cao giá trị gia đình.
Cuộc điều tra quốc gia về thanh niên và vị thành niên do Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê thực hiện trên phạm vi lớn (2000 khách thể) cũng đã cho kết quả: 95% thanh thiếu niên có quan hệ chặt chẽ với gia đình và cảm thấy có giá trị đối với gia đình họ.
Bên cạnh đó, việc coi trọng giá trị của sức khỏe cũng nói lên sự chín chắn, thực tế của thanh niên. Có thể do tác động của nhiều yếu tố tâm lý, xã hội, môi trường… khác nhau, thanh niên, sinh viên ngày này đã biết quan tâm chăm lo cho sức khỏe của mình. Điều đó không chỉ thể hiện trong quan niệm, suy nghĩ của thanh niên tham gia trả lời câu hỏi trong nghiên cứu, mà trên thực tế, điều đó cũng được thể hiện rất rõ.
Việc đánh giá cao tầm quan trọng của sự nghiệp cũng là một biểu hiện của sự chín chắn của thanh niên. Chỉ khi con người học tập, rèn luyện để có được một sự nghiệp tốt họ mới có cơ hội thuận lợi để khẳng định bản thân, cống hiến cho đất nước và đem lại nhiều lợi ích cho gia đình (lợi ích kinh tế và danh dự).
Danh dự cá nhân là một giá trị tinh thần bậc cao, hết sức cần thiết, là động lực để mỗi cá nhân rèn luyện, phấn đấu theo hướng tích cực và tránh xa cám dỗ, sai lầm. Thanh niên đánh giá cao giá trị này thể hiện lòng tự trọng và xu hướng phấn đấu tích cực của họ.
Riêng việc giá trị bằng cấp được đưa vào trong 5 giá trị hàng đầu, theo các nhà nghiên cứu là việc chúng ta cần lưu ý. Trong lịch sử, quả thực, dân tộc ta đã rất tôn thờ những người có bằng cấp. Song bằng cấp khi đó thực sự phản ánh đúng trình độ, năng lực của những người đỗ đạt. Điều đó được kiểm nghiệm qua hoạt động sự nghiệp, qua sự cống hiến cho đất nước của họ.
Ngày nay, trong xã hội chúng ta, bằng cấp vẫn là một cơ sở để đánh giá những cấp bậc trình độ của con người, là một trong những điều kiện cần trong việc chuẩn hóa, tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ (chủ yếu ở các cơ quan nhà nước). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một tỷ lệ nhất định bằng cấp hiện nay không phàn ánh đúng trình độ, năng lực của người được đào tạo. Thậm chí còn có cả hiện tượng “chạy bằng cấp”, dưới nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau, kể cả, làm trái pháp luật. Trong điều kiện xã hội như vậy, nếu thanh niên quá coi trọng bằng cấp, ít chú đến việc nỗ lực học tập, phấn đấu, rèn luyện là vấn đề đáng lo ngại.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc