(VnMedia) - Lần thứ 4, thứ 5 chi ra hàng chục tỷ đồng để phân làn, tách dòng phương tiện trên một số tuyến đường, hạn chế xung đột và tai nạn giao thông. Thế nhưng thời điểm này, sau 4-5 lần phân làn, lần nào kế hoạch của Hà Nội cũng chỉ cho hiệu quả lúc ban đầu.
>>Hà Nội phân làn hàng loạt tuyến phố
4-5 lần phân làn đều chỉ hiệu quả khi mới triển khai
Không phải bây giờ câu chuyện Hà Nội gặp thất bại trong việc phân làn trên các tuyến đường mới được đề cập. Trước đây, Hà Nội đã từng 3 lần thí điểm phân làn vào các năm 2003, 2006, 2009 trên các tuyến: Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt, Kim Mã và Chùa Bộc… để tách dòng phương tiện, hạn chế xung đột và tai nạn giao thông nhưng đều thất bại.
Thế nhưng, sau 3 lần thất bại ở các tuyến đường trên, cuối tháng 10/2011 cho rằng, giải pháp phân làn, tách dòng phương tiện là đúng đắn để hạn chế xung đột và tai nạn giao thông, Hà Nội thêm một lần nữa chi ra khoản kinh phí hơn 23 tỷ đồng để thực hiện lại công việc không hiệu quả trước đó - phân làn một số tuyến đường: Giải Phóng, Huế, Bà Triệu, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân…
Điều đáng nói là rút kinh nghiệm từ các lần thất bại trước đó, trong lần triển khai kế hoạch phân làn lần thứ 4 này, đơn vị được giao nhiệm vụ đảm trách là Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã cho cắm cọc sắt giữa đường để tách làn phương tiện giữa ô tô, xe máy. Cùng với đó, là hàng chục thanh tra giao thông được tung xuống đường để hướng dẫn phương tiện đi đúng làn.
|
Người tham gia giao thông đi lại lộn xộn trên tuyến phân làn phố Huế. Ảnh: Xuân Tùng |
Kết quả là, giống hầu hết các lần phân làn trước đó, khi mới triển khai, dưới sự hướng dẫn, cưỡng ép của lực lượng chức năng, người tham gia giao thông ở Hà Nội chấp hành khá tốt. Thế nhưng, có lẽ đã thành “bệnh” chỉ cần trên đường phố vắng bóng lực lượng chức năng thì việc đi lại của người dân lại đâu vào đấy.
Thời điểm này, sau một năm chi ra hơn 23 tỷ đồng để tiến hành phân làn thêm và lại trên một số tuyến phố, khảo sát của VnMedia trên các tuyến: Giải Phóng, Bà Triệu, Huế - Hàng Bài, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt… cho thấy, tình hình giao thông không những không được cải thiện mà đang có chiều hướng lộn xộn hơn trước khi phân làn.
Tại các tuyến đường này, cảnh ùn tắc giao thông vẫn xảy ra thường xuyên, lòng đường ngổn ngang cột biển báo, hàng rào bê tông bị húc đổ trên đường. Nguy hiểm hơn cả là cảnh xe máy và xe buýt và thậm chí cả ô tô con tranh làn của nhau xảy ra tràn lan, gây ra nguy cơ mất an toàn giao thông cao.
“Lòng đường thì nhỏ, vào giờ thấp điểm, người dân có thể chấp hành việc đi đúng làn quy định. Còn vào những giờ cao điểm, tắc đường xảy ra như cơm bữa, ô tô, xe máy cứ mạnh ai lấy chen làm gì còn khái niệm phân làn”, một người dân trên tuyến Giải Phóng lý giải sự thất bại của các tuyến phân làn.
Nên phân làn thế nào cho hiệu quả?
Mặc dù, đã 4-5 lần thất bại với kế hoạch phân làn nhưng tại sao Hà Nội vẫn 5 lần 7 lượt thực hiện kế hoạch chia, tách các dòng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường mặc cho các chuyên gia đã “lên tiếng” khuyên ngăn rằng, việc làm trên chỉ phù hợp với những tuyến đường đủ điều kiện và rộng như: các tuyến vành đai, các cao tốc…
|
Xe máy dẫn đường cho ô tô trên tuyến phân làn Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt. Ảnh: Xuân Tùng |
Có thể thấy, hơn 23 tỷ tung ra trong lần thứ 4, thứ 5 thực hiện phân làn vào tháng 10/2011 vừa qua, ngoài việc tạo ra sự phiền phức và hàng trăm tai nạn từ những cọc phân làn được cắm giữa đường như một cái "bẫy" với người tham gia giao thông, Hà Nội còn thu được gì khi mà sau một năm thực hiện, việc đi lại của các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến phố phân làn lại trở về như cũ?.
Nếu để nói, việc phân làn là nhằm tạo lập ý thức cho người tham gia giao thông thì thiết nghĩ, việc làm này cần phải được triển khai ở các tuyến phố phù hợp, đủ rộng. Đồng thời, phải duy trì việc xử phạt thường xuyên, thậm chí phạt nặng những hành vi cố tình vi phạm để răn đe những người vi phạm mới mong giữ vững kết quả.
Với cơ quan chức năng cũng vậy. Các lực lượng chức năng: Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông cũng cần phải kiên trì, thường xuyên xử phạt để duy trì trật tự trên các tuyến đường này.
“Việc phân làn giao thông, tách dòng phương tiện để hạn chế xung đột, tai nạn giao thông là cần thiết. Tuy nhiên, với điều kiện giao thông thực tế ở nước ta hiện nay, ý thức của người tham gia giao thông kém như hiện nay, thành phố nên cân nhắc những tuyến nào phù hợp, đủ điều kiện để phân làn thì nên áp dụng chứ không nên áp dụng đại trà, tràn lan dễ không đạt hiệu quả, gây lãng phí tiền của và bức xúc cho người tham gia giao thông”, anh Minh, một người thường xuyên tham gia giao thông trên các tuyến đường phân làn của Hà Nội cho biết.
Tuy đã vài lần chi ra hàng chục tỷ đồng để tiến hành phân làn và lần nào cũng nhận lấy kết quả không như mong muốn nhưng mới đây, lãnh đạo Hà Nội lại yêu cầu Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, xây dựng đề án phân làn, tách dòng phương tiện trên các tuyến phố đủ điều kiến, trình lãnh đạo thành phố trong tháng 11/2012 này.
Ý kiến bạn đọc