Quốc hội thảo luận sôi nổi về Dự thảo Luật dự trữ quốc gia

07:29, 25/10/2012
|

(VnMedia) - Chiều 24/10, các đại biểu đã thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Dự trữ quốc gia. Đa số các đại biểu đồng tình với hầu hết các điều khoản mà Dự luật quy định. Tuy nhiên, cũng còn một số điều khiến đại biểu băn khoăn.
 

Theo đại biểu Châu Thị Thu Nga (đoàn Hà Nội), dự trữ quốc gia là lĩnh vực rất đặc thù và rất quan trọng vì đây là nguồn lực quan trọng của quốc gia. Do đó, những vấn đề liên quan đến quyết định chiến lược và những quyết định về hoạt động dự trữ quốc gia cần phải được quy định trong các điều, khoản của luật.

 

“Đây là một lĩnh vực không phải kinh doanh, không phải là hoạt động dân sự bình thường nên trong luật càng phải có các cơ chế thật cụ thể, chặt chẽ” - đại biểu Châu Thị Thu Nga nói.

 

Theo bà Nga, thẩm quyền, chiến lược về dự trữ quốc gia phải do Quốc hội quyết định, vì đây là nguồn lực quan trọng của quốc gia và thuộc ngân sách Nhà nước. Vấn đề điều hành cụ thể danh mục hàng dự trữ từng giai đoạn thì do Thủ tướng Chính phủ hay các Bộ thực hiện.

 

Cũng theo đại biểu này thì dự thảo luật cần phải quy định rõ những tiêu chuẩn, điều kiện, quy mô và mức độ dự trữ quốc gia để phân cấp cho Bộ trưởng quyết định trong một số trường hợp, đảm bảo giải quyết nhanh chóng, kịp thời, nhưng vẫn phải đúng mục đích, đối tượng.

 

Về thẩm quyền nhập, xuất hàng, dự thảo luật quy định Thủ tướng có quyền quyết định xuất, nhập hàng dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, để tránh tình trạng tập trung quá nhiều cho trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Nga đề nghị việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia ở quy mô lớn có phạm vi ảnh hưởng rộng, nhưng không quá cấp bách thì cần được tập thể Chính phủ xem xét quyết định.


 Ảnh minh họa

 Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) phát biểu tại Hội trường

 

Liên quan đến điều khoản “thực hiện nhiệm vụ đột xuất cấp bách khác của nhà nước”, một số đại biểu cho rằng, cần xác định rõ những “nhiệm vụ đột xuất” được sử dụng quỹ dự trữ quốc gia.

 

Đại biểuNguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) phân tích: “về điều khoản thực hiện nhiệm vụ đột xuất cấp bách khác của nhà nước, cần phải có quy định rõ, nhiệm vụ đột xuất cấp bách khác của nhà nước là gì, ai xác định nhiệm vụ đột xuất cấp bách này, khi đó sử dụng quỹ dự trữ quốc gia ra sao… Nếu chúng ta không quy định chặt chẽ sẽ dẫn đến sự tùy tiện trong việc thực hiện luật”.

 

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đồng tình với với việc sử dụng quỹ dự trữ quốc gia trong việc xử lý trong tình huống đột xuất, cấp bách trong phòng, chống khắc phục thiên tai, hỏa hoạn, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, đại biểu này bày tỏ: “nhóm ý thứ hai là vấn đề đột xuất và cấp bách khác của nhà nước thì tôi băn khoăn. Ý "đột xuất" ở khái niệm thứ hai dễ dẫn đến xử lý rộng ở điểm này”.

 

Đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai) thẳng thắn đề nghị bỏ phần “những nhiệm vụ đột xuất khác của đất nước". Theo đại biểu tỉnh Lào Cai, "Các nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, thiên tai, dịch bệnh, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đều là những nhiệm vụ đột xuất, cấp bách. Cho nên, vế thứ hai xác định tiếp nhiệm vụ đột xuất cấp bách là những nhiệm vụ gì? nếu chúng ta không làm rõ chỗ này thì nó dẫn tới xác định mục tiêu sẽ khác đi”.

 

Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Xuân Thường (tỉnh Thái Bình) phân tích: “Chỉ bằng một câu là thực hiện các nhiệm vụ đột xuất cấp bách khác của nhà nước thì tự dưng chúng ta mở bung ra hết… Nếu như có câu này ở trong Điều 1 thì chắc chắn tất cả các nhiệm vụ sau này chúng ta vẫn có thể áp dụng được.

 

Đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị bỏ cụm từ: "Thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của nhà nước", đồng thời bỏ Điểm b, Khoản 2, Điều 24 về danh mục dự trữ các hàng hóa về cứu nạn, cứu hộ và bỏ Điểm c, Khoản 1, Điều 32 về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu dự trữ quốc gia.

 

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu phát biểu trước đó, nói: “Với một nội dung ghi rằng chúng ta thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước thì chúng ta chưa gói gọn mục tiêu của dự trữ quốc gia theo đúng bản chất vốn có của nó và theo đúng với tình hình thực tế kinh tế - xã hội của chúng ta. Vì thế, tôi cũng đồng tình với đề nghị là nên bỏ nội dung này”.

 

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn đề nghị, nếu còn giữ quy định này ở trong mục tiêu dự trữ quốc gia thì cần bổ sung thêm một phần nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Điều 12, đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nội dung cũng như việc sử dụng dự trữ quốc gia theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc