(VnMedia) - Trước đây, người lớn luôn lo lắng khi trẻ vị thành niên cho biết chúng hầu như không có kiến thức về các vấn đề sinh lý. Tuy nhiên, ngày nay, khi nghe bọn trẻ nói về những hiểu biết của chúng thì người ta lại thấy giật mình thon thót vì những kiểu hiểu biết nửa vời hoặc… sai hoàn toàn.
Điều đáng lo ngại hơn là nhiều cô cậu tuổi Teen đang hết sức tự tin với những mớ kiến thức mà nguồn của nó hầu như không được kiểm chứng.
Mới đây, qua các đợt thực hiện chương trình “Tự tin tuổi Teen” tại 5 trường THCS trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội, nhóm thực hiện đã ghi nhận được một số ngộ nhận tuổi dậy thì đặc trưng của teen thời @ mà các bậc phụ huynh cũng như thầy cô giáo có thể tham khảo.
Những ngộ nhận đáng lo ngại
Tại một buổi nói chuyện với học sinh THPT, khi chuyên gia tâm lý đặt câu hỏi, trong thời gian kinh nguyệt có nên chơi thể thao hay không, điều đáng ngạc nhiên là 100% các em học sinh có mặt tại hội trường đều có câu trả lời ngay lập tức là “không”. Đối với hầu hết các em, thời gian “đèn đỏ” gắn liền với khoảng thời gian “u tối” cùng hàng loạt các triệu chứng như đau bụng, đau lưng, mệt mỏi. Vì thế, các em cho rằng khoảng thời gian này các em cần “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” và chơi thể thao là điều tối kị. Các em không biết rằng việc tập thể dục nhẹ nhạng hay đi bộ không những giúp tăng cường sức khỏe mà còn giúp giảm thiểu các triệu chứng mệt mỏi thường gặp của thời kì kinh nguyệt.
Với câu hỏi “đến lớp 9 mới có kinh là bình thường hay không?”, cũng như câu hỏi trên, cả hội trường ngay lập tức trả lời là rất không bình thường. Thực tế, nhiều em ngày nay dậy thì từ sớm có thể ngay từ lớp 4 hay lớp 5, vì thế, các em đều cho rằng đến lớp 6 hoặc 7 mà chưa có kinh thì đã là rất muộn và lớp 8 mới có kinh nguyệt thì bị cho là “bất bình thường”. Cách hiểu biết này khiến cho những em có kinh ở tuổi này mặc cảm, lo lắng không đáng có.
Tuy nhiên, một kiến thức các em cần biết, đó là kể cả khi 18 tuổi mới bắt đầu có kinh nguyệt cũng vẫn được coi là bình thường. Đối với tuổi dậy thì, ngoài kinh nguyệt thì còn có rất nhiều dấu hiệu phát triển khác trên cơ thể và tâm lý.
Các em rất cần được chia sẻ, hướng dẫn những vấn đề liên quan đến giới tính và tâm lý |
Một vấn đề mà các em gái để ý quan sát bạn cùng giới và rất quan tâm, đó là chuyện “núi đôi”. Nhưng hiểu biết của các em về vấn đề này thì có thể gây sốc cho nhiều người. Ví dụ như “ăn đu đủ sẽ giúp núi đôi phát triển nhanh” hay “mặc áo lót thường xuyên sẽ có nguy cơ bị ung thư vú, vì thế ta chỉ nên mặc khi ra ngoài, còn ở nhà nên “thả rông” để ngực được phát triển thoải mái”. Chuyên gia đã phải giải thích rõ ràng rằng đu đủ và sự phát triển của núi đôi không có sự liên quan, và rằng mặc áo lót đúng cỡ và đúng cách rất quan trọng nhưng việc mặc áo lót hàng ngày không gây nguy cơ ung thư vú để cho các em yên tâm.
Đặc biệt, với câu hỏi “trẻ con được sinh ra từ đâu”, đã không còn nữa những câu trả lời ngô nghê kiểu “trẻ con được sinh ra từ nách” như cách đây vài năm, nhưng có em khiến các chuyên gia giật mình khi tự tin khi giải thích: “Hồi trước mẹ con nói trẻ con sinh ra từ rốn, nhưng mà con biết không phải vậy, trẻ con được sinh ra từ hậu môn, chỗ đó mới đủ lớn để em bé chui ra!”.
Nhiều băn khoăn về tâm lý, ứng xử
Được nói đến nhiều nhất trong các thắc mắc của các em dành cho chuyên gia là về vấn đề tâm lý – tình cảm. Nhiều em tỏ ra quan tâm tới chủ đề “Những cảm xúc khác giới tuổi dậy thì”. Các em không ngần ngại bày tỏ quan niệm về tình yêu tuổi mới lớn và đặt câu hỏi “Thưa thầy, giữa tình bạn và tình yêu thì cái nào quan trọng hơn?”. Có em còn hỏi “Quen bạn trên Facebook có đáng tin cậy không? Xin thầy cho lời khuyên khi quen bạn qua Facebook?”
Đáng chú ý là rất nhiều câu hỏi của các em tập trung chủ yếu vào cách ứng phó với những tình huống trong cuộc sống và tâm lý tuổi dậy thì. Ví dụ có em đặt câu hỏi “Nếu em để băng vệ sinh trong cặp sách mà bị bạn trai cùng lớp nhìn thấy thì phải làm sao?”, hay như “em không thích mặc váy nhưng ở nhà bố mẹ cứ bắt em phải mặc váy cho nữ tính, em phải làm thế nào?”…
Đứng trước những tình huống này, các chuyên gia trong chương trình "tự tin tuổi teen" đã đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp các em ứng phó tình huống hiệu quả. Ví dụ như trường hợp bạn trai bắt gặp băng vệ sinh trong cặp sách vốn dĩ không phải là một tình huống “nhạy cảm” gì vì băng vệ sinh hay hiện tượng kinh nguyệt là chuyện rất bình thường.
Nhìn chung, các em đã không còn ngại ngùng khi nhắc đến các vấn đề giới tính hay các biến đổi tuổi dậy thì. Trái lại, nữ sinh ngày này đa phần đều có những góc nhìn khá hiện đại về sức khỏe giới tính cũng như tâm lý tuổi dậy thì. Theo ý kiến của chuyên gia, phương pháp hữu hiệu nhất chính là đối diện trực tiếp với vấn đề trên cơ sở khoa học và chia sẻ, đừng nên cho đó là vấn đề “nhạy cảm”.
Việc người lớn né tránh, đưa ra những câu trả lời “vu vơ” hoặc nghĩ rằng “rồi lớn lên các em sẽ tự biết” sẽ không giúp giải quyết vấn đề mà có khi còn gây hậu quả nghiêm trọng. Chỉ có cách tiếp cận sớm và trực tiếp mới giúp người lớn “bắt kịp” thế hệ trẻ ngày nay, nhằm cung cấp cho các em những kiến thức chính xác và đúng đắn, chuẩn bị vững vàng cho tuổi trưởng thành.
Theo TS - Chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn, điều quan trọng nhất trong giáo dục giới tính là cần có sự phối hợp đồng bộ giữa ba lực lượng: gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình đóng vai trò là đồng hành, nhà trường đóng vai trò là nền tảng và xã hội sẽ góp phần định hướng. Thêm vào đó, cần chú trọng về phương pháp giáo dục giới tính cho tuổi dậy thì, làm sao kiến thức đến với các em một cách sinh động và tự nhiên nhất thì sẽ dễ che lấp đi sự ngại ngùng. Xã hội càng hiện đại thì các em dậy thì càng sớm hơn, nên điều quan trọng nhất của giáo dục giới tính là cần “dạy hươu sớm hơn là để hươu chạy lung tung”.
Theo TS Huỳnh Văn Sơn, vấn đề của giáo dục giới tính ngày nay không nằm ở kiến thức hay nội dung mà chủ yếu là ở hình thức và phương pháp. “Xu hướng tích cực hiện nay là các em học sinh cấp 2 tỏ ra khá chủ động trong việc tìm hiểu thông tin cũng như tự trang bị kiến thức về tâm sinh lý tuổi dậy thì.
Tuy nhiên, việc các em còn ngại chia sẻ với những người xung quanh về chủ đề này mà tự tìm kiếm thông tin cũng là một thực tế. Do vậy, việc cung cấp cho các em những nguồn kiến thức chính xác, dễ hiểu, và đáng tin cậy là vô cùng quan trọng. Đồng thời, gia đình và nhà trường cũng cần phải chủ động gần gũi và chia sẻ với các em theo hướng tự nhiên và thẳng thắn.
Ý kiến bạn đọc