Phân luồng ô tô tại cao tốc trên cao thế nào?

07:04, 22/10/2012
|

(VnMedia) - Sau khi tuyến đường trên cao đầu tiên của Thủ đô được thông xe vào sáng nay 21/10, Sở Giao thông vận tải đã ra thông báo phân luồng các phương tiện qua lại trên tuyến này.

>>>Ô tô được chạy 80km/h trên tuyến đường cao tốc đô thị

>>> Đường trên cao đầu tiên ở Hà Nội trước giờ thông xe

Cụ thể, đối với đường trên cao từ cầu vượt Mai Dịch, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm đến bắc hồ Linh Đàm (đường Vành đai 3 giai đoạn II), Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, cấm tất cả các phương tiện được phép lưu thông trên đường vành đai III trên cao: dừng, đỗ xe (trừ trường hợp dừng khẩn cấp theo quy định).
 
Đối với ô tô (xe tải, xe khách, xe con) từ cầu vượt Mai Dịch - Phạm Hùng đi cầu Thanh Trì, đi các tuyến đường phía bắc vành đai III, được đi trên tuyến đường trên cao. Cấm xe hai bánh, xe ba, bốn bánh tự chế (xe máy, xe gắn máy, xe ba, bốn bánh tự chế, xe thô sơ) và người đi bộ lưu thông trên tuyến đường trên cao, xe hai bánh (xe máy, xe gắn máy, xe thô sơ) và người đi bộ chỉ được lưu thông theo quy định tại đường phía dưới của đường trên cao.

Ô tô từ đường trên cao từ cầu vượt Mai Dịch - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển - Nghiêm Xuân Yêm đến bắc hồ Linh Đàm và ngược lại được hoạt động bình thường xuống các điểm tiếp đất gần nhất để đi Đại lộ Thăng Long, đường trục phía bắc Hà Đông (Lê Văn Lương kéo dài), Hồ Tùng Mậu, QL 32.

Xe tải từ cầu vượt Mai Dịch đi đường Phạm Văn Đồng đến cầu Thăng Long và ngược lại, xe tải có trọng lượng toàn bộ từ 1,25 tấn trở lên chỉ được hoạt động theo thời gian. Sáng từ 9 giờ đến 15 giờ. Tối từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

Với tuyến đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển - Nghiêm Xuân Yêm (đường phía dưới): Các loại xe tải có trọng lượng toàn bộ từ 1,25 tấn trở lên chỉ được hoạt động từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, ngoài thời gian trên phải có giấy phép do Sở Giao thông Vận tải cấp.

Đối với xe khách, cụ thể các loại xe hợp đồng đưa đón cán bộ công nhân viên, học sinh, sinh viên, xe tham quan, du lịch được phép hoạt động 24/24 giờ hàng ngày (các loại xe này phải có hợp đồng phù hiệu xác định loại hình dịch vụ do Sở Giao thông Vận tải cấp theo quy định.

Các loại xe của lực lượng vũ trang, xe công vụ, xe phục vụ tang lễ, đám cưới được hoạt động theo quy định. Các loại xe khách liên tỉnh phải đi theo luồng, tuyến đón trả khách tại các bến xe theo đúng quy định, cấm vòng vo đón trả khách. Đối với xe buýt hoạt động theo thời gian, lộ trình theo quy định.

 Ảnh minh họa

Theo quy định của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, ô tô được phép chạy tối đa 80km/h ở đường trên cao đầu tiên của Thủ đô. Ảnh: Tùng Nguyễn

Đối với các loại xe chuyên dùng: Các loại xe cấp nước sinh hoạt, xe chuyên dùng giải quyết các sự cố đột xuất về điện, nước, úng ngập, do mưa, sụt lún, gẫy cành, đổ cây được phép hoạt động hàng ngày theo quy định.

Các loại xe cắt, sửa cây, xe tưới nước rửa đường, xe hút bụi, xe hút phân, xe hút bùn, xe vận chuyển bùn phục vụ thoát nước, xe thu gom rác, xe và máy sửa chữa cầu đường, xe đưa nâng người làm việc trên cao được phép hoạt động trên các đường phố trừ các giờ 6 giờ đến 8 giờ 30 và 16 giờ 30 đến 20 giờ.

Các xe chở thực phẩm tươi sống trọng tải đến 2,5 tấn được hoạt động trên các đường phố, trừ các giờ 6 giờ đến 9 giờ và 16 giờ 30 đến 19 giờ 30; các loại xe bưu phẩm, bưu kiện, báo chí bằng đường bộ, xe chở tiền, vàng, bạc, ngoại tệ được phép hoạt động theo quy định.

Các loại xe chuyên dùng vận chuyển rác, xe thu gom rác đẩy tay (trừ xe tham gia tổng vệ sinh phục vụ nhiệm vụ đột xuất), xe chở lương thực chỉ được hoạt động trên các đường phố từ 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

Sở Giao thông vận tải cho biết, thời gian thực hiện bắt đầu từ 21/10/2012.

Cũng theo quy định của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, sau khi thông xe những loại xe được phép lưu thông trên tuyến đường trên cao trên tuyến Vành đai 3 sẽ được chạy với tốc độ tối đa là 80km/giờ.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc