Ngày Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai 2012: Phụ nữ và trẻ em là trọng tâm

15:57, 15/10/2012
|

Trước những biến đổi khó lường của thiên tai, năm 1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lấy ngày thứ tư, tuần thứ hai của tháng Mười làm Ngày Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai nhằm khuyến khích mọi công dân và chính phủ tham gia xây dựng cộng đồng và đất nước có khả năng chống chọi thiên tai tốt hơn. Năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định lấy ngày 13 tháng 10 làm Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai hằng năm.

Mỗi một năm, Ngày Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai lại hướng đến một chủ đề nhất định như: Năm 2009: Bệnh viện an toàn trước thiên tai; năm 2012: Thành phố tôi đã sẵn sàng; năm 2011: Trẻ em và thanh niên là đối tác để giảm nhẹ thiên tai…Năm nay, chủ đề của Ngày Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai  là: “Phụ nữ và các em gái-một lực lượng có sức chống chịu hiệu quả với thiên tai”. Việc đề cập đến phụ nữ và các em gái trong hoạt động phòng, chống thiên tai cho thấy khả năng tham gia của toàn thể cộng đồng vào quá trình phòng, chống thiên tai ở một đất nước.

Giảm nhẹ rủi ro thiên tai được hiểu là sự hiểu biết về những rủi ro, hiểm họa đối với bản thân và môi trường như một trận động đất, trận lụt, bão, sạt lở đất và tìm ra cách để giảm nhẹ rủi ro đó.

Phụ nữ, trẻ em là đại diện của hơn nửa dân số thế giới và là những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhiều nhất. Theo thống kê của Liên hợp quốc, hằng năm ước tính có ít nhất 66 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên.

 Ảnh minh họa

 Phụ nữ và các em gái là lực lượng có sức chống chịu hiệu quả với thiên tai.


Theo thói quen, xã hội thường cho rằng, họ không có khả năng chống chịu với thiên tai. Vì thế, họ nghiễm nhiên bị “vào vai” nạn nhân mà rất ít khi được tham gia vào các hoạt động phòng, chống giảm nhẹ rủi ro cho thiên tai.

Chủ đề của Ngày Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai năm 2012 cho thấy, phụ nữ và các em gái nói riêng và trẻ em nói chung có quyền và trách nhiệm tham gia vào các hoạt động giảm nhẹ thiên tai. Họ có quyền được đóng góp kinh nghiệm, tri thức, chuyên môn của mình vào các hoạt động này. Đồng thời, họ xứng đáng được tôn vinh với những hoạt động mà họ đã làm trước, trong và sau thiên tai.

Tại Việt Nam, đã có nhiều chương trình, dự án về giảm nhẹ thiên tai hướng đến đối tượng phụ nữ và trẻ em trong đó có các em gái như: Dự án “Nâng cao khả năng ứng phó của phụ nữ với biến đổi khí hậu: Trao quyền cho phụ nữ cơ sở để ứng phó với thiên tai”; dự án “Tăng cường năng lực phòng ngừa và ứng phó thảm họa thiên tai dựa vào cộng đồng lấy trẻ em làm trọng tâm”, mô hình giảm nhẹ thiên tai của tổ chức phi chính phủ PLAN được Phái đoàn của Ủy ban châu Âu (EC) bảo trợ hướng đến đối tượng phụ nữ, trẻ em; CLB “Trẻ với phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai” …

Các dự án này, sau khi thực hiện đều nhận được phản hồi tích cực. Phụ nữ và trẻ em có thêm thông tin bổ ích, cần thiết về giảm nhẹ thiên tai. Họ trở nên chủ động hơn trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm giảm nhẹ thiên tai của mình. Các em nhỏ khi được tập huấn kỹ năng ứng phó phòng chống thiên tai, được học bơi, có thêm hiểu biết về biến đổi khí hậu… trở nên mạnh dạn hơn. Có hiểu biết, kiến thức, các em không trở thành gánh nặng hay nạn nhân của thiên tai mà có thể góp sức mình vào việc giảm nhẹ thiên tai. Nhiều người cho rằng điều này là không tưởng bởi lẽ phụ nữ có thể giảm nhẹ thiên tai được vì ít ra họ còn có kinh nghiệm, chuyên môn và họ là người lớn. Còn trẻ em, đặc biệt là các em gái thì sao có đủ năng lực để giảm nhẹ thiên tai?

Đây là một suy nghĩ sai lầm! Chính bởi suy nghĩ này mà trong nhiều năm, chúng ta không đầu tư mạnh vào việc giáo dục, hỗ trợ, định hướng cho trẻ em cách phòng, chống thiên tai. Trẻ em mặc dù còn nhỏ và khả năng chống chọi với thiên tai là thấp hơn rất nhiều so với người lớn nhưng không vì thế mà các em không có khả năng này. Việc đầu tư vào giáo dục, nâng cao nhận thức cho trẻ trong phòng, chống thiên tai sẽ giúp cho trẻ hiểu được những tác hại của thiên tai cũng như những bước phòng, tránh cơ bản nhất. Như Bác Hồ đã nói: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, trẻ em hoàn toàn có quyền và trách nhiệm giống như những người khác trong xã hội trong việc giảm nhẹ thiên tai. Vì thế không nên “gạt” trẻ em ra khỏi công tác phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai là vậy.

Phụ nữ và các em gái khi được giao quyền sẽ đóng góp to lớn vào quá trình phòng, chống giảm nhẹ thiên tai vì vậy trong tương lai, chúng ta cần xóa bỏ suy nghĩ, phụ nữ và trẻ em chỉ là những nạn nhân của thiên tai mà thay vào đó nêu cao vai trò của phụ nữ và các em gái trong hoạt động giảm nhẹ thiên tai.


Theo QĐND Online

Ý kiến bạn đọc