Thực hiện Công điện của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, nhiều địa phương tại các tỉnh miền Trung đã khẩn trương triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với cơn bão số 7.
>>Bão số 7 sầm sập tiến vào Đà Nẵng - Khánh Hòa
Chiều 4/10, UBND tỉnh Quảng
Tại huyện Núi Thành, các xã ven biển đã lên kế hoạch chặt chẽ về công tác sơ tán dân, đồng thời phối hợp với đồn biên phòng tại xã Tam Thanh chuẩn bị các phương tiện cứu hộ, chủ động liên lạc với 37 tàu thuyền có 1.296 lao động đang đánh bắt ngoài khơi.
Huyện Duy Xuyên đã triển khai việc chèn chống nhà cửa, trường học, cơ quan, sẵn sàng công tác sơ tán dân. Huyện cũng đã có kế hoạch cho công tác ứng phó với lũ sau bão với việc kiểm tra các phương tiện, lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Huyện Thăng Bình cũng chuẩn bị công tác sơ tán 1.770 hộ ven biển và 3.700 hộ ven sông.
TP Hội An đã triển khai việc chèn chống 49 nhà cổ thuộc quản lý của nhà nước và đang tiến hành làm việc với hơn 100 di tích thuộc sở hữu tư nhân. Bên cạnh đó, chính quyền TP cũng đã chuẩn bị các vị trí cho dân trú bão.
Các huyện miền núi như Tây Giang, Đông Giang, Nam Trà My đã chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ cho 10 - 15 ngày khi có trường hợp bị cô lập do lụt sau bão. Các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đã chuẩn bị các phương án kĩ lưỡng sẵn sàn ứng phó khi bão tới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để sẵn sàng ứng phó khi bão đến. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và của cho nhân dân. Huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân việc chèn chống nhà cửa, đặc biệt ở các vùng ven biển, ven sông.
Các huyện miền núi cần nắm rõ tình hình, tránh tình trạng bị chia cắt, cô lập. Ban quản lý các hồ chứa, các đập thủy điện cần nghiêm túc thực hiện các phương án chống bão, lũ, thực hiện việc chứa hoặc xả nước kịp thời khi có bão. Nếu đến hết ngày 5/10, tình hình mưa bão vẫn diễn biến phức tạp sẽ cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn…
Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng triệu tập cuộc họp khẩn triển khai ứng phó với cơn bão số 7. Ông Lê Viết Chữ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu lực lượng biên phòng và huyện Lý Sơn thường xuyên thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến bão; tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn đến nơi tránh trú bão kịp thời. Nghiêm cấm các loại tàu thuyền ra khơi từ 18 giờ ngày 4/10.
Các ban ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát, chằng chống nhà cửa, cơ quan, trường học; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân ra khỏi những vùng ven biển, ven sông suối, những nhà yếu có nguy cơ bị đổ, vùng có nguy cơ bị sạt lở núi, lũ quét; các huyện phải khẩn trương kiểm tra, rà soát, triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ, đập các công trình thủy lợi, thủy điện và an toàn vùng hạ du.
Tại TP Đà Nẵng, công tác phòng chống bão số 7 cũng được khẩn trương triển khai. Ngày 4/10, TP đã có công điện yêu cầu các đơn vị liên quan thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết thông tin về diễn biến của cơn bão số 7 để chủ động phòng tránh và thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; chỉ đạo các Ban quản lý dự án dầu tư xây dựng, các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức phòng, chống cho các công trình xây dựng nhất là các công trình xây dựng trên cao, các tháp cẩu, nhà cao tầng, các công trình xây dựng trên sông.
Các Sở, ban, ngành và địa phương rà soát phương án phòng chống lụt bão và phương án sơ tán nhân dân, sẵn sàng triển khai kế hoạch phòng chống bão, lũ; tổ chức chằng chống nhà cửa, rà soát lại các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, chú ý đề phòng bão kết hợp mưa lũ lớn, ngập sâu, lũ quét và sạt lở đất
Lực lượng biên phòng và Cảnh sát đường thủy tổ chức di chuyển toàn bộ tàu thuyền trên sông Hàn, triển khai phương án sắp xếp tàu thuyền phòng tránh bão trong Âu thuyền Thọ Quang.
Tại tỉnh Phú Yên, đến chiều ngày 4/10, toàn tỉnh còn 267 tàu cá với hơn 1.660 lao động đang hoạt động trên biển đều liên lạc được với gia đình và các đồn biên phòng, trong đó có gần 110 tàu với hơn 1.000 lao động đang hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các ban ngành và địa phương phải túc trực 24/24 giờ và thông tin cho dân biết diễn biến cơn bão số 7.
Phối hợp với Bộ đội biên phòng kiểm tra tàu thuyền đang neo đậu, không cho các tàu thuyền ra khơi, thông báo cho các chủ phương tiện về diễn biến của bão để đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn; chính quyền các địa phương hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, đồng thời lên phương án sơ tán dân đến các địa điểm an toàn.
Các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’ Năng bố trí người bảo vệ công trình, đảm bảo vận hành liên hồ chứa, xả lũ an toàn, đồng thời giao nhiệm vụ giám sát xả lũ cho Sở Công Thương. Những công trình đang thi công phải chủ động chằng chống kho tàng, di chuyển phương tiện đến nơi an toàn, nhất là các công trình ven sông, suối và ven biển. Lực lượng vũ trang bố trí lực lượng sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn…
Theo UBND tỉnh Phú Yên, đến chiều 4/10, hồ thủy điện Sông Ba Hạ đạt gần bằng mực nước thiết kế 105m, với lưu lượng nước đang đổ về 500m3/giây và xả nước qua tràn gần 500m3/giây. Hiện các hồ chứa nước lớn như Phú Xuân, Đồng Tròn ở lưu vực sông Kỳ Lộ đã mở các cửa xả lũ.
Ý kiến bạn đọc