(VnMedia) - Theo Tờ trình Dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ do Đảng quy định…
Tờ trình Dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội sáng 26/10 ghi rõ: Thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: “Ở Trung ương, thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban”, Dự thảo Luật đã không quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ do Đảng quy định; đồng thời, công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.
Liên quan đến điều khoản này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, Ủy ban Tư pháp nhất trí với việc sửa đổi này của Chính phủ và cho rằng, hiện nay về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở cũng như của tất cả các đảng viên được điều chỉnh bởi Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn và nghị quyết của các tổ chức cơ sở Đảng.
Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, ngoài Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 quy định về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội thì các văn bản quy phạm pháp luật không quy định điều chỉnh về tổ chức, hoạt động đối với các cơ quan, tổ chức của Đảng.
Ủy Ban tư Pháp cho rằng, việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban theo đúng tinh thần và nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng.
Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định, Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan theo thẩm quyền đều có quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Tại các cơ quan này đã có các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy, Đảng bộ, Chi bộ để lãnh đạo, chỉ đạo mọi công tác, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cho biết, qua thẩm tra Báo cáo phòng, chống tham nhũng hàng năm của Chính phủ cũng như qua công tác giám sát, khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại một số địa phương cho thấy, việc thực hiện các quy định về xử lý trách nhiệm đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng còn gặp lúng túng và ở một số nơi chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm.
Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trong dự án Luật có những quy định còn chung, chưa rõ, có thể dẫn đến triệt tiêu hiệu quả của nhau, đó là “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” và “thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng”.
Theo Ủy ban Tư pháp, trên thực tế, việc thực hiện các quy định này dường như là một nghịch lý, thủ truởng cơ quan quản lý nhà nước càng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện được càng nhiều hành vi tham nhũng xảy ra trong nội bộ cơ quan, tổ chức mình thì người đó lại càng phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý cán bộ vì đã để xảy ra nhiều hành vi tham nhũng.
Do đó, việc bao che, che giấu hành vi tham nhũng rất khó tránh khỏi mặc dù trong dự án Luật đã có quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm pháp lý… nếu đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi tham nhũng”.
UBTP cho rằng, những vấn đề trên đây cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, quy định rõ và cụ thể hơn để góp phần tháo gỡ những khó khăn, bất cập, hiệu quả thấp như hiện nay.
Ý kiến bạn đọc