Hành động vì tương lai đô thị Việt Nam

06:32, 31/10/2012
|

(VnMedia) - Nhân Ngày Đô thị Việt Nam (8/11) Bộ Xây dựng đã phối hợp với tổ chức Liên minh các thành phố thế giới (CA) tổ chức Hội nghị Đô thị năm 2012, với tên gọi Tương lai đô thị Việt Nam - Hành động ngay hôm nay”.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và cũng là Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam, ông Nguyễn Thế Thảo nói: Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang diễn biến phưc tạp ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các quốc gia, các đô thị, các đô thị lớn ở Việt Nam với vai trò đầu tàu phát triển đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và mâu thuẫn trong quá trình đô thị hóa.

 

Hà Nội là trung tâm lớn của cả nước với diện tích trên 3.000 km2 và hơn 6,5 triệu dân, là trung tâm đầunão chính trị và là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, đối ngoại…. Tuy nhiên, việc gia tăng dân số cơ học đã khiến Thành phố Hà Nội đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có việc quá tải hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cải tạo hạ tầng còn hạn chế, quản lý kém… là những rào cản lớn cho phát triển đô thị bền vững.

"Tương lai đô thị phụ không phụ thuộc vào ngày mai mà phụ thuộc vào hành động của chúng ta ngay hôm nay, nhất là những hiệu quả quản lý đô thị, không chỉ ở trình độ năng lực mà còn ở tâm huyết với vấn đề đô thị" - Chủ tịch Thành phố nói.
 

Trong khi đó, tham luận của UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố hiện đang gặp những thách thức về quản lý thành phố cực lớn - một siêu đô thị. Theo đó, dự báo đến năm 2025, Thành phố sẽ có trên 10 triệu dân và sẽ sớm đứng vào danh sách những siêu thành phố ở khu vực châu Á. Đó là cơ hội để có thể thúc đẩy kinh tế, nhưng cũng là thách thức, nguy cơ làm suy giảm chất lượng cuộc sống, phát triển không bền vững.

 

Theo đó, thành phố Hồ Chí Minh hiện đang đứng trước 3 nguy cơ, thách thức lớn, đó là tắc nghẽn giao thông, ngập nước và và đặc biệt là ô nhiễm môi trường, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang có chiều hướng trầm trọng hơn.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Đô thị hóa là xu thế tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng, quốc gia và trên phạm vi toàn thế giới. Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh ở khu vực Đông Nam Châu Á.
 

Tính đến tháng 9/2012, mạng lưới đô thị Việt Nam đã và đang được phát triển với hơn 760 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa trên 31%, dự báo sẽ đạt khoảng 45% trong 10 năm tới. Khu vực đô thị hàng năm đóng góp khoảng 70-75% GDP của Việt Nam - là động lực phát triển kinh tế, hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng nhận định, bên cạnh những kết quả quan trọng, đô thị Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là việc ứng phó có hiệu quả trước các tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Những tồn tại, hạn chế đó chính là những thách thức buộc các đô thị Việt Nam phải giải quyết trong quá trình phát triển theo hướng bền vững.


Chính vì những lý do trên, Hội nghị được tổ chức nhằm động viên và thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, chính quyền các đô thị, các nhà quy hoạch, kiến trúc, các nhà đầu tư phát triển đô thị, các chuyên gia và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tích cực tham gia xây dựng đô thị hướng tới sự phát triển bền vững.

 

Hội nghị đã tiến hành thảo luận theo 3 chủ đề: Phát triển thành phố sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu; vai trò, năng lực của chính quyền địa phương trong quản lý phát triển đô thị và vấn đề cạnh tranh lành mạnh, huy động đa nguồn lực cho phát triển, nâng cấp đô thị. Những chủ đề này gắn bó chặt chẽ với việc thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển đô thị của Việt Nam.

 

Đại diện Văn phòng UN-HABITAT khu vực Châu Á Thái Bình Dương - Bà Paula Pennanen cho rằng, việc nâng cấp cải thiện chất lượng các đô thị đòi hỏi phải có sự tham gia của các bên, từ chính quyền địa phương, người hoạch định và quản lý chính sách đến cả từng người dân. Mỗi đô thị Việt Nam có vai trò quan trọng trong liên kết giữa các vùng đô thị và các đô thị trong khu vực.

 

“Thế giới đang trở thành một đô thị toàn cầu và Việt Nam cần có cách tiếp cận mới để đẩy mạnh phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh” - bà Paula Pennanen nói.

 

Trong khi đó, Trưởng đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) dự báo, dân số đô thị Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới với những đòi hỏi ngày càng tăng. Các chính sách và đầu tư của Việt Nam sẽ quyết định diện mạo các đô thị. Việt Nam cần tiếp cận nhiều hơn với các kinh nghiệm quốc tế về phát triển đô thị bền vững.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc