Đại biểu tỉnh Quảng Nam: “An toàn đập là câu chuyện rất lớn”

06:23, 24/10/2012
|

(VnMedia) - Chiều 23/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật điện lực (sửa đổi). Trong khi nhiều đại biểu tiếp tục thảo luận về giá điện thì đại biểu tỉnh Quảng Nam Lê Văn Lai đã thu hút sự quan tâm bằng ý kiến về an toàn đập.

 

Theo đại biểu Lê Văn Lai, hiện nay, sự việc của Sông Tranh 2 vốn đã phức tạp lại đang càng phức tạp thêm.

 

Trong đó có lý do, theo nhận thức của tôi, là từ vấn đề chưa điều chỉnh đầy đủ về mặt pháp luật. Ai cũng nói về an toàn đập, thầy giáo dạy trên lớp cũng nói về an toàn đập, nhà khoa học không thuộc lĩnh vực thủy điện cũng nói về an toàn đập, cá nhân tôi là người học sư phạm khoa ngữ văn cũng lên diễn đàn nói về an toàn đập. Cho nên dẫn đến lượng thông tin không biết đâu là sự thật, không biết đâu là sự đúng đắn. Câu chuyện này, tình huống này có nguyên nhân từ chỗ luật pháp của chúng ta chưa đầy đủ” – đại biểu Lê Văn Lai mở đầu như vậy.

 

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nói là Luật tài nguyên nước đã đề cập vấn đề này. Nhưng tôi đã đọc trong Luật tài nguyên nước Khoản 3 Điều 53 có một câu: "an toàn công trình trong quản lý và vận hành", nói như thế thì rất đơn giản” - đại biểu tỉnh Quảng Nam phân tích.


 Ảnh minh họa

 An toàn đập là câu chuyện rất lớn

 

Theo đại biểu Lai, quản lý vận hành là việc sau đó, còn an toàn hay không an toàn lại nằm trong đoạn thiết kế, khảo sát, thi công xây dựng. “Nếu lấy điều của Luật Tài nguyên nước sang đây là chưa đủ và nếu dừng lại ở đây thì câu chuyện này, theo cá nhân tôi chưa thể chấp nhận được. Đây là câu chuyện lớn, câu chuyện của nhiều sinh mệnh và thậm chí nhiều cộng đồng sinh mệnh người. Cho nên, an toàn đập là câu chuyện rất lớn mà trong luật này với tư cách cơ quan điện lực là cơ quan chủ đầu tư để xây dựng các hạng mục công trình về thủy điện thì phải gắn với trách nhiệm về an toàn đập” – đại biểu tỉnh Quảng Nam, nơi có đập Thủy điện Sông Tranh 2 nhấn mạnh.

 

Nước trong Luật Tài nguyên là nước tự nhiên, nước về ao, hồ, sông, lạch, đầm, đìa, nước mưa. Còn nước trong thủy điện lànước đã bị chặn dòng, nước bị ngăn lại và tự thân nó không gây ra tác hại. Nó chỉ tác hại hay không do đập đó có bảo đảm hay không. Cho nên, câu chuyện an toàn tính mạng nhân dân lệ thuộc vào vấn đề an toàn đập” - Đại biểu Lê Văn Lai cũng phân tích thêm.

 

Đại biểu tỉnh Quảng Nam “thiết tha đề nghị trong luật này nên đưa một nội dung nói về vấn đề an toàn đập trong việc xây dựng các công trình thủy điện”. Theo ông, an toàn đập cũng chính là một trong lĩnh vực điện và thủy điện. “Tôi báo cáo với Quốc hội, với tâm tư nguyện vọng của người đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam , tôi một lần nữa mong đợi các vị đại biểu thêm cho một phần về an toàn đập. Không phải vấn đề sông Tranh 2 ở Quảng Nam mà là vấn đề an toàn đập trên phạm vi cả nước” - đại biểu Lê Văn Lai nhấn mạnh.

 

Góp ý về Dự thảo luật điện lực, đại biểu tỉnh Y Mửi (Kon Tum) bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu tỉnh Quảng Nam về vấn đề liên quan đến việc xây dựng các công trình thủy điện và các hệ lụy xã hội kéo theo từ vấn đề thủy điện này.

 

Thực tế cho thấy một số công trình thủy điện tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung hay Kon Tum nói riêng, để lại những vấn đề tồn đọng hậu quả thủy điện kéo dài quá lâu, gây bức xúc trong nhân dân như vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, thuê đất sản xuất và việc làm ổn định cuộc sống của người dân di cư, đặc biệt là vấn đề sinh thái ở các địa điểm mà các công trình thủy điện và một số nội dung khác” – đại biểu Y Mửi nói.

 

Theo đại biểu tỉnh Kon Tum, mặc dù tỉnh và các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã có nhiều biện pháp tháo gỡ nhưng đến nay vấn đề này vẫn đặt ra như một thách thức không nhỏ đối với một tình nghèo như tỉnh Kon Tum. “Từ thực trạng trên, tôi đề nghị trong dự thảo luật lần này cần có nội dung quy định rõ trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực, các bộ, ngành liên quan để điều chỉnh những bất cập trên của các công trình thủy điện” – đại biểu Y Mửi nêu rõ quan điểm.

 

Trong khi đó, đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ băn khoăn về hiện tượng công trình thủy điện vừa và nhỏ phát triển tràn lan hiện nay. “Với số lượng lên đến hàng nghìn, nằm rải rác trên khắp đất nước và đặc thù là không xây dựng trong một không gian cụ thể, có thể tổ máy phát điện ở tỉnh này nhưng nguồn tích điện, tích nước lại ở tỉnh khác, cho nên khả năng kiểm soát rất khó. Bởi vậy, chúng tôi thấy trong bộ luật này chưa đề cập tới thủy điện như một chương riêng, mà ngay trong các chương chung cũng hết sức mờ nhạt” - đại biểu Dương Trung Quốc nêu ý kiến.

 

Phát biểu ý kiến sau khi các đại biểu thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, phần lớn ý kiến của các đại biểu đều ủng hộ nội dung do Thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội đã báo cáo. Với những vấn đề về kỹ thuật, cụ thể, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục báo cáo với Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội hoàn chỉnh để trình với Quốc hội trong thời gian tới, lấy ý kiến và xem xét thông qua.

 

Về những ý kiến cụ thể xung quanh vấn đề phát triển các loại hình, các nhà máy điện, trong đó có thủy điện, đảm bảo an toàn… Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định đó “thực sự là những vấn đề hết sức hệ trọng”.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, các nội dung này đã và sẽ tiếp tục được thể hiện trong một số các văn bản luật khác, ví dụ như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, trong đó có phần về năng lượng mới, năng lượng tái tạo, Luật Khoa học công nghệ sắp tới đây sẽ được xem xét thông qua và sẽ được thể hiện trong các chính sách đầu tư cụ thể của nhà nước, thể hiện qua các dự án đầu tư, các quy hoạch và các tổng sơ đồ điện.

 

Vì vậy, chúng tôi xin được tiếp thu và sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, cho Quốc hội trong khi xem xét các dự án luật có liên quan đến những nội dung này và các dự án đầu tư cụ thể. Nếu như có thể được, xin phép Quốc hội, phần an toàn công trình có thể sẽ có một điều khoản nhất định nào đó thể hiện trong dự thảo luật để Quốc hội xem xét và thông qua” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc