(VnMedia) - Sáng 22/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa ủy quyền Thủ tướng đã trình bày bản báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2012.
Theo Báo cáo, năm 2012, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên nhiều phương diện; đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN và Sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020. Định kỳ Chính phủ kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả công tác PCTN và kết luận, chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp PCTN theo quy định.
Báo cáo cũng nhận định, nhìn chung, các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng trong các cơ quan Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát đã cơ bản được kiện toàn, từng bước phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng thanh tra, điều tra, truy tố các vụ việc, vụ án tham nhũng; Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ và đang từng bước phát huy tác dụng; “Nhìn chung, công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng đã đạt được kết quả tích cực. Số vụ tham nhũng được khởi tố điều tra, truy tố đều tăng hơn so với năm 2011” – báo cáo của Chính phủ nhận định.
Tuy nhiên, Báo cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày cũng khẳng định, nhìn chung công tác PCTN chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Báo cáo cũng nhìn nhận, việc công khai, dân chủ trên một số mặt hoạt động còn hạn chế, như hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, đầu tư xây dựng, cung cấp dịch vụ công... Vẫn còn tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước để không thực hiện việc công khai, minh bạch; tình trạng vi phạm các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn còn xảy ra ở nhiều nơi.
Về minh bạch về tài sản, thu nhập, báo cáo đánh giá là có hiệu quả thấp, việc xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai còn ít, kết quả công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hạn chế; chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…
Về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, sai phạm chưa nghiêm, không tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; việc chuyển đổi vị trí công tác còn hình thức, bất cập.
Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo thẩm tra sáng 22/10 - ảnh: TTXVN |
Uỷ ban Tư pháp: Số vụ tham nhũng xử lý hình sự rất ít
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày cho biết, Ủy ban Tư pháp nhất trí với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng trong năm 2012. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ được các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt hoặc chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng; những lĩnh vực, ngành nào còn để xảy ra nhiều tham nhũng, nguyên nhân để xảy ra tham nhũng và phương hướng phòng, chống, các giải pháp có tính đột phá để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
“Qua hoạt động khảo sát, giám sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy, mặc dù biên chế được bổ sung, tổ chức, trang thiết bị, cơ sở, vật chất được kiện toàn và tăng cường, nhưng nhìn chung hiệu quả hoạt động của các Ban chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng, các cơ quan có thẩm quyền trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng chưa cao, chưa phúc đáp được yêu cầu nhiệm vụ” – báo cáo thẩm tra viết.
Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá, số vụ việc tham nhũng được phát hiện còn chưa tương xứng; việc phát hiện và kiến nghị xử lý hình sự về tham nhũng qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn thấp; việc điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án tham nhũng còn kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, phải đình chỉ vụ án hoặc thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn…
Về kết quả công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, báo cáo thẩm tra nêu rõ: “Qua công tác thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm, thất thoát lớn về tiền, tài sản, nhưng hầu hết là kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính; số vụ tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự rất ít”.
Đặc biệt, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, việc xử lý sai phạm, thực hiện kiến nghị kết luận của thanh tra, kiểm toán chưa nghiêm. Hầu như không có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào phát hiện được vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Theo báo cáo của Chính phủ, đã có 18 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 19 địa phương hoàn thành 100% việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2011. Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan khác cũng đã thực hiện đạt tỷ lệ cao. Tổng số kê khai lần đầu đạt 98,2%, kê khai bổ sung đạt 97,6%. Năm 2012, bắt đầu triển khai thực hiện quy định về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập bằng hình thức niêm yết tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc công khai trong hội nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bước đầu đã công khai đạt 18,7% tổng số người kê khai tài sản, thu nhập. |
Ý kiến bạn đọc