(VnMedia) - Hơn 40 tuổi, mặc dù chưa từng được ba yêu thương như với những người con khác, nhưng chị không bao giờ nghĩ, mình lại là một đứa con "ngoài luồng" của mẹ với người đàn ông khác...
Gặp tôi khi vừa từ Huế ra Hà Nội, chị như vỡ oà trong nỗi xúc động nghẹn ngào. Tôi là người đầu tiên và duy nhất được chị tâm sự về cuộc đời bất hạnh của mình…
Tuổi thơ bất hạnh
Chị là con thứ 2 trong gia đình có 3 người con gái. Ba chị trước đây là một cán bộ tập kết ra Bắc, giữ một vị trí quan trọng của một Sở. Mẹ chị là nhân viên một cửa hàng. Chị sinh ra tại Hà Nội năm 1970 và theo ba mẹ trở về quê nội ở thành phố Huế sau khi đất nước giải phóng. Giờ, chị đã là một phụ nữ Huế từ giọng nói cho đến tính cách. Chỉ có điều, hoá ra, Huế chẳng phải là quê nội của chị.
Ba chị là một người đàn ông nghiêm khắc nhưng hết mực thương con, trừ chị. Cô chị cả và cô em gái út được ba nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Còn chị, dù bằng mọi cách, dù cố gắng ngoan ngoãn, chăm chỉ và hiếu thảo đến mấy, vẫn đứng ngoài tất cả sự trìu mến, quan tâm đó.
Khi còn nhỏ, chị không để ý, chỉ thấy tủi thân khi 3 chị em cùng phạm lỗi thì một mình bị đánh. Khi lớn hơn, chị luôn cảm nhận được sự lạnh lùng của ba. Những lúc lặng lẽ đứng ngoài, nhìn ba vuốt tóc hai cô con gái, đôi mắt long lanh đầy tự hào, chị lại thấy tim quặn thắt. Đi tìm lý do cho việc không công bằng đó, chị nghĩ, chắc tại mình không xinh đẹp như 2 người chị em kia, bởi họ thì trắng như bột (giống ba), còn chị lại có nước da ngăm đen và mái tóc cứng như rễ tre.
Ngược lại với cách đối xử của ba, mẹ chị lại thương chị nhất nhà. Hồi nhỏ, sau những lúc chị bị ba mắng oan hay đánh đòn, mẹ thường ôm chị vào lòng, xót xa xoa những chỗ đau. Chị cảm thấy mẹ yêu mình nhưng có phần kín đáo. Tuy nhiên, tình yêu của mẹ cũng khiến chị vơi đi phần nào nỗi tủi thân vì bị ba hắt hủi. Đáp lại, chị cũng rất yêu và thương mẹ. Hai mẹ con vì thế mà thân nhau, hiểu nhau hơn những người khác trong gia đình.
Chị từng rất đau khổ vì không có được tình yêu thương của ba - ảnh minh họa |
Lớn lên, chị đi học trung cấp rồi trở thành cô nuôi dạy trẻ. Chồng chị là một người đàn ông tốt, hiền lành mẫu mực. Vì thế, chị không còn quá để ý đến sự đối xử khác biệt của ba với mình. Tuy nhiên, điều mà chị không thể quen, không thể chấp nhận được, đó là cách mà ba chị đối xử với mẹ chị.
Trước đây, bỏ lại quê hương, bố mẹ, anh em, bà theo chồng về cố đô xa lạ. Ở nơi đất khách quê người, cái xứ Huế vừa nghèo vừa buồn đã khiến bà phải chịu cảnh cô đơn lắm. Vậy mà, ông còn đối xử với bà rất lạ lùng. Chị cảm nhận bố chị rất yêu mẹ, nhưng không hiểu sao, thỉnh thoảng ông lại dùng những lời lẽ xúc phạm khiến bà khóc ròng cả tuần lễ. Trong khi đó, mẹ chị, không hiểu sao luôn nhẫn nhịn chịu đựng ông. Bà chiều chuộng, chăm sóc ông hết lòng. Những lúc bị ông xúc phạm, bà chỉ buồn và khóc chứ không một lời than vãn hay trách móc.
Nhiều lúc, chị phát cáu và hỏi mẹ: "Tại sao mẹ lại chịu nhịn như thế? Mẹ có làm gì đâu, sao lại để ba xúc phạm như vậy?". Nhưng mẹ chị chỉ im lặng.
Cuộc sống của chị sau này đã thay đổi nhờ có gia đình riêng, có sự chia sẻ của chồng và niềm vui từ những đứa con. Nhưng cuộc sống của mẹ chị thì vẫn vậy. Rất hiếm khi chị thấy mẹ cười. Lúc nào bà cũng cư xử như thể mình là một người đang mắc lỗi vậy.
“Thế rồi tôi tình cờ, tôi phát hiện ra mình không phải là con của ba, và đây chính là lý do ông lạnh nhạt với tôi suốt bao nhiêu năm qua!” - chị đau khổ thốt lên.
Gần đây, ba chị bị ốm phải nằm bệnh viện. Hôm ấy, khi đêm đã khuya, chị vào bệnh viện vì muốn thay mẹ chăm ba. Lúc đến cửa phòng, chị bất ngờ thấy mẹ đang cầm tay ba, vừa khóc vừa nói.
Trong tiếng nức nở, chị nghe mẹ lặp đi lặp lại câu: Em xin anh. Anh đã chấp nhận mẹ con em, đã cho em nuôi con nên người. Em rất biết ơn anh. Nhưng bây giờ, ông ấy sắp mất. Ông ấy muốn nhận con. Ông ấy không có người con nào khác, chỉ có mình nó…"
Sự thật phũ phàng
“...Tôi bàng hoàng khi biết, đứa con mà người đàn ông xa lạ nào đó muốn nhận lại, chính là tôi. Đêm ấy, mẹ tôi đã kể cho tôi nghe tất cả. Ngày trước, khi đã lấy ba tôi và sinh được chị tôi, mẹ tôi vẫn còn rất trẻ và duyên dáng. Ba tôi công tác trên Hà Nội, còn mẹ tôi là nhân viên của cửa hàng ở tỉnh lẻ. Thỉnh thoảng phải đi trực đêm, mẹ tôi bị ông “thủ trưởng” chưa vợ tìm cách quyến rũ và có một lần, mẹ đã không giữ được mình.
“Một thời gian sau, mẹ phát hiện mình có thai và cực kỳ lo sợ. Mẹ luôn cầu khẩn để đứa con trong bụng không phải là con của người đàn ông kia, nhưng thật trớ trêu, khi sinh ra, tôi chẳng giống ba tôi tẹo nào mà giống hệt người đàn ông ấy. Ba tôi không khó để nhận ra điều đó và mẹ tôi đã thú nhận tất cả. Tuy nhiên, ba không đồng ý ly hôn như mẹ đề nghị, mà chỉ yêu cầu mẹ chuyển cơ quan. Vài năm sau, cả gia đình tôi về Huế sinh sống và mẹ tôi không bao giờ liên lạc với người đàn ông kia nữa.
“Mẹ bảo, ba tôi tha thứ cho mẹ vì rất yêu bà, nhưng cứ nhìn thấy tôi là ông lại không chịu nổi. Vì thế, ông đã luôn xa lánh, hắt hủi tôi và thỉnh thoảng lại ngấm ngầm mang tôi ra để đay nghiến vợ. Đây chính là lý do khiến mẹ tôi phải sống mấy chục năm buồn tủi và cay đắng…
Người phụ nữ đáng thương cho biết, cha đẻ của chị sau đó đã lấy vợ nhưng không có con nên họ đã li hôn. Ông ở vậy và rất muốn được nhận chị nhưng không dám. Gần đây, khi phát hiện ra mình bị ung thư và không thể sống được lâu, ông ấy mới liên lạc với mẹ chị, xin được nhận con và di chúc lại tất cả tài sản của ông cho chị. Nghĩ đến người sắp ra đi, mẹ chị lấy hết can đảm xin với chồng cho đứa con “ngoài luồng” về nhận bố đẻ và họ hàng.
“Giờ đây, tôi đã về đến Hà Nội, nhưng tôi vẫn không biết nên làm thế nào. Tôi không còn giận ba tôi mà thậm chí còn biết ơn ông, bởi ông cũng đã phải chịu quá nhiều đau khổ khi chấp nhận nuôi con của người khác. Còn với bố đẻ của tôi, thực sự, tôi chưa biết tình cảm của mình đối với ông ấy sẽ như thế nào. Chuyện tài sản, nếu tôi nhận, không biết có xúc phạm đến ba tôi không? Mới đây, sau khi mọi chuyện đã công khai, ba tôi bỗng nhiên lại thay đổi thái độ. Ông xin lỗi vì đã đối xử không công bằng với tôi trong những năm qua và chúng tôi giờ như trở thành 2 người bạn vậy.
Nghe câu chuyện của chị, tôi khuyên chị hãy cứ về nhận lại cội nguồn của mình, còn chuyện tài sản thì tuỳ chị quyết định. Điều quan trọng nhất là mối quan hệ của chị với ba chị giờ đây đã được hoá giải, và mẹ chị cũng không còn phải sống trong bóng tối của tội lỗi nữa. Cầu mong cho những con người đã phải đau khổ suốt mấy chục năm qua được sống thanh thản, hạnh phúc bên nhau.
Ý kiến bạn đọc