“Sẽ còn động đất ở thủy điện sông Tranh 2!”

15:33, 18/09/2012
|

(VnMedia)“Động đất trong thời gian tới vẫn có thể xảy ra vì nó chưa có dấu hiệu suy giảm và tần suất vẫn còn nhiều. Độ lớn có thể tương tự hoặc lớn hơn nhưng sẽ không vượt quá 5,5 độ rích te”, ông Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm cảnh báo động đất và sóng thần, Viện Vật lý địa cầu cho VnMedia biết.
 

- Chỉ trong vài tháng trở lại đây, khu vực thủy điện sông Tranh liên tiếp xảy ra động đất. Ông có thể cho biết nguyên nhân do đâu?
 
Nguyên nhân của các trận động đất là do động đất kích thích, tức là do hồ tích nước thủy điện sông Tranh 2 gây ra. Tuy nhiên, để tạo ra động đất kích thích thì ở vùng đó phải có vết nứt gãy, tức là phải có nguồn để phát sinh động đất nên khi tích nước như vậy dẫn đến áp lực của lỗ rỗng lớn, làm cho nước thấm xuống phía dưới, gây ra giảm độ bền chắc của lớp đất đá.
 
Nếu không có hồ chứa nước thì động đất ở khu vực ấy vẫn có thể xảy ra, nhưng sẽ xảy ra muộn hơn. Tuy nhiên, bây giờ do có sự giảm độ bền chắc của đất đá, dẫn đến sự dịch trượt ở trong lớp đứt gẫy và phát sinh ra động đất sớm hơn nên người ta gọi đó là động đất kích thích. Về nguyên tắc, động đất kích thích không bao giờ có độ lớn vượt quá động đất kiến tạo ở khu vực đấy.

 Ảnh minh họa

Các trận động đất đã làm sườn bên trái của thủy điện sông Tranh 2 bị sạt lở. Ảnh: Vne

 
- Những năm trước đây, khu vực thủy điện sông Tranh rất ít khi xảy ra động đất, nhưng kể từ khi thủy điện này bị rò rỉ nước đến nay, đã có hơn 10 trận động đất xảy ra. Có ý kiến lo ngại rằng, việc xây dựng công trình thủy điện ở đây là nguyên nhân chính, ông nói sao về điều này?.
 
Điều đó không đúng. Trước đó khu vực này đã xảy ra động đất rồi. Thực ra khi thủy điện tích nước vào tháng 11/2010 thì khoảng tháng 3/2012 người dân đã nghe thấy tiếng nổ và rung động nhẹ, nhưng người ta không biết là động đất và cho là nổ mìn.
 
Chỉ đến khi xảy ra hai trận động đất lớn có biên độ 3,4 độ rích te, người ta mới xác định chính xác việc gây ra tiếng nổ và rung động từ trước đó là do động đất gây ra.

Ngay khi đó, Viện Vật lý địa cầu đã vào cuộc và vào tận nơi điều tra, khảo sát. Dựa vào số liệu quan trắc được, chúng tôi khẳng định, đó là những trận động đất kích thích ở khu vực thủy điện sông Tranh 2.
 
- Ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của các trận động đất này với người dân sống ở khu vực đó khi mà trận sau thường lớn hơn trước?.
 
(Cười)… Thực ra có nguy hiểm do động đất gây ra hay không thì ngay sau khi xảy ra động đất, Viện Vật lý địa cầu đã vào điều tra và nhận thấy rằng, động đất gây rung động cực đại mới ở cấp 6. Vùng bị rung động mạnh nhất mới gây ra một số nhà bị nứt nhẹ chứ chưa đến mức phá hủy như chấn động mạnh.
 
Bây giờ vùng gây rung động cực đại mới ở cấp 6, vùng chấn động cực đại cũng chỉ kéo dài khoảng 20km và chiều rộng khoảng 10 km, chỉ có một vài địa bàn của một vài xã lân cân thị trấn Bắc Trà My chịu ảnh hưởng nên chưa phải là lớn.
 
Tất nhiên, bây giờ đánh giá trong tương lai động đất có xảy ra nhiều hơn và độ lớn như thế nào thì chúng tôi không dự báo được. Về nguyên tắc động đất không thể dự báo được, cả thế giới đều vậy.
 
Xu thế thì từ tháng 11 năm trước đến tháng 9 năm sau, động đất tăng cường cấp độ cho nên chưa thể đánh giá nó còn tăng đến đâu. Nhưng các nghiên cứu, đánh giá của Viện Vật lý địa cầu thì khẳng định, động đất cực đại ở đây là bằng 5,5 độ rích te. Như vậy, động đất trong tương lai khó vượt quá mức này. Nhưng nếu động đất lớn hơn thì rung động lớn hơn.
 
Vấn đề là với đập thủy điện sông Tranh 2, chúng tôi đã kiến nghị chống được động đất cấp 8. Bây giờ động đất cực đại mới ở cấp 6 nên về nguyên tắc không ảnh hưởng gì đến đập cả. Nếu đập được thiết kế đúng như Viện Vật lý địa cầu kiến nghị thì an toàn và không có vấn đề gì.

 Ảnh minh họa

 Các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu vào khu vực thủy điện sông Tranh tìm nguyên nhân động đất. Ảnh: Vne

 
- Ông đánh giá thế nào về diễn biến của động đất ở khu vực này trong thời gian tới?.
 
Động đất trong thời gian tới vẫn có thể xảy ra vì nó chưa có dấu hiệu suy giảm và tần suất vẫn còn nhiều. Tháng 11/2011 thì có nhiều động đất đến tháng 2, tháng 3/2012 vẫn có động đất. Tháng 5,6,7 và 8 không có trận nào nhưng từ trong tháng 9 này đã có mười mấy trận nên cũng chỉ có thể đoán được xu hướng là tới đây động đất vẫn có thể xảy ra.
 
Còn độ lớn có thể tương tự hoặc lớn hơn. Chỉ có một điều khuyến cáo chung với nhân dân địa phương là trước đây ở vùng này hầu như không có động đất nên người dân không có nhiều kiến thức về động đất. Bây giờ động đất đã xảy ra như vậy, tác động như vậy cũng không nên hoang mang mà trong mọi trường hợp nên bình tĩnh và có những ứng xử hợp lý thì chắc chắn sẽ tránh được những thiệt hại có thể xảy ra.
 
- Hơn 10 trận động đất trong thời gian gần đây đã khiến nhiều nhà dân quanh khu vực thủy điện sông Tranh 2 bị nứt, theo ông có nên tính đến phương án sơ tán người dân?.
 
Theo tôi phương án đó là chưa cần thiết vì việc động đất gây nứt nhà, nứt cửa thì ở khu vực Điện Biên xảy ra rất nhiều. Từ 2001, khi động đất xảy ra ở Điện Biên đã gây đổ rất nhiều nhà cửa, nứt nhưng sau đó người dân vẫn sửa chữa để ở chứ chưa có việc gì ghê gớm cả. Trừ những trường hợp sơ tán dân do ảnh hưởng của sóng thần thì mới nên nghĩ đến phương án đó.
 
Di dân là bài toán hết sức phức tạp, không chỉ về kinh tế mà còn về tâm lý. Cái đó chỉ có thể thực hiện được khi có khẳng định chắc chắn vùng đó bị ảnh hưởng lớn.
 
- Theo ông cần phải xác định chắc chắn ảnh hưởng của vùng bị động đất là lớn thì mới nghĩ đến phương án di dân. Nhưng liệu khi đó có quá muộn?.
 
Không có chuyện đó vì thời gian sắp tới, Viện Vật lý địa cầu sẽ đặt các trạm khoan trắc động đất tại đó nên những xu thế về mặt động đất chắc chắn có thể đánh giá được nên tôi nghĩ là không đến nỗi quá muộn.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!.


Xuân Tùng - (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc