"Chưa bao giờ tôi nghĩ bao nhiêu năm ăn học, hết cấp nọ bằng kia cuối cùng mình lại đi buôn. Nhưng giữa cái thời khắc khó khăn thế này, đây là sự lựa chọn duy nhất mà cuộc sống đẩy đưa cái thân phận thạc sĩ".
Dọn dẹp lại đống đồ đạc và sách vở cũ, Phạm Thùy Như (SN 1984, ở Cầu Giấy, Hà Nội) nhìn lại tấm bằng cử nhân và thạc sĩ trường Sư phạm mà chị từng du học bên Trung Quốc trong mấy năm mà ngao ngán lắc đầu xếp lại vào xó. Từng là đứa con tinh thần, tấm bằng này giờ trở thành nỗi buồn bất tận đối với Như.
Du học là đổi đời
Từng là cựu sinh viên trường Đại học Quốc gia khoa Ngoại ngữ tiếng Trung, do thành tích học hai năm đầu xuất sắc mà năm 2006, tôi đã thi được học bổng liên thông tiếp tục sang trường đại học ở Quảng Tây nghiên cứu học tập chuyên ngành tiếng Trung.
Ngày đầu đặt chân đến nước bạn, tôi nghĩ cơ hội học tập để đổi đời thực sự đến với tôi đây rồi. Du học luôn ấp ủ bao hoài bão tươi sáng dành cho những sinh viên nghèo vượt khó.
Phạm Thùy Như trong ngày nhận bằng thạc sĩ
|
Thời tiết nước bạn lạnh đến khắc nghiệt, có những ngày đông mưa lâm thâm, hễ ra ngoài là hai bàn tay tím tái tê dại, từng ngón tay như muốn rụng rời mất cảm giác vì buốt, nhưng tôi vẫn một mình lụi thụi đội mưa xách cặp lên thư viện của trường ngồi học.
Hai năm qua đi như thế, với môi trường ngoại ngữ bản địa và sự cần cù chịu khó tôi đã rất có tiếng trong cộng đồng người Việt du học tại trường, tôi tiếp tục giành được học bổng thạc sĩ.
Cái ngày được học bổng thạc sĩ tôi gọi điện về thông báo cho gia đình trong niềm hạnh phúc vô bờ, và gia đình cũng chia vui với tôi bằng thông báo về việc nhiều trường thiếu giáo viên và nhiều nơi đang tuyển người biết tiếng Trung rầm rộ, cái ngành của tôi về nước với tấm bằng ngoại chắc chắn đắt giá.
Năm 2008, tôi hoàn thành chương trình thạc sĩ với thành tích xuất sắc. Thầy cô bản địa tin chắc rằng tôi về nước sẽ xin được công việc giảng dạy ở trường danh giá. Trong thời gian chờ nhà trường cấp bằng, về nước, tôi tranh thủ lên mạng tìm hiểu thông tin việc làm, trong lòng tràn trề niềm tin cho một công việc xứng đáng với thành tích đạt được.
Thạc sĩ long đong nhảy việc
Về nước với tấm bằng thạc sĩ ngôn ngữ và văn học Trung Quốc, tôi xác định trước mắt đi làm tạm ở một công ty nào đó, chờ các trường đại học đến đợt tuyển dụng thì nộp hồ sơ.
Đúng như những lời gia đình thông báo, đợt tôi tốt nghiệp Hà Nội có rất nhiều công ty tư nhân cần tuyển dụng tiếng Trung nhưng đó chủ yếu là những công ty theo kiểu gia đình, quy mô nhỏ một giám đốc hai ba nhân viên, muốn tìm người bản địa thông thạo đường phố, tìm hiểu giá cả, kiêm luôn tiếp thị cho mặt hàng họ cần bán.
Tôi thử đi phỏng vấn nhưng họ cơ bản không cần xem bằng cấp, chỉ cần nói và hiểu tiếng Trung là làm được. Xác định mới ra trường cần kiếm tiền chi trả cuộc sống nên tôi cố gắng làm thử vài nơi nhưng vì môi trường tẻ nhạt, mức lương trả lại khá bèo bọt 1-2 triệu/tháng nên làm được một thời gian tôi lại phải xin nghỉ.
Tôi nhớ hồi làm phiên dịch cho công ty chuyển phát nhanh tư nhân liên kết với Trung Quốc, ngoài những thứ cơ bản ra thì động một cái là tôi phải túc trực dịch cho sếp từ cái tăm, đưa sếp đi ăn, đi siêu thị, bạn sếp đến Việt Nam tôi phải lấy xe máy riêng đưa đi thuê nhà.
Các trường đại học dường như cũng từ chối tôi khi thông tin tuyển giáo viên cứ bặt vô âm tín, số lượng tuyển ít, người đăng ký thì nhiều. Tôi hỏi thì người quen nói họ có sắp xếp người nhà trước rồi, không thân quen khó vào lắm.
Đại học không được, tôi hạ mục tiêu chuyển hướng sang tìm các trường cao đẳng, nhưng kết quả cũng không khả quan, nếu có thì cũng chỉ là vùng sâu, vùng xa. Về nước hơn 1 năm, tôi vẫn không tìm được một công việc ổn định.
Gần như rơi vào ngõ cụt, tôi vác thân đi dạy ở trung tâm ngoại ngữ. Học sinh trên lớp chỉ cần biết đủ để có thể nghe hiểu, nói bập bẹ tiếng Trung, không mấy ai quan tâm tới sự nhiệt huyết, cầu thị.
Bao năm đèn sách ở nước ngoài, thành tích sáng sủa cùng kiến thức của tôi ngày mai một theo hai giờ mỗi tối dạy ở trung tâm. Nhiệt huyết và sự tự tin của tôi ngày càng xuống dốc, chán chường và thất vọng nhưng tôi vẫn cố phải đeo bám công việc vì miếng cơm manh áo.
Có thời điểm, tôi tự nhốt mình ở nhà gần một tháng vì chán nản. Xe hết xăng mà tôi không dám ngửa tay xin bố mẹ một hào, phải cuốc bộ đi nộp hồ sơ.
Hàng xóm, bạn bè người này người nọ rỉ tai bố mẹ tôi, cạnh khóe con cái họ chẳng cần thạc sĩ, chẳng cần du học mà nơi nào cũng săn đón, lương tính bằng nghìn đô, còn tôi ba cọc ba đồng mà dăm bảy công ty chưa xong.
Đóng cửa ở nhà cũng không yên, tôi lại vác xe ra đường xin đi dạy ở công ty xuất khẩu lao động. Mọi ước mơ đổi đời của tôi chìm nghỉm, tắt lịm hẳn theo bài giảng cho những phụ nữ nông thôn ở đây.
Đơn giản tôi cũng chỉ dạy cho họ biết chào hỏi vài ba câu khi đi lao động ở Đài Loan. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền khiến tôi dần dần không còn hoài bão với tấm bằng thạc sĩ nữa.
Có lúc tôi xin làm phục vụ ở nhà hàng hoặc dọn phòng cho khách sạn cần tiếng Trung, miễn sao có tiền và không phải ngồi nhà.
Thạc sĩ làm con buôn
Lên mạng tham khảo tôi quyết định xin làm cộng tác viên biên dịch tài liệu cho mấy công ty để kiếm tiền sinh nhai. Với trình độ của tôi, các công ty biên dịch đều nhận nhưng lương cộng tác dịch rất thấp, trong khi số lượng tài liệu dịch lại nhiều.
Ở nhà dịch tài liệu một tháng nhiều lắm tôi chỉ được một triệu nhưng thấy kiến thức còn được sử dụng, có vài ba đồng đổ xăng tôi cảm thấy không đến nỗi khổ nhục như khoảng thời gian vô công rồi nghề trước kia.
Tôi hầu như không gặp gỡ giao lưu bạn bè do tự ti, xấu hổ vì bạn bè đứa nào cũng công việc ổn định chỉ mình tôi vẫn còn long đong.
Ngót nghét gần ba mươi mà mọi thứ đều chững lại, trong tâm trí tôi dần quên đi tấm bằng thạc sĩ. Thấy bạn bè vài người bán đồ lót qua mạng có vẻ khá khẩm, tôi bắt đầu tham gia tìm mối rồi lần mò lên chợ Đồng Xuân chọn từng bộ bikini về rao bán.
Tuy tiền kiếm không nhiều, chủ yếu nhặt nhạnh vài nghìn một sản phẩm nhưng khá đều đặn và tôi có phần rủng rỉnh hơn trước.
Phần lớn mặt hàng bán có nguồn gốc từ Trung Quốc cho nên tôi lại nhen nhóm ý định ki cóp tiền sang Trung Quốc tìm nguồn hàng độc đáo nhập về bán.
Chưa bao giờ tôi nghĩ bao nhiêu năm ăn học, hết cấp nọ bằng kia cuối cùng mình lại đi buôn. Nhưng giữa cái thời khắc khó khăn thế này, đây là sự lựa chọn duy nhất mà cuộc sống đẩy đưa cái thân phận thạc sĩ.
Nhìn cái bằng xếp xó, tôi thấy vô vọng. Liệu còn cơ hội nào cho cái bằng thạc sĩ của tôi?
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Ý kiến bạn đọc