Hà Nội sẽ có trực thăng chữa cháy, cứu hộ

06:54, 12/09/2012
|

(VnMedia) - Bộ Công An đã giao cho Sở PCCC nghiên cứu, lập dự án mua trực thăng cứu hộ để dùng trong những trường hợp chữa cháy và công tác cứu nạn khác…

 

Chiều nay (11/9), tại Hội nghị giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, trả lời câu hỏi của PV VnMedia về việc mua máy bay cứu hỏa, ông Hoàng Quốc Định, PGĐ Sở Phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho biết, Bộ Công an đã giao Sở nghiên cứu dự án này.

 

Ngay sau khi xảy ra vụ cháy ở tòa nhà của EVN, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo đã họp rút kinh nghiệm và đặt ra yêu cầu nghiên cứu sử dụng phương tiện máy bay để cứu nạn cứu hộ. Chúng tôi ngay lập tức đã tích cực báo cáo Bộ Công an nghiên cứu, triển khai dự án.” – ông Định cho biết.

 

Tuy nhiên, ông Định cũng chia sẻ, mặc dù hiện Sở đã và đang nghiên cứu ứng dụng nhưng thực tiễn không đơn giản. “Vấn đề kinh phí để mua máy bay không phải quá lớn và quá khó, nhưng nan giải nhất chính là việc nghiên cứu sử dụng, vận hành, kết hợp với các phương tiện, điều kiện cứu hộ phòng cháy chữa cháy khác như sân bãi tập kết… Ngoài ra, vì máy bay không sử dụng thường xuyên nên cần phải bảo dưỡng, duy trì, mà các lực lượng này chưa được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ. Việc này cần phải có thời gian chứ không thể một sớm một chiều. Trong tình hình hiện nay, Bộ Công An đã giao cho lực lượng chức năng nghiên cứu triển khai để có bước đi và lộ trình thích hợp” – ông Định nói.

 

Theo ông Định, trước mắt, một mặt tiếp tục nghiên cứu dự án mua máy bay cứu hộ, một mặt vẫn phải tăng cường các giải pháp PCCC tại chỗ như báo cháy, chữa cháy tự động, hướng dẫn cho người dân biết và vận dụng các biện pháp an toàn chữa cháy, thoát hiểm…


 Ảnh minh họa

Bộ Công an đã giao lực lượng chức năng nghiên cứu việc mua và sử dụng máy bay trực thăng trong công tác cứu hỏa - ảnh minh họa

 

Liên quan đến vụ cháy tại khu nhà gỗ C8 phường Chương Dương, tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, tính cho đến sáng nay (11/9), đã có 42 hộ dân nhận nhà tạm cư, trong đó 36 hộ đã ăn ở ổn định. “Nhiều người dân đã có ý kiến đề nghị được chuyển từ tạm cư sang thành định cư lâu dài. Đề nghị này đã được Thành phố xem xét và chấp thuận về mặt chủ trương.” – ông Hoa cho biết.

Trong khi đó, liên quan đến vụ cháy tại nhà số 13 tập thể Học viện Quân y tại ngõ 117 Vọng Hà năm 2007, ông Hoa cho biết, đây là căn nhà gỗ 2 tầng thuộc sở hữu nhà nước. Hiện Công ty QL&PT nhà Hà Nội đang quản lý và cho các hộ dân thuê. Khi xảy ra cháy có 25 hộ sinh sống.

 

Theo phương án bố trí tạm cư, đã có 6 hộ gia đình đến nơi ở mới tại ngõ 67 phường Đức Giang, quận Long Biên và 19 hộ còn lại đã nhận tiền hỗ trợ để tự lo chỗ ăn ở tạm thời. Hiện nay, 19 hộ này đang gặp khó khăn về chỗ ở nên có nguyện vọng đề nghị Thành phố sớm bố trí để tái định cư tại chỗ hoặc ở nơi khác.

 

Ngày 29/8 vừa qua, Thành phố đã giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận khẩn trương kiểm tra, đề xuất, bố trí sắp xếp quỹ nhà tái định cư cho các hộ gia đình đang ở các nhà gỗ 2 tầng còn lại tại phường Chương Dương để UBND quận tổ chức di rời ra khỏi các nhà nguy hiểm.

 

Vụ cháy, người chết đều tăng

 

Thông tin tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở PCCC Hà Nội Nguyễn Quốc Định cho biết, từ ngày 1/1/2012 đến hết tháng 8/2012, trên địa bàn Thành phố xảy ra 157 vụ cháy và 2 vụ nổ, làm 6 người chết và 24 người bị thương. Thiệt hại vật chất ước tính trên 40 tỷ đồng.

 

So với cùng thời điểm của năm 2011 thì số vụ cháy tăng thêm 4 vụ, tăng 1 người chết và 10 người bị thương. Tài sản thiệt hại cũng tăng 15 tỷ đồng” – ông Định thông báo. Tổng kết cho thấy, số vụ cháy xảy ra nhiều nhất thuộc Quận Cầu Giấy, chiếm tới 58,49%. “Quận Cầu Giấy hiện đang có tốc độ đô thị hóa quá nhanh nên tình hình cháy nổ cũng phức tạp – ông Định giải thích.

 

Về nguyên nhân của các vụ cháy, ông Định cho biết, phần lớn vẫn là do điện (chiếm trung bình trên 45%, có thời điểm lên tới 60-70%), trong đó chủ yếu là do chập điện. Nguyên nhân lớn thứ hai là do sử dụng lửa, có vụ cố tình đốt, nhiều vụ do thắp hương nến thờ cúng…

 

Đối với công tác phòng, chữa cháy tại Hà Nội, theo ông Định, hiện vẫn còn nhiều sơ hở. Đặc biệt, tại một số địa bàn, khu vực, nhất là các địa bàn phố cổ, khu vực ở xa trung tâm, trong các ngõ, ngách… còn nhiều bất cập như: tình trạng đường khu vực, làng xã còn bục, bệ, barie, rào chắn cản trở hoạt động của xe chữa cháy, cứu thương… Thành phố cũng còn tới trên 1.278 ngõ sâu trên 200m với đường vào nhỏ, chật hẹp, phương tiện chữa cháy không vào được. Cá biệt có nơi cách xa đơn vị chữa cháy tới… 70km.

 

Về nhân lực, so với ngày mới thành lập Sở PCCC cách đây 1 năm, hiện đã tăng gấp đôi (1451 cán bộ, chiến sĩ), nhưng vẫn còn thiếu. Thêm vào đó, công tác tuyển lực lượng gặp khó khăn do ngành này thiếu sức hấp dẫn đối với lực lượng thanh niên nghĩa vụ.

 

Để khắc phục những tồn tại, bất cập, trong thời gian tới, ngoài việc tích cực tuyên truyền đến người dân, Sở sẽ tập trung kiểm tra công tác PCCC theo các chuyên đề: PCCC nhà cao tầng, chợ - trung tâm thương mại; cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, kho xwongr sản xuất lớn, các ngân hàng – tín dụng, gara ô tô…

 

Đặc biệt, Sở PCCC sẽ lập dự án báo cáo Bộ Công an và UBND Thành phố đầu tư xây dựng hệ thống Trung tâm chỉ huy điều hành PCCC, cứu nạn cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Thủ đô; lập dự án thực hiện kết nối hệ thống truyền hình trực tuyến với Bộ Công an; dự án báo cáo UBND Thành phố đầu tư xây dựng trang Web của Sở Cảnh sát PCCC Thành phố…

 

Sở cũng kiến nghị được quan tâm bổ sung biên chế, nhất là cán bộ có nghiệp vụ về PCCC, cứu nạn, cứu hộ…


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc