Dự án Luật Hộ tịch: Mỗi người dân một mã số

19:10, 13/09/2012
|

Sáng 13/9, UBTVQH thảo luận dự án Luật Hộ tịch, do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thay mặt Chính phủ trình.

 

Ý tưởng mang tính cải cách

 

Ý tưởng loại bỏ các giấy tờ gắn liền với nhân thân của mỗi người như (giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử, giám hộ, nhận cha mẹ nuôi, xác định lại dân tộc, giới tính,…) và việc cấp một mã số định danh cho mỗi người (căn cứ vào con số này có thể biết tất cả các sự kiện trong đời của họ) trong dự thảo Luật được các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá cao và cho rằng, điều này có tính cải cách.

 

Theo đó, Nhà nước sẽ chỉ thiết lập một loại sổ gọi là Sổ hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch - nơi công dân đăng ký khai sinh (do UBDN cấp xã, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp quản lý). Ngoài ra để tạo thuận tiện cho người dân (không cư trú tại nơi đăng ký khai sinh), dự Luật quy định các sự kiện hộ tịch phát sinh sau khi đăng ký khai sinh (như kết hôn, ly hôn,…) không bắt buộc phải đăng ký tại nơi quản lý Sổ hộ tịch, mà người dân có thể yêu cầu đăng ký tại nơi cư trú của mình.

 

Công dân được giữ một Sổ hộ tịch cá nhân, được cấp khi đăng ký khai sinh theo quy định của dự luật này, có nội dung trùng khớp với Sổ bộ hộ tịch. Khi cần chứng minh tình trạng hộ tịch của mình người dân chỉ cần xuất trình Sổ hộ tịch cá nhân.

 

Theo đánh giá của Chính phủ, việc đổi mới 2 loại sổ hộ tịch như trên và cải tiến phương thức đăng ký hộ tịch sẽ góp phần quan trọng khắc phục tình trạng tản mát dữ liệu hộ tịch, là tiền đề hình thành cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, công dân có yêu cầu khai thác sử dụng.

 

Tiếp tục nghiên cứu để nêu lộ trình thực hiện đề án

 

Mặc dù đánh giá nếu làm được như vậy là rất tốt, tạo thuận lợi cho người dân nhưng các ý kiến của các ủy viên UBTVQH chưa đồng tình với quy định “nơi quản lý Sổ hộ tịch”. Trong trường hợp cá nhân thay đổi nơi cư trú mà có phát sinh, thay đổi sự kiện hộ tịch thì lại phải chuyển dữ liệu phát sinh, thay đổi đó về nơi đăng ký khai sinh để bổ sung, điều chỉnh trong Sổ hộ tịch là rất khó bảm đảm tính khả thi, kịp thời và chính xác.

 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu trường hợp người sinh ra trên máy bay thuộc không phận nước khác thì việc cấp Sổ hộ tịch khó thực hiện. Còn Ủy ban Tư pháp thì cho rằng UBND cấp xã, nơi cá nhân đăng ký thường trú giữ Sổ hộ tịch thì việc điều chỉnh thông tin trong Sổ hộ tịch mới kịp thời, đầy đủ và chính xác.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng một số thành viên khác lại đòi hỏi cao hơn khi khái quát rằng, cơ quan soạn thảo phải hình dung nếu lập Sổ hộ tịch cá nhân thì Sổ này sẽ thay thế được bao nhiêu loại giấy tờ (khai sinh, kết hôn, chứng tử...).

 

Các ý kiến đều cho rằng xây dựng Luật Hộ tịch quan trọng nhất là xuất phát từ lợi ích phục vụ nhân dân chứ không phải là từ việc quản lý chặt chẽ, thuận lợi hơn. Ông Ksor Phước đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần nhìn nhận cả các luật khác và nếu thấy không phù hợp thì bãi bỏ để cuối cùng công dân chỉ cần có 1 cuốn sổ.

 

Về việc làm hai loại sổ trên và việc cấp mã số định danh cá nhân, các ý kiến cho rằng nếu đã làm thì phải làm cho tất cả 87 triệu dân để đồng bộ. Một số ý kiến cho rằng cơ quan thực hiện cũng phải xác định 5- 10 năm sau sẽ hoàn thành việc cấp các loại sổ này.

 

Các ủy viên UBTVQH là ông Phan Xuân Dũng và ông Đào Trọng Thi lo ngại việc hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam hiện nay chưa thể đảm bảo cho việc tích hợp và ứng dụng từ các thông tin hộ tịch của cá nhân.

 

Khi chưa chín muồi để thực hiện dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện và Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cần hoàn thiện một bước việc ban hành, quản lý những giấy tờ hiện hành để làm cơ sở cho những đổi mới nói trên.

 

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết đây là dự án Luật mà Bộ rất trăn trở để thực hiện trong nhiều năm qua.

 

Ông Hà Hùng Cương và ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị chưa đưa dự án Luật này ra kỳ họp thứ 4 của Quốc hội để dành thời gian cho việc xây dựng chiến lược chung và một đề án vạch rõ lộ trình thực hiện.


(chinhphu.vn)

Ý kiến bạn đọc