Với tin đồn đỉa trong sữa, công an xã Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội đã có động thái tích cực khi vào cuộc cùng y tế xã để giải quyết. Các chuyên gia cũng phân tích liệu có đỉa trong sữa đặc?
Chính quyền khẳng định: không phải đỉa trong sữa
Trước tin đồn rộ cả trên mạng lẫn trong nhân dân rằng ông Nguyễn Thế Quang, thôn Thanh Hà, Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội uống phải sữa có đỉa, con ông Quang là Nguyễn Văn Tài cho biết hộp sữa này mua từ một cửa hàng của người quen trong xóm. Dù đã được cất trong tủ lạnh nhưng hôm sau đã xuất hiện sinh vật lạ nghi là đỉa.
Trao đổi với phóng viên, anh Trần Minh Chiến, công an viên thôn Thanh Hà, Nam Sơn, Sóc Sơn cho biết: Theo tìm hiểu của công an, con vật bò trong sữa nhà ông Quang không phải đỉa mà là ấu trùng do bảo quản không tốt nên mới như vậy.
Còn trưởng công an xã Nam Sơn, ông Nguyễn Thành Đồng cho biết: ngày 14/9 chúng tôi đã lập tức xuống nhà ông Nguyễn Thế Quang. Đoàn làm việc có cả Trung tâm y tế huyện. Theo quan sát của chúng tôi, nắp hộp sữa đã được mở gần hết, có vài sinh vật trong đó.
“Chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra địa điểm bán sữa cho nhà ông Quang là nhà ông Vũ Bá Hán. Lô sữa có hộp sữa bán cho nhà ông Quang còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm”. Về lý do xuất hiện sinh vật nghi là đỉa, ông Đồng khẳng định do nhà ông Quang mua về nhưng bảo quản không tốt nên ruồi bọ đẻ vào chứ không có chuyện đó là con đỉa và cũng không phải do sữa.
Chuyên gia: Đỉa không thể sống trong sữa đặc
Theo ông Bùi Quốc Đạt, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật, viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Quy Nhơn thì sinh vật bò trong sữa có thể là ấu trùng. Tuy nhiên, để biết rõ đó là ấu trùng của con gì (ruồi, bọ cánh cứng… ) thì phải xem xét kỹ. Vì ở giai đoạn ấu trùng, nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt đó là ấu trùng của ruồi hay của bọ cánh cứng cụ thể nào.
Với trường hợp sữa nếu không được bảo quản tốt thì có khả năng ruồi hoặc bọ cánh cứng bâu vào và đẻ trứng trong sữa rất dễ xảy ra.
Ruồi hoặc bọ cánh cứng đẻ ra trứng ở trong môi trường sữa có thể phát triển thành ấu trùng, rồi thành nhộng có lớp vỏ bao ngoài, tiếp đến sẽ phát triển thành cơ thể trưởng thành. Bản thân ruồi cũng có nhiều loại nhưng phổ biến là loại ruồi nhà. Ruồi này đẻ ra trứng và chỉ cần 2 – 3 ngày, trứng có thể nở thành ấu trùng rất nhanh.
Còn ThS. BS Huỳnh Hồng Quang, Trưởng khoa nghiên cứu lâm sàng và điều trị bệnh nhiệt đới (Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn) cho rằng đỉa có sẵn trong hộp sữa thì không thể vì đỉa không thể sống trong môi trường có độ ngọt đậm đặc và kín như vậy. Hơn nữa, theo anh Nguyễn Văn Tài, con ông Nguyễn Thế Quang, sinh vật này có màu trắng đục. BS Quang khẳng định: Đỉa không thể có màu trắng đục và đây có thể là ấu trùng.
Ý kiến bạn đọc