(VnMedia)- Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 155/2012/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí chứng minh nhân dân mới.
>> Bộ Công an đề nghị phối hợp làm chứng minh thư mẫu mới
Thông tư này quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí Chứng minh nhân dân mới theo quy định tại Quyết định số 446/QĐ-TTg ngày 11/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Mức phí này được áp dụng cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp mới, cấp đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân mới, phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.
Theo đó, mức phí đối với các trường hợp thu nhận ảnh trực tiếp (ảnh thu qua camera) là 30.000 đồng cấp mới, 50.000 đồng cấp đổi và 70.000 đồng cấp lại. Các trường hợp thu nhận ảnh gián tiếp (chưa tính tiền chụp ảnh) thì mức phí thấp hơn 10.000 đồng so với các trường hợp trên. Cụ thể, cấp mới là 20.000 đồng, cấp đổi là 40.000 đồng và cấp lại là 60.000 đồng.
Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí Chứng minh nhân dân mới bằng 50% mức thu quy định tại Điều này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng phải nộp tiền khi làm chứng minh thư nhân dân theo mẫu mới mà có một số ngoại lệ nhất định. Theo quy định, các trường hợp không phải nộp lệ phí gồm: Công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Uỷ ban dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;
Công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; Trường hợp cấp đổi Chứng minh nhân dân mới do Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính.
Thu phí làm chứng minh thư nhân dân mới để làm gì?
Theo quy định, lệ phí Chứng minh nhân dân mới là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý và sử dụng như sau:
Thứ nhất là cơ quan thu lệ phí là cơ quan cấp Chứng minh nhân dân mới được trích để lại 30% số tiền lệ phí thu được để chi cho công việc thu lệ phí theo quy định. Số tiền trích để lại cho cơ quan thu lệ phí được xác định là 100% và phân bổ: Cơ quan thu lệ phí được trích 85% phục vụ công tác cấp, quản lý và thu lệ phí Chứng minh nhân dân mới; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trực thuộc Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội được trích 15% để phục vụ việc quản trị, vận hành hệ thống các trung tâm dữ liệu Chứng minh nhân dân mới.
Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an quận, huyện trực thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý tính toán số tiền được trích để lại và tỷ lệ trích chuyển quy định tại Thông tư này, lập giấy uỷ nhiệm chi từ tài khoản tạm giữ tiền lệ phí để chuyển tiền cho đơn vị thụ hưởng. Kho bạc nhà nước căn cứ giấy uỷ nhiệm chi chuyển tiền về tài khoản tiền gửi của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trực thuộc Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội.
Số tiền còn lại 70% cơ quan thu lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành. Việc quản lý, sử dụng số tiền này để thực hiện Dự án “sản xuất, cấp và quản lý Chứng minh nhân dân” thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Mức phí này sẽ được áp dụng từ ngày 5/11/2012.
Ý kiến bạn đọc