(VnMedia) - Phát biểu trong hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tại Ban TVTU Bình Phước, đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh lưu ý, cần tập trung hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, lắng nghe nhiều hơn dư luận xã hội...
Ngày 10/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (TVTU) Đồng Nai tổ chức hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân Ban TVTU theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI )“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Đình Thành, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ, trước khi tiến hành chính thức việc kiểm điểm này, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Bộ phận thường trực của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, gồm 6 đồng chí, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng Bộ phận.
Ban thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ việc lấy ý kiến của các tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của tập thể, cá nhân Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời, đã xây dựng đề cương kiểm điểm của tập thể và từng Ủy viên Ban thường vụ. Trong đó, đề cương kiểm điểm tập thể Ban thường vụ đã được Ban thường vụ và Bộ phận thường trực thảo luận 5 lần và được gửi lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân.
Theo đó, tính đến cuối tháng 8 đã có 6 tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan Trung ương; 37 cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh và 46 đồng chí nguyên là Tỉnh ủy viên các khóa, giám đốc các sở, ngành và tương đương đã nghỉ hưu (không phải là Tỉnh ủy viên) gửi văn bản góp ý cho tập thể và cá nhân Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy. Ngoài ra, có 24 chi ủy chi bộ nơi công tác và nơi cư trú gửi phiếu góp ý cho cá nhân Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân nêu trên và những nội dung trong Nghị quyết Trung ương 4, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ được tập trung đánh giá một cách khách quan, toàn diện cả về mặt ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và những nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm về công tác xây dựng Đảng theo 3 nội dung của nghị quyết.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy còn cho biết, việc kiểm điểm lần này của tập thể và cá nhân Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy với tinh thần khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, không nể nang, né tránh, nhất là đối với những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Riêng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy còn tự đề nghị với Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh được kiểm điểm trước Tỉnh ủy sau khi đã kiểm điểm xong phần cá nhân trước tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy để được thêm những ý kiến góp ý của Tỉnh ủy. Đồng chí nhấn mạnh, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu sắc, quan trọng của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Do đó, việc kiểm điểm phải chu đáo, chặt chẽ, khoa học, nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó. Tuy nhiên, không được lợi dụng kiểm điểm để nói xấu, thổi phồng khuyết điểm, hạ uy tín đồng chí mình với động cơ không trong sáng.
Theo đó, việc tiến hành kiểm điểm này được diễn ra làm 3 đợt, đợt 1: từ ngày 10 đến 12-9, kiểm điểm tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy; đợt 2: từ ngày 17 đến 19-9, kiểm điểm đồng chí Bí thư và các Phó bí thư Tỉnh ủy; đợt 3: từ ngày 24 đến 28-9, kiểm điểm các Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân Ban TVTU Đồng Nai |
Cùng ngày 10/9, Ban thường Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã tổng kết công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI về xây dựng Đảng sau 5 ngày làm việc.
Phát biểu nhận xét tại buổi kết thúc hội nghị, thay mặt Tổ công tác của Trung ương, đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao công tác chuẩn bị cho hội nghị kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết TW4 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh lưu ý Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước 5 vấn đề:
Thứ nhất là, quan tâm lãnh đạo, xử lý một cách hài hòa, phù hợp các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng… theo điều kiện cụ thể của Bình Phước; tập trung hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; lắng nghe nhiều hơn dư luận xã hội.
Thứ hai là, tiếp tục giữ vững, vận dụng linh hoạt nguyên tắc tập trung dân chủ cơ sở; tăng cường tính hiệu quả của bộ máy nhà nước, khắc phục sự chồng chéo, buông lỏng trong quản lý, điều hành.
Thứ ba là, tập trung hơn nữa cho công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ… Trong công tác quy hoạch cán bộ phải bảo đảm yêu cầu tăng về số trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số.
Thứ tư là, có giải pháp hữu hiệu trong việc giải quyết các vụ việc tồn đọng kéo dài như việc khiếu kiện đông người, các dự án Quốc lộ 13, 14…, thực hiện nghiêm kết luận 78 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương…, hạn chế thấp nhất đảng viên vi phạm 19 Điều đảng viên không được làm.
Thứ năm là, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nhất là cấp xã, tập trung cho công tác kiểm tra, công tác cán bộ…
Ý kiến bạn đọc