(VnMedia) - Tối 2/9, trong chương trình Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời, Bộ Trưởng Hà Hùng Cường trao đổi một số nội dung xung quanh vấn đề xây dựng pháp luật và thi hành án dân sự.
>>Ngừng cấp mẫu chứng minh thư có ghi tên cha mẹ
- Thưa Bộ trưởng, trong thời gian vừa qua, nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để có thể điều chỉnh kịp thời các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, một số văn bản pháp luật được ban hành nhưng tính khả thi chưa cao, được dư luận xã hội quan tâm và phản ánh. Ví dụ như tính khả thi của những quy định như thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ sau khi giết mổ, hoặc về nội dung không hợp lý của việc cấp giấy chứng minh nhân dân theo mẫu mới có hiệu lực từ ngày 1/7 là yêu cầu bắt buộc phải có cả tên cha và mẹ của người được cấp. Bộ trưởng nghĩ gì về vấn đề này và về công tác soạn thảo văn bản pháp luật?
Trong những năm gần đây, công tác xây dựng pháp luật đã có nhiều kết quả tích cực, tốc độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở đất nước ta, từ luật Quốc hội đến thông tư của các Bộ được Thế giới khâm phục, bởi trong nhiều năm trước đây, chúng ta đã không tập trung nhiều vào việc xây dựng pháp luật.
Tuy nhiên, trong công tác xây dựng pháp luật, tính khả thi của văn bản, tính hợp lý của một số nội dung vẫn còn những chuyện như trên.
Về nguyên nhân khách quan, thứ nhất do hiện nay nhu cầu xây dựng pháp luật quá lớn, đòi hỏi các cơ quan phải thực hiện theo đúng tiến độ. Thứ hai là do chúng ta đang thực hiện chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có cái đã ổn định, có cái đang trong quá trình hình thành; Có những dự báo trúng, nhưng có những dự báo chưa hoàn toàn chính xác cho tương lai. Thứ ba, chúng ta mong muốn tốt hơn, nhưng khả năng đáp ứng của kinh tế xã hội, trình độ hiểu biết, trình độ thực thi pháp luật của chúng ta còn có điều này điều khác. Mong muốn đó là tốt, nhưng đi vào thực tế lại thiếu tính khả thi.
Về chủ quan, nguyên nhân lớn nhất là do nhận thức chưa đồng bộ. Thứ hai là do các cơ quan tham mưu pháp chế của các Bộ ngành chưa được kiện toàn đồng bộ, có những Bộ hiện nay vụ Pháp chế còn mỏng. Người làm pháp chế có khi chỉ hiểu biết pháp luật, nhưng pháp luật lại đi vào kinh tế, kỹ thuật, xã hội… Tôi cho rằng, quá trình xây dựng các văn bản pháp luật như vậy có thể chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về quy trình xây dựng pháp luật, lấy ý kiến của nhân dân, ý kiến của những người bị tác động, ý kiến của xã hội…
- Vậy thì theo Bộ trưởng, chúng ta cần có giải pháp gì để nâng cao tính khả thi?
Giải pháp thì có nhiều. Đầu tiên là nhận thức của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó. Thủ tướng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh, trong Nghị định của Chính phủ cũng quy định rằng Bộ trưởng, người đứng đầu, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ phải chịu trách nhiệm về thể chế. Vấn đề thứ hai là phải kiện toàn một cách đầy đủ tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành, và Nghị định 55 của Chính phủ (năm 2010) đã quy định rất rõ là: tổ chức pháp chế của các Bộ ngành phải như thế nào, yêu cầu ra làm sao. Thứ ba, là phải thực hiện thật nghiêm quy trình xây dựng pháp luật mà Luật và Nghị định của Chính phủ đã quy định: đăng lên website để lấy ý kiến, thu thập ý kiến của người dân, lấy ý kiến các đối tượng bị tác động và quan trọng nhất là tiếp thu như thế nào.
Tôi lấy ví dụ thông tư về cấm bán thịt sau 8 tiếng. Mong muốn là rất tốt vì chúng ta có luật về an toàn thực phẩm, có Nghị định của Chính phủ, bây giờ phải hướng dẫn cụ thể như thế nào để đảm bảo sức khỏe cho người dân, cho người tiêu dùng. Mong muốn đó là quá tốt đẹp. Nhưng làm thế nào để kiểm soát được 8 tiếng đồng hồ, rồi xử lý như thế nào những sai phạm… thì còn những điều chưa khả thi.
Về lâu dài, tôi nghĩ là sẽ có những giải pháp căn cơ. Ví dụ như ở các nước, thông tư của các Bộ ban hành đòi hỏi một Bộ khác (Bộ Tư pháp) thẩm định, còn chúng ta hiện nay chưa quy định như vậy. Hiện nay thông tư chỉ có vụ pháp chế của Bộ đó thẩm định. Điều căn cơ nữa là phải hạn chế ban hành thông tư. Cùng với đó, hiện chúng ta đang tiến hành trao đổi trong nghiên cứu sửa đổi bổ sung hiến pháp, làm sao giao vai trò cho tòa án tối cao, qua đó xây dựng án lệ. Từ án lệ sẽ giải quyết những vấn đề chi tiết của thực tiễn.
Riêng Thông tư của Bộ Công an về chứng minh nhân dân là hoàn toàn có cơ sở pháp lý, vì đã có 2 Nghị định của Chính phủ quy định nội dung đó, ban hành từ năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2007. Đến nay, Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định của Chính phủ thì đương nhiên phải chấp hành nội dung mà Chính phủ quy định. Đối với Bộ Tư pháp, qua việc này phải rút kinh nghiệm trong thẩm định, cái gì cần thiết, cái gì không cần thiết, ví dụ họ tên cha mẹ ghi vào chứng minh nhân dân có cần thiết không, và nhất là những trường hợp nhạy cảm.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Ý kiến bạn đọc