(VnMedia) - Ra Cù Lao Chàm, ăn con ốc nón, uống bát canh rau rừng, ngồi dưới rặng dừa ngắm nước xanh biếc và cát trắng, biển đảo quê hương mênh mông khiến lòng người bỗng nao nao...
Đến Hội An đã nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi quyết định ra thăm Cù Lao Chàm. Mặc dù vẫn cái tính sợ nước, luôn bị ngợp trước sự mênh mông của biển cả, nhưng lần này, có cái gì đó cứ thôi thúc tôi phải đến được hòn đảo, nơi đầu sóng ngọn gió của cái thành phố nhỏ bé đáng yêu này.
Buổi chiều hôm trước khi ra đảo, tranh thủ truyện trò với tôi giữa hai cuộc họp, ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch Thành phố Hội An cho biết, Cù Lao Chàm là vị trí tiền tiêu của cả tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng nên lãnh đạo Thành phố rất quan tâm. Từ việc hỗ trợ giá điện cho đến xây nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn; kinh doanh không phải nộp thuế ; đưa hàng bình ổn giá ra đảo... Đặc biệt, Thành phố đã cho người dân vay vốn để đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ.
Tuy nhiên, ông Bay cũng cho biết, hiện người dân đảo vẫn còn nhiều khó khăn. Điện một ngày chỉ có 1 tiếng buổi trưa và 3 tiếng buổi tối vì chưa có điện lưới. "Kinh phí đầu tư cho đường cáp điện chạy ngầm dưới biển ra đảo rất lớn, chắc phải lên đến gần 1000 tỷ, vì vậy, chúng tôi đang nghiên cứu thay thế điện gió, năng lượng mặt trời" - ông Bay chia sẻ.
Lúc chuẩn bị xuống tàu, thấy cô bạn tôi tay xách chiếc túi nilông đựng mấy đồ lặt vặt, một người đàn ông đã lớn tuổi, dáng người nhỏ thó, tập tễnh chạy đi lấy chiếc túi giấy đưa cho cô và nói: "Hãy dùng cái này. Lên đảo, người ta không dùng túi nilông".
Nhìn ông, tôi ngạc nhiên khi biết đây chính là người sẽ dẫn chúng tôi ra đảo. Nhưng cái e dè ban đầu đã tan đi nhanh chóng khi chúng tôi chứng kiến ông rất mạnh mẽ và chuyên nghiệp đưa tay đỡ từng người đưa xuống tàu, với thái độ hết sức thân thiện và vui vẻ.
Đã đi du lịch nhiều nơi, nhưng tôi thực sự ấn tượng với sự nhiệt tình, tâm huyết với biển đảo quê hương của người hướng dẫn viên tuổi ngót nghét 70. Vốn là một giáo viên dạy văn, và bằng cái giọng vừa nằng nặng đặc trưng của Quảng Nam, vừa nhỏ nhẹ dễ thương của người miền Trung, người hướng dẫn viên (sau đó cứ dặn đi dặn lại tôi là không được đưa tên ông vào bài viết) đã khiến cho đoàn du khách chúng tôi cảm nhận thật rõ nét những điều đặc biệt của Cù Lao Chàm.
Hòn đảo này cách Cửa Đại khoảng 10 hải lý (18km). Đây là một vùng biển có cá ngon nhất Việt Nam nhờ thiên nhiên ưu đãi với đa dạng sinh học, hàng trăm loài rong tảo quý hiếm. Được sông Thu Bồn, dòng sông lớn nhất miền Trung đổ nước ngọt về,
Hướng dẫn viên bảo, sở dĩ người ta gọi là Cù Lao vì đảo này nằm ngay ở cửa sông, nơi được ngọn nước nguồn đổ về. Với tình yêu đặc biệt với hòn đảo này, ông còn ví von : "Công cha mẹ vất vả nuôi ta lớn thàn người cũng gọi là Cù lao, hay chỗ bỏ than của cái lẩu, nơi chịu nóng để làm chín thức ăn cũng vậy. Cù lao là thế..."
Điểm xuất phát đi Cù Lao Chàm là Cửa Đại. "Dân bản xứ thường gọi đây là Cửa Đợi. Cái tên này phù hợp với nghề biển vì phải đợi một con sóng đúng để ra khơi hay về lại; người chồng đi biển qua đêm, vợ ở nhà lòng chẳng yên, sáng hôm sau trên bờ biển có baonhiêu cặp mắt của những bà vợ đau đáu chờ chồng" - người hướng dẫn viên giải thích và còn thêm 2 câu thơ :
Thương thay cái cảnh gieo neo
Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm
Chiếc tàu cao tốc lao nhanh ra biển. Đi trên nước, vậy mà những lúc con tàu chồm lên, xóc xòng xọc khiến người ngồi trên có cảm giác như đang cưỡi ngựa chứ không đang lướt trên mặt biển. Tuy nhiên, không ai có cảm giác sợ hãi mà thay vào là sự thích thú dễ chịu. Không ai bảo ai, người nào cũng đã tự giác khoác vào người chiếc áo phao để đảm bảo an toàn. Hoá ra, đảo cũng không xa đất liền bao nhiêu. Chỉ chưa đầy 30 phút đi tàu, chúng tôi đã bước chân lên hòn đảo với đặc sản Yến sào nổi tiếng là một trong những loại Yến có giá trị nhất thế giới, hơn cả Yến sào Nha Trang.
Quang cảnh ở đây vẫn còn rất hoang sơ, với những căn nhà nằm dưới chân núi, còn phía sau là điệp trùng của màu xanh. Thứ làm tôi chú ý đầu tiên là tấm biển to ghi dòng chữ "Quý khách hãy cùng chúng tôi không sử dụng túi ni lông trên đảo". Đây cũng chính là niềm tự hào của người dân Cù Lao Chàm, khi họ cùng đồng lòng giữ cho môi trường sinh thái của đảo, để xứng với danh hiệu mà Unesco đã trao tặng: khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Trên đường đi thăm quan, chúng tôi gặp một cảnh tượng rất đặc biệt. Một cụ già có lẽ đã ngót nghét trăm tuổi, lưng còng gập đang miệt mài ngồi đan võng trong căn nhà nhỏ cạnh đường. Thì ra đây là cụ bà đã rất nổi tiếng với nghề đan võng bằng sợi ngô đồng. Đúng như cảm nhận của tôi, suốt hơn nửa thế kỷ qua, từ khi chồng gửi thân nơi biển cả, cụ cứ ngồi đó, ngày ngày cần mẫn đan từng mắt võng, gửi cả tâm tư vào mỗi sợi đay, cứ như thể ngoài kia chẳng có điều gì xảy ra, chẳng có điều gì liên quan đến cụ.
Cụ Môn cứ ngồi đó, tưởng như hơn nửa thế kỷ qua cụ vẫn ngồi như vậy... |
Tạm biệt cụ bà Nguyễn Thị Môn, chúng tôi ghé thăm ngôi chùa Hải Tạng, một ngôi chùa cổ đã có mặt hơn 300 năm ở hòn đảo này. Ngay cạnh đường đi lên chùa là một khu nhà lớn đang được xây dựng, để người dân có thể đến trú ẩn khi có bão. Gần đó, một thung lũng lớn do chính bàn tay con người tạo ra, để đón tiếp, che chở những con thuyền nhỏ vào đây trú bão.
Khu nhà đang xây và thung lũng tự tạo, là nơi che chở cho người dân đảo và cả những ai cơ nhỡ vào tránh bão... |
Cạnh cổng chùa, một người phụ nữ ngồi bán những quả sim rừng tím lịm, đựng trong những chiếc bao giấy nhỏ mời chúng tôi mua. Hướng dẫn viên nói nhỏ: Mua quà trên đảo cũng là một sự đóng góp cho kinh tế đảo đấy!
Cựu giáo viên văn nói rất nhiều về ngôi chùa đặc biệt này, nhưng không hiểu sao, tôi cứ ấn tượng mãi về cách ông giới thiệu hai con mắt phía trên cửa: "Người trên đảo này luôn cho rằng, một con mắt là để nhìn theo khi ta đi ra, xem ta có làm điều gì sai trái hay không, còn một con mắt sẽ kiểm tra xem, trước khi ta vào chùa, ta có làm điều gì tội lỗi hay không. Nếu biết rằng lúc nào cũng có 2 con mắt đó dõi theo ta, ta sẽ chẳng dám làm điều gì không phải... "
Không biết có phải vì người dân ở Cù Lao Chàm lúc nào cũng biết có 2 con mắt dõi theo hay không, nhưng quả thật, đi trên hòn đảo này, gặp những người dân ở đây, người ta luôn có cảm giác gần gũi, an toàn, không phải lo lắng đến sự chụp giật ở một số khu du lịch khác. Trở thành khu du lịch đá khá lâu, nhưng những người dân ở đây vẫn rất chân chất và đáng tin cậy, cho dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn. "Bạn có thể đến đây và ở lại qua đêm với những người dân trên đảo mà không phải lo lắng gì" - hướng dẫn viên tiết lộ.
Chợ hải sản của đảo không có gì quá đặc biệt, ngoài món khô cá Đét và tôm biển, tuy nhiên, nhớ đến lời người hướng dẫn viên nói về việc "mua đồ biển ở đây là đóng góp cho biển đảo", chúng tôi ai cũng ra sức mua thật nhiều về để làm quà. Đằng nào cũng phải mua, vậy thì, mua cho Đảo có lẽ là hợp lý hơn cả, tôi nghĩ.
Du khách mua đặc sản của Cù Lao Chàm |
Và thích thú với chú tôm hùm... |
Bữa trưa trên đảo dành cho du khách được dọn ra trong một dãy nhà lợp lá, phía trước có hai hàng dừa non mới bắt đầu bói quả. Ngồi thưởng thức những món ăn được làm khá đơn giản, trong đó có con ốc nón, giống như biểu tượng của phụ nữ Việt và món rau rừng đủ vị đắng, ngọt, chua, bùi..., ngắm biển xanh biếc và cát trắng sạch bong, cái cảm giác được tách biệt với cuộc sống ồn ào bụi bặm khiến người ta thấy những bon chen trong cuộc sống bỗng trở nên xa lạ... Và, b
Ngồi dưới rặng dừa, ngắm nhìn biển đảo quê hương, bỗng thấy trong lòng nao nao... |
Rời đảo trở về Hội An, tôi cứ nghĩ đến câu nói của người hướng dẫn viên già vui tính: "Đến Cù Lao Chàm, không giết gì ngoài giết thời gian, không lấy gì ngoài lấy những tấm hình, không bỏ lại gì ngoài những bọt sóng...". Ấy là lúc ông thấy vài người xem chừng muốn ăn món cua đá, một loại đặc sản của Cù Lao Chàm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. "Nếu bạn ăn món đó, tôi sẽ được chia hoa hồng. Nhưng, tôi khuyên bạn đừng giết chúng" - người đàn ông luôn coi đảo như máu thịt của mình chân thành nói.
Ông cũng không quên dặn: "
Lần sau ra đảo, các bạn nên ở lại qua đêm theo kiểu homestay, sẽ thực sự ấn tượng và thú vị đấy!".
Ý kiến bạn đọc