(VnMedia) - Lãnh đạo Thành phố Hà Nội yêu cầu tất cả các mục thu thỏa thuận với phụ huynh học sinh phải có giải thích rõ ràng về nội dung, mục đích, nguyên tắc, quy trình thu và phải có mức trần…
Năm nào cũng vậy, cứ chuẩn bị đến kỳ khai giảng là chuyện thu các khoản của phụ huynh học sinh lại được dư luận đặc biệt quan tâm bởi nhà nào không có con thì cũng có cháu đang ở độ tuổi đi học. Theo đó, “điều tiếng” về chuyện lạm thu của ngành giáo dục cũng đã có từ nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận.
Năm nay, để thống nhất quản lý việc thu, chi, chấn chỉnh tình trạng lạm thu, liên ngành Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Tài chính đã xây dựng bản dự thảo hướng dẫn thực hiện các khoản thu chi trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập từ năm học 2012 - 2013.
Sau khi nghe báo cáo về bản dự thảo này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã yêu cầu bổ sung nguyên tắc thu, chi; quản lý và sử dụng các nguồn thu theo hướng thu đúng quy định của Nhà nước và Thành phố; quản lý chặt chẽ các nguồn thu và việc thu - chi phải thực hiện theo đúng quy trình, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Liên ngành Giáo dục - Tài chính cần xây dựng hướng dẫn thu - chi theo nguyên tắc phải có mức trần quy định tối đa các trường được phép thu |
Phải quy định mức trần
Theo yêu cầu của Phó Chủ tịch TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, với các khoản thu thỏa thuận, Sở Giáo dục và Sở Tài chính cần xây dựng theo nguyên tắc phải có mức trần quy định tối đa các trường được phép thu, bao gồm hai loại.
Theo đó, thu thỏa thuận những khoản bắt buộc phụ huynh phải đóng để đảm bảo việc học tập, sinh hoạt của học sinh, trong đó có: phục vụ bán trú (tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú); Học hai buổi/ngày; Học phẩm; Quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu học sinh, vở học tập, sổ liên lạc…
Thu thỏa thuận những khoản thu không bắt buộc mà tùy thuộc vào thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh học sinh nhằm phục vụ tốt hơn cho việc học tập của học sinh như: Học tiếng Anh, học môn năng khiếu, học ngày thứ bẩy. Riêng mục thu tiền điện chênh lệch khi lớp học có sử dụng điều hòa, căn cứ theo thực tế sử dụng kèm theo chứng từ thanh toán với ngành điện.
Với mục thu tiền bảo trì máy tính, Thành phố yêu cầu đưa ra ngoài các khoản thu vì Ngân sách Thành phố sẽ cấp trong chương trình Công nghệ thông tin ngành giáo dục đào tạo.
Về các khoản thu hộ, bà Ngọc cho biết, đây là những khoản thu bắt buộc phụ huynh phải đóng theo quy định, bao gồm Bảo hiểm Y tế; Quỹ đoàn, đội. Không đưa khoản thu Bảo hiểm thân thể vào mục này.
Yêu cầu giải thích rõ ràng các khoản thu
Theo yêu cầu của Phó Chủ tịch TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, tất cả các mục thu thỏa thuận với phụ huynh học sinh phải có giải thích rõ ràng, nội dung, mục đích, nguyên tắc, quy trình thu.
Ngoài ra, Thành phố cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất, báo cáo UBND Thành phố việc tách riêng mức thu áp dụng cho nông thôn và thành thị, giải thích rõ căn cứ đóng góp của cha mẹ học sinh, kinh phí sử dụng vào mục đích gì.
Lãnh đạo Thành phố cũng yêu cầu Sở Giáo dục và đạo tạo báo cáo trường hợp đối tượng là trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã miền núi, xã giữa sông và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới được HĐND Thành phố bổ sung vào danh sách được miễn học phí thì có khoản thu đóng góp của cha mẹ học sinh cho Ban đại diện cha mẹ học sinh hay không? Nếu có thu thì mức thu là bao nhiêu và việc sử dụng nguồn thu này như thế nào.
Việc tổ chức, công bố công khai cá quy định, các khoản thu trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân, cha mẹ học sinh biết và thực hiện thuộc trách nhiệm trực tiếp của các UBND quận, huyện, thị xã. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phải tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện thu chi trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập của Thành phố, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Năm học 2012-2013 là năm học đầu tiên các trường của Hà Nội sẽ thực hiện mức thu học phí mới theo nghị quyết của HĐND TP đã thông qua hồi tháng 7 vừa qua. Theo đó, các trường ở khu vực thành thị đóng 40.000đ/tháng và 20.000đ/tháng với khu vực nông thôn. So với trước, mức đóng này đã giảm từ 30.000đ - 40.000đ.
Đồng thời, TP.Hà Nội cũng sẽ áp dụng chính sách miễn, giảm học phí với các đối tượng được quy định trong Nghị định 49 và HS ở 13 xã miền núi (gồm Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại, Tản Lĩnh (huyện Ba Vì); Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất); Phú Mãn, Đông Xuân (huyện Quốc Oai); An Phú (huyện Mỹ Đức)) và 2 xã đảo giữa sông (gồm Minh Châu (huyện Ba Vì), Vân Hà (huyện Phúc Thọ)) với tổng chi phí khoảng 18 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, HS ở 15 xã khó khăn này cũng được hỗ trợ chi phí học tập theo Điều 6 Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14.5.2010 của Chính phủ và điều 2 thông tư Liên tịch số 29 ngày 15.11.2010 của liên bộ GDĐT – Tài chính – LĐTBXH. |
Ý kiến bạn đọc