Ninh Bình với vấn đề an toàn vệ sinh lao động và việc làm cho người lao động nông thôn

14:46, 20/08/2012
|

(VnMedia) - Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có trên 1.600 doanh nghiệp tính theo số giấy phép đăng ký, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với ngành nghề sản xuất là xi măng, sắt thép, chế biến thực phẩm, khai thác đá xây dựng, may mặc, da giày… Những năm qua, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình đã tăng cường quản lý Nhà nước về ATVSLĐ đối với các doanh nghiệp, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động thiết thực về công tác bảo hộ lao động.....

1. Ninh Bình tăng cường quản lý Nhà nước về An toàn vệ sinh lao động

Số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng đang là một thách thức đối với Ninh Bình trong việc quản lý và đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có trên 1.600 doanh nghiệp tính theo số giấy phép đăng ký, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với ngành nghề sản xuất là xi măng, sắt thép, chế biến thực phẩm, khai thác đá xây dựng, may mặc, da giày… Những năm qua, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình đã tăng cường quản lý Nhà nước về ATVSLĐ đối với các doanh nghiệp, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động thiết thực về công tác bảo hộ lao động.


Cụ thể, hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN, chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hộ lao động, cấp tranh, áp phích, tờ rơi, phối hợp với Sở Y tế, Liên đoàn Lao động, Công an PCCC, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về ATVSLĐ-PCCN và pháp luật lao động cho người sử dụng lao động trên địa bàn. Tính riêng năm 2011, có 2375 người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, cán bộ an toàn và người lao động của các doanh nghiệp được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận, thẻ ATLĐ.

Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với liên ngành tăng cường thanh, kiểm tra về thực hiện pháp luật lao động, đặc biệt là về công tác bảo hộ lao động tại các công trường xây dựng, các cơ sở khai thác đá, các nhà máy sản xuất xi măng, phân đạm, cơ khí…Qua đó, yêu cầu và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN, đồng thời tư vấn giúp các chủ doanh nghiệp phát huy những mặt làm tốt, phát hiện những điểm vi phạm, thiếu sót và chưa hiệu quả để khắc phục một cách nhanh nhất. Sau khi đưa ra các kiến nghị cần thực hiện, một thời gian sau vấn đề an toàn lao động, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp cũng đã càng được cải thiện theo hướng tốt hơn.

Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, thanh tra nhiều doanh nghiệp có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn và  xử lý nghiêm minh những vụ vi phạm. Trong các năm từ 2006 đến 2011, trên địa bàn đã xảy ra 43 vụ tại nạn lao động nghiêm trọng, làm chết 47 người, số người bị thương nặng là 17, số nạn nhân không tham gia BHXH  là 29 người... Riêng trong năm 2011, địa phương có 17 vụ tai nạn lao động làm 24 người bị nạn (trong đó 04 vụ tai nạn chết người, làm 06 người chết)...

Cơ quan điều tra cho biết, nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động ở các doanh nghiệp chủ yếu là do lỗi từ phía người lao động (chiếm 61%) đã không sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động, vi phạm quy trình và biện pháp ATLĐ; do lỗi từ phía người sử dụng lao động (chiếm 11%) đã sử dụng thiết bị không đảm bảo an toàn, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, không huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động và không có quy trình, biện pháp, thiết bị an toàn...

2. Ninh Bình phấn đấu giảm 6% tần xuất tai nạn lao động trong năm 2012

Có thể nói, những hoạt động đảm bảo an toàn trong sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thời gian qua đã góp phần làm giảm số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng và trong năm 2012 sẽ phấn đấu giảm 6% tần xuất tai nạn lao động chết người so với năm trước. Mục tiêu của Ninh Bình đặt ra trong năm 2012 đối với công tác ATVSLĐ là phấn đấu giảm 6% tần suất tai nạn lao động chết người so với năm 2011, đặc biệt là trong các ngành thuộc lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, xây dựng, điện lực, sản xuất, gia công kim loại, hóa chất, tăng 8% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tất cả người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng lao động và 100% số vụ tai nạn lao động chết người được điều tra, xử lý...

Để thực hiện được những mục tiêu nói trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Ninh Bình đã đầu trang thiết bị nâng cao năng lực cho phòng quản lý ATVSLĐ cho hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn – vệ sinh lao động ở Sở. Đồng thời tiếp tục xây dựng và kiện toàn cơ sở dữ liệu về an toàn – vệ sinh lao động của tỉnh cũng như huấn luyện nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Nhà nước ở cấp huyện, thị xã, thành phố nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn – vệ sinh lao động. Khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, người dân và các tổ chức, đoàn thể tham gia đóng góp nguồn lực và triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thí điểm và áp dụng hệ thống quản lý về công tác ATVSLĐ tiên tiến, xây dựng văn hóa an toàn lao động.

Song song với các hoạt động trên, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp về công tác này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Huấn luyện triển khai mô hình quản lý công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: xây dựng, sản xuất gạch ngói nung, sản xuất cơ khí, sản xuất nhựa – bao bì, sản xuất chế biến gỗ…Tổ chức các lớp huấn luyện cho người sử dụng lao động về pháp luật lao động và vấn đề ATVSLĐ. Tổ chức thi an toàn vệ sinh viên giỏi trên địa bàn tỉnh, tổ chức học tập Luật Phòng cháy chữa cháy và hội thao chữa cháy tại các địa phương, doanh nghiệp. Phối hợp với báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn…Tất cả là nhằm mục đích tạo bước chuyển mới trong nhận thức và hành động không những của các doanh nghiệp mà còn của các cấp, các ngành, các đoàn thể và từng người dân trong vấn đề an toàn lao động trên địa bàn.

3. Lợi ích từ việc dạy nghề cho nông dân ở Ninh Bình

Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn ở Ninh Bình theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ từng bước được triển khai đồng bộ, đúng hướng và đạt được kết quả tích cực.

Đề án đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức của toàn xã hội về vai trò của dạy nghề trong phát triển nguồn nhân lực nông thôn, tạo ra một “cuộc đua” giữa các cơ sở đào tạo nghề, mang lại nhiều lợi ích cho cả người dạy và người học. Thực tế cho thấy việc thực hiện Đề án đào tạo nghề đã góp phần hình thành hệ thống dạy nghề chính quy với ba cấp trình độ (sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề) và dạy nghề thường xuyên (không chính quy), thay thế dạy nghề ngắn hạn và dài hạn, đồng thời chuyển dần sang dạy nghề theo nhu cầu của thị trường lao động. Trong đó mạng lưới cơ sở dạy nghề được phát triển nhanh, rộng khắp với 51 cơ sở dạy nghề, góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề năm 2010 lên mức 28%.

Năm 2010, thời điểm đề án dạy nghề cho lao động nông thôn bắt đầu được triển khai, nhưng chưa nhiêùcơ sở dạy nghề trên địa bàn tham gia. Bước vào năm 2011, đã có sự gia tăng đột biến số lượng các cơ sở dạy nghề đăng ký mở lớp cho lao động nông thôn. Đến thời điểm này, đã có hơn 30 cơ sở dạy nghề nhập cuộc. Dạy nghề cho lao động nông thôn không chỉ thu hút sự quan tâm của các cơ sở dạy nghề, mà nhiều doanh nghiệp cũng tham gia vào lĩnh vực này. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 3000 doanh nghiệp. Gần 70% trong số đó có các ngành nghề phù hợp với lao động nông thôn. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ ở huyện Yên Khánh chia sẻ: Khi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo có thể lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Và quan trọng là sau khi được đào tạo, chất lượng nguồn lao động được nâng cao sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của công ty.

Về kinh phí dành cho công tác dạy nghề ở tỉnh ta đã được cấp trực tiếp cho các cơ sở đào tạo nghề. Điều đó đã tạo được sự chủ động trong việc lập kế hoạch đào tạo nghề ở mỗi đơn vị. Mặt khác, tham gia vào Đề án dạy nghề lao động nông thôn, các cơ sở dạy nghề được hưởng lợi khá nhiều như: về kinh phí đào tạo, nâng cao chất lượng lao động… Ông Hà Đức Hải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nho Quan cho biết: Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn thực sự trở thành cơ hội phát triển không chỉ về chuyên môn đào tạo mà còn ở nguồn thu cho các trường dạy nghề. Do vậy, tôi tin không một cơ sở dạy nghề nào có thể bỏ qua cơ hội dạy nghề cho lao động nông thôn. Nhất là khi cơ hội ấy ngày càng mang tính bền vững...

Cùng với việc đăng ký mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp rất tích cực nâng cấp cơ sở nhà xưởng, trang thiết bị dạy và học, bổ sung đội ngũ giáo viên, giáo trình... đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kể cả các nghề mang tính đặc thù nông nghiệp. Mặt khác, điều này đã góp phần buộc các cơ sở dạy nghề phải chủ động vào “cuộc đua” tìm kiếm, thu hút người học. “Cuộc đua” này đang ngày càng quyết liệt hơn, khi rất nhiều cơ sở dạy nghề có chung một ngành nghề đào tạo. Theo đó, để nhận được các hợp đồng dạy nghề với địa phương, các cơ sở dạy nghề phải khẩn trương triển khai các hoạt động tiếp cận, biết cách quảng bá năng lực...

Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Ninh Bình, cho biết: Trung tâm từ trước đến nay vẫn tham gia đào tạo một số nghề, trong đó có những nghề Trung tâm đào tạo rất có uy tín, ví dụ như nghề may. Thế nhưng ngay sau khi có kế hoạch phân bổ kinh phí, Trung tâm vẫn phải nhanh chóng cho cán bộ đến các huyện, thị liên hệ, nắm bắt nhu cầu dạy nghề phù hợp với chiến lược phát triển của từng địa phương, nhu cầu học nghề của lao động bản địa và cam kết với họ về một cơ chế phối hợp hợp lý và hiệu quả.

Khi đã vào cuộc cạnh tranh thì các đơn vị dạy nghề của địa phương hoặc các đơn vị đóng tại địa phương chưa chắc đã chiếm ưu thế trong công tác dạy nghề cho địa phương ấy. Nhiều huyện, thị mặc dù trên địa bàn có cơ sở dạy nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, song vẫn ký các hợp đồng dạy nghề với các cơ sở bên ngoài, như huyện Gia Viễn, đối với nghề mây tre đan thì có thể nói nơi đây chính là cái nôi, là trung tâm với nhiều cơ sở có đủ năng lực tổ chức đào tạo. Tuy nhiên, huyện vẫn duy trì hợp tác dạy nghề này với đầu mối cũ là Hội Nông dân Việt Nam (trụ sở tại Hà Nội). Tương tự như các lớp nghề đính hạt cườm, đan se cói trên cũi sắt, huyện cũng giao cho Doanh nghiệp Thành Hóa thực hiện…

Thực tế này chính là lực đẩy quan trọng nhất để các cơ sở dạy nghề tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần tạo việc làm bền vững cho lao động nông thôn. Quan trọng hơn, những nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu mỗi năm tuyển sinh đào tạo cho khoảng 17.000 lượt người, đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đến năm 2015 đạt 40% và đến năm 2020 đạt 55%. Đồng thời đảm bảo giai đoạn 2011-2015 có 70-80% và giai đoạn 2015-2020 có 80-90% số lao động học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm./.


Thanh Hà

Ý kiến bạn đọc