Mở nhiều đợt xử phạt về vi phạm văn hóa giao thông

13:02, 09/08/2012
|

(VnMedia)Theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội, tới đây lực lượng cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức nghiên cứu đưa ra các chuyên đề xử phạt các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông như: tham gia giao thông đèo 3,4; không đội mũ bảo hiểm; đi vào đường cấm, đường ngược chiều; đi sai giờ; vi phạm nồng độ cồn…

>>>
"Cần lên án người không có văn hóa giao thông”     
  
>>>“Hà Nội hoàn toàn không có văn hóa giao thông!”        

>>>Những pha sang đường kỳ lạ của người Thủ đô
 
>>>
Giao thông càng hiện đại càng có cơ hội... phạm luật?!
     
>>>
Hà Nội náo loạn với "cuộc chiến" giành đường      

>>>
Báo động đỏ văn hóa giao thông Thủ đô?!        

Trao đổi với VnMedia, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho biết, vào thời gian này hàng năm lưu lượng tham gia giao thông thường tăng và dự báo năm nay tiếp tục tăng nên rất dễ dẫn đến nguy cơ gây ùn tắc giao thông.

Hơn nữa, thời gian sắp tới, học sinh, sinh viên sẽ nhập trường trở lại sau kỳ nghỉ hè, trong khi đó Hà Nội đang vào mùa mưa bão, ngập úng. Thời tiết đang chuyển mùa sẽ dẫn đến sương mù, cộng thêm việc người dân sau thu hoạch lúa sẽ phơi, đốt rơm rạ gây ra khói tác động đến an toàn giao thông và đây là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông tăng. 
 
Đại tá Ngọc cho biết, năm 2012 được Chính phủ lấy làm Năm An toàn giao thông quốc gia. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn giao thông: Thay đổi giờ học giờ làm, xây cầu vượt nhẹ tại các ngã tư, cấm trông giữ xe trên hơn 262 tuyến phố chính, tổ chức lại giao thông một số tuyến phố…Với một loạt các biện pháp mạnh đó, cộng với giải pháp tuyên truyền cho nên tình hình giao thông trên địa bàn thành phố từ đầu năm đã được cải thiện.

 Ảnh minh họa

 Trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho biết, tới đây sẽ mở nhiều chuyên đề xử phạt về vi phạm khi tham gia giao thông. Ảnh: Ngọc Lân


Trước tình hình giao thông phức tạp, ông Ngọc khuyên người tham gia giao thông cần lựa chọn thời điểm và phương tiện ra đường hợp lý. Khi tham gia giao thông cần chấp hành sự chỉ huy của người điều hành giao thông.

Theo ông Ngọc, những tháng cuối năm, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng để bố trí các lực lượng chỉ huy giao thông trong các tình huống đã nêu ở trên. Đồng thời, Phòng CSGT sẽ tổ chức nghiên cứu đưa ra các chuyên đề, tổ chức lực lượng để xử phạt các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông như: tham gia giao thông đèo 3,4; không đội mũ bảo hiểm; đi vào đường cấm, đường ngược chiều; đi sai giờ; vi phạm nồng độ cồn, học sinh đi học bằng xe máy…
 
Người đứng đầu Phòng CSGT Hà Nội cho biết, những chuyên đề này là rất thiết thực và cần phải xử lý mạnh mẽ; trong đó sẽ lưu ý tới các xe khách phải chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn cho hành khách trước khi xuất bến trong quá trình hoạt động trên các tuyến đường.

”Chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ Giao thông, Bộ Công an tổ chức kiểm tra lại Luật Giao thông với những người vi phạm giao thông theo Thông tư 02 của Bộ Công an một cách nghiêm túc, chặt chẽ để đảm bảo những người được học lại Luật Giao thông đường bộ đều đảm bảo kiến thức về an toàn giao thông khi nhận lại được các giấy chứng nhận kiểm tra sau khi vi phạm”, ông Trưởng Phòng CSGT Hà Nội nói.

Sẽ sớm đưa các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ra xét xử
 
Đề cập đến tình trạng thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông khi gặp những vụ tai nạn thường thờ ơ, bỏ mặc người bị nạn, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho rằng, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cá nhân và tập thể được quy định rất rõ tại Điều 38 Luật Đường bộ Việt Nam về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức với vấn đề tai nạn giao thông. Hơn nữa, Bộ Luật hình sự cũng quy định rất rõ Tội không cứu giúp người khi bị tai nạn giao thông.

 Ảnh minh họa

Hà Nội sẽ đẩy nhanh điều tra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đưa ra xét xử.

 
Theo Đại tá Ngọc, trong quá trình tham gia giao thông, nếu phát hiện thấy người bị tai nạn giao thông thì việc cấp cứu người bị tai nạn, hỗ trợ, kêu gọi mọi người giúp đỡ, thông tin với các cơ quan chức năng để làm rõ vụ tai nạn giao thông là trách nhiệm của mỗi người dân và mỗi tổ chức. Những người thuộc chức năng đã được quy định mà không thực hiện trách nhiệm của mình thì được điều chỉnh bằng Luật Hình sự. Ví dụ, Điều 102 về tội không tố giác tội phạm.

“Chúng tôi rất hoan nghênh những đơn vị, cá nhân chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh. Đồng thời khi gặp các vụ tai nạn giao thông thì nhanh chóng bằng khả năng cao nhất của mình để cứu giúp những người bị nạn giao thông, thông tin hỗ trợ các cơ quan điều tra để giải quyết tai nạn giao thông hiệu quả”, ông Trưởng Phòng CSGT Hà Nội nói.

Theo ông Trưởng Phòng CSGT Hà Nội, thời gian tới, Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng để đưa ra truy tố, nhằm răn đe với người vi phạm và cảnh báo những người tham gia giao thông không có ý thức ở Thủ đô.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc