Thoát tục mong nương nhờ cửa Phật, vậy mà những người tu hành chùa Cam vẫn không được bình yên khi một số người dân thôn Cam (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội) gây áp lực buộc phải rời chùa.
Vụ việc bắt nguồn từ chuyện một ni sư nhận nuôi một bé sơ sinh vô thừa nhận nhưng người làng cho rằng sư đã "phá giới", nhận con nuôi chỉ là "ngụy trang" để hợp pháp hóa con ruột. Mang nỗi oan Thị Kính, ni sư bế đứa trẻ lang thang tìm nơi xét nghiệm ADN nhờ khoa học chứng minh tấm lòng trinh.
Chùa Cam
|
Bụi trần vướng sân chùa
Sư thầy Thích Hiếu Thảo tên tục là Vũ Thị Kim Oanh, vốn quê ở huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình). Năm 16 tuổi, trong một lần đi lễ ở chùa làng, cô bé Oanh khi đó đã có nhân duyên gặp được một sư thầy, thấy có duyên với Phật pháp, lại được thầy "điểm nhãn khai tâm" nên quyết định xin phép gia đình xuất gia quy y cửa Phật. Cô trở thành "tiểu" theo hầu sư phụ ở chùa Cam từ đó.
Mười bốn năm khổ luyện tu hành, sư "tiểu" ngày nào đã trở thành sư thầy đức cao vọng trọng. Năm 2007, sư phụ sức khỏe yếu, sư thầy Thích Hiếu Thảo được giao trọng trách thay mặt thầy xử lý hầu hết các việc lớn trong chùa. Vị ni sư đâu ngờ kể từ lúc ấy, những "sân hận" đời thường đã tràn qua cổng chùa, xâm phạm cả vào nơi Phật pháp uy nghiêm.
Sự việc bắt nguồn từ một ngày tháng 8/2011, có người bỏ lại một đứa trẻ sơ sinh ngay tại cổng chùa. Đứa bé đỏ hỏn được bọc khăn trong một chiếc nôi nhỏ, có kèm theo giấy tờ chứng sinh và một bức thư với lời nhắn "vì hoàn cảnh gia đình không nuôi được nên nhờ nhà chùa cho cháu nương nhờ cửa Phật". Theo giấy tờ để lại thì người mẹ của đứa trẻ khai là quê ở huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), cháu bé được sinh tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang gần chùa
Tâm Phật từ bi, các ni sư quyết định nhận nuôi bé sơ sinh. Tiếp đó là một hành trình gian nan lên xã, xuống huyện để xin giấy khai sinh, làm thủ tục để nhà chùa nhận đỡ đầu cho cháu bé. Mọi việc hoàn tất, cháu được đặt tên là Thích Bảo Thiện và do trụ trì Thích Đàm Chinh đứng tên nuôi, nhưng việc chăm sóc chăm đều do sư Hiếu Thảo đảm nhiệm. “Nhà chùa có thêm người thì vui lắm, nhưng việc nuôi cháu gặp nhiều vất vả. Cháu bị tách khỏi mẹ quá sớm nên tháng nào cũng ốm. Giờ cháu 10 tháng tuổi mà mới được 8 kg", sư thầy Hiếu Thảo kể lại.
Cũng từ lúc này, rộ lên tin đồn sư thầy phạm "ngũ giới của nhà Phật", “tà dâm đến có con nhưng lại không muốn bỏ chùa nên dựng chuyện nhặt được con nuôi”. Lắng nghe những điều tiếng về mình, sư thầy ngỡ ngàng nhưng cũng đành cam chịu. Bởi người nhà Phật coi trọng chữ "nhẫn", đâu thể gặp ai cũng thanh minh, như lời ni sư này chia sẻ.
Nhưng nhẫn nhịn cũng không xong, sự việc được thổi bùng lên đúng vào dịp lễ Phật đản vừa qua (tháng 4/2012). Nhân việc nhà chùa cho những đồng môn ở chùa Dận (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) mượn hai pho tượng Phật, một số người đã đứng lên hô hoán "sư buôn bán tượng Phật". Hàng trăm người làng đã kéo đến bao vây chùa suốt một đêm, đòi chính quyền phải lập biên bản “làm rõ trắng đen”. Sau đó chính quyền đã kết luận việc cho mượn tượng Phật là không vi phạm pháp luật, các ni sư chỉ có sai sót khi không thông báo trước với Ban Quản lý Di tích chùa
Trong buổi họp với dân tại Nhà văn hóa thôn ít ngày sau đó, trụ trì chùa đã đích thân xin lỗi dân làng vì sơ xuất này. Cũng trong cuộc gặp này, nhiều người dân thẳng thừng nêu nghi vấn về đức hạnh của sư thầy Hiếu Thảo. Họ cho rằng đứa trẻ trong chùa chính là con đẻ của ni sư, có người còn cam đoan rằng đã chụp được cả ảnh sư thầy... cho con bú.
Sư thầy Thích Hiếu Thảo bên đứa trẻ mồ côi
|
Hành trình giải oan Thị Kính
Sư thầy Hiếu Thảo cho biết: “Người ta chửi bới tôi bằng đủ những điều cay độc nhất. Thậm chí có người còn đòi đánh đập tôi”. Rất nhiều bằng chứng đã được đưa ra như giấy chứng sinh có tên mẹ cháu bé, giấy khai sinh được làm sau khi Công an xã cử người lên tận quê cháu bé (Phú Thọ) để xác minh. Công an Thành phố Hà Nội sau đó đã xác minh bức ảnh nhà sư cho con bú chỉ là ảnh ghép. Thế nhưng tất cả những "lời bào chữa" đó đều không thuyết phục được dân làng.
Vài ngày sau cuộc họp để minh oan cho nhà chùa không thành, hoang mang, sợ hãi trước sự dọa dẫm, quấy phá của một số người làng quá khích, các ni sư đã buộc phải rời khỏi chùa
Sư thầy Thích Hiếu Thảo không ân hận việc mình đã nhận nuôi đứa bé mà chia sẻ: "Người nhà Phật phải "hành thiện tích đức", cứu một sinh linh như thế là việc đáng làm. Từ khi nuôi cháu, cũng có nhiều gia đình hiếm muộn ở quanh vùng đến xin nhưng tôi không đồng ý. Nghĩ rằng làm thiện là phải làm đến cùng, đâu ngờ đó lại là lý do khiến người làng nghi hoặc".
Sư thầy cho biết bởi nghi án "phá giới" đã ảnh hưởng đến cuộc sống của những người tu hành trong chùa nên không chấp nhận hàm oan một mình nữa, bà gửi đơn đến các cơ quan chức năng đòi giải nỗi oan Thị Kính. Một điều tra viên khi tiếp nhận đơn của ni sư đã khuyên muốn chứng minh trong sạch thì chỉ còn cách chắc chắn nhất là đưa đứa bé đi thử ADN để làm rõ quan hệ huyết thống.
Lúc đầu sư thầy vẫn còn ngại ngần "người tu hành mà lại bế một đứa trẻ để đi xét nghiệm gen như thế coi cũng không tiện”, nghĩ vậy vả lại cũng không biết cần phải đi xét nghiệm ở đâu nên ni sư dùng dằng chưa quyết. May mắn khi sau đó không lâu, ni sư gặp được một phật tử đi lễ ở chùa Bồ Đề. Phẫn nộ trước "nỗi oan Thị Kính" thế kỷ, người này đã dẫn sư thầy đến một công ty phân tích di truyền tại Hà Nội để làm rõ thực hư. Kết quả phân tích đã chứng minh sư thầy Hiếu Thảo và bé Bảo Thiện không có quan hệ huyết thống.
Đường về chùa còn xa
Đem theo tin tức "nỗi oan Thị Kính" đã được giải tìm về chùa
Ông trưởng thôn còn chia sẻ thêm chuyện nhiều người làng bức xúc vì cho rằng các ni sư quản lý lỏng lẻo nên thời gian gần đây, nhiều cổ vật trong chùa cứ “đội nón ra đi”. Về vấn đề này, ông trưởng thôn cho biết đúng là nhà chùa có mất đồ thờ tự một lần vào quãng năm 2004, Công an cũng đã vào cuộc điều tra nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Nhiều người dân đặt câu hỏi "liệu vụ trộm có thật hay không hay do người trong chùa tiếp tay". Theo ông trưởng thôn, chính những nghi ngờ chưa có lời giải đáp thỏa đáng như thế cùng với việc nhận con nuôi của sư thầy, đã khiến những người không hiểu rõ đẩy lên thành vụ việc "nỗi oan Thị Kính”.
Trả lời về việc người làng khiến ni sư phải bỏ chùa mà đi cũng như cách giải quyết sắp tới, ông trưởng thôn chia sẻ: “Chính quyền cũng như Ban đại diện Phật giáo huyện vẫn chưa có kết luận nên chúng tôi vẫn phải chờ. Nhưng dù với lý do gì, việc người dân đe dọa, gây áp lực đuổi các vị tăng ni ra khỏi chùa cũng là việc làm không đúng”.
Vậy là khoa học kỹ thuật đã chứng minh được "nỗi oan Thị Kính" thế kỷ 21 nhưng đường trở về chùa Cam của các vị ni sư vẫn còn xa...
Ý kiến bạn đọc