“Hà Nội hoàn toàn không có văn hóa giao thông!”

06:06, 02/08/2012
|

(VnMedia)“Ở Hà Nội hiện nay hoàn toàn không có văn hóa giao thông. Muốn có văn hóa giao thông trước hết phải có ý thức tuân thủ pháp luật. Đây là điều đầu tiên.”, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng PTDL Lương Thế Vinh (Hà Nội) trao đổi với VnMedia về văn hóa giao thông ở Thủ đô.

>>>Những pha sang đường kỳ lạ của người Thủ đô
 
>>>
Giao thông càng hiện đại càng có cơ hội... phạm luật?!
 
>>>
Hà Nội náo loạn với "cuộc chiến" giành đường 

>>>
Báo động đỏ văn hóa giao thông Thủ đô?! 

 

- PGS đánh giá thế nào về văn hóa giao thông ở Thủ đô hiện nay?
 
Tôi không biết chúng ta đã có văn hóa đi lại hoặc văn hóa giao thông hay chưa, nhưng từ khi chuyển đến sinh sống Hà Nội đến nay, tôi không thấy tình hình như thế này.  Theo tôi,  văn hóa giao thông có hình thành hay không còn phụ thuộc vào đường có đủ rộng hay không hay chỉ đi bộ hay đi xe? 
 
Tuy nhiên, do không có văn hóa ứng xử nên khi tham gia giao thông xe máy, ô tô… ai cũng muốn đi nhanh, khi ấy mới bộc lộ rõ là chúng ta không có văn hóa ấy, không có một ứng xử ấy trước một tình hình như vậy.
 
Tôi nghĩ rằng, việc này cần phải hiểu một cách cho thấu đáo. Chúng ta đang từ chỗ đi thế này thế kia, đi kiểu gì cũng được thì không có vấn đề gì nhưng khi vấp phải một cái giao thông giống như ở nước khác, chúng ta không có một giáo dục từ trước. Từ trước đến nay, không ai nói tham gia giao thông phải thế này thế kia, mọi người vẫn đi lại tự do nhưng vẫn an toàn. Hiện giờ đường sá đông đúc thế này, nếu có một văn hóa hình thành từ trước, chúng ta dừng trước đèn đỏ, không đi chen lấn như hiện nay thì câu chuyện đã khác.

 Ảnh minh họa

PGS Văn Như Cương: "Đừng có nói dân tỉnh lẻ làm xấu Hà Nội".

- Vậy theo ý kiến của PGS, ở Hà Nội hiện nay có văn hóa giao thông hay không?
 
Ở Hà Nội hiện nay hoàn toàn không có văn hóa giao thông. Muốn có văn hóa giao thông trước hết phải có ý thức tuân thủ pháp luật. Đây là điều đầu tiên. Sống trong xã hội có pháp luật thì "anh" phải tuân thủ theo pháp luật chứ không phải muốn làm gì thì làm. Nhưng với chúng ta hiện nay, điều này là hoàn toàn không có.
 
Tôi rất ngạc nhiên, ở các nước không có công an nhưng vào thời điểm 1-2h sáng, đèn đỏ đèn xanh hoạt động thì ô tô đi đến, mặc dù đường vắng tanh, vắng ngắt và không có người nào đi trước mặt nhưng họ vẫn dừng đèn đỏ. Tức là ý thức chấp hành pháp luật ấy nó thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc chứ không như ở nước ta, cứ không có công an là vượt, thậm chí ngay cả khi có công an cũng phạm luật.
 
- Thưa PGS, từ nhiều năm nay, để nâng cao văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông, các cơ quan của Chính phủ đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về văn hóa giao thông nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi. PGS nói sao về điều này?
 
Đúng là từ trước đến nay chúng ta đã có rất nhiều đợt tuyên truyền về văn hóa giao thông nhưng vì sao những vi phạm về văn hóa giao thông vẫn diễn ra nhan nhản? Đây cũng là điều khiến tôi rất khó hiểu.
 
Ta vẫn có tuyên truyền, giáo dục, có đèn tín hiệu điều khiển giao thông nhưng hễ cứ không có công an là nhiều người vi phạm ngay lập tức. Nếu nói là do ý thức của dân mình thì không phải, nhưng tôi chưa luận ra tại sao dân mình lại như thế. Bất kỳ lúc nào pháp luật không lên tiếng là "anh" vi phạm ngay (cười to). Lạ thế và tôi không thể hiểu.
 
- Có ý kiến cho rằng, chính sự buông lỏng xử phạt và xử phạt không nghiêm của cảnh sát giao thông đã khiến người tham gia giao thông nhờn luật, dẫn đến coi thường. Ý kiến của PGS về việc này thế nào?
 
Cái này tôi nhất trí. Một phần vì biện pháp và hình phạt không được tương xứng làm cho người tham gia giao thông hay vi phạm. Ngay ở trong trường học cũng vậy.
 
Trong trường học, mặc dù có kỷ luật nhưng nếu hình phạt không nghiêm dễ làm cho học sinh bị hư. Ngay vấn đề quay cóp, học hành nếu phạt không nghiêm cũng vậy. Nhìn rộng ra, trong xã hội nếu hình phạt không nghiêm sẽ làm cho vi phạm ấy đi đến chỗ mọi người dễ vi phạm hơn.

 Ảnh minh họa

 Xe máy bị "vây" giữa một loạt chiếc ô tô khi tham gia giao thông ở Thủ đô.

- Một số ý kiến cho rằng, muốn nâng cao ý thức khi tham gia giao thông cần phải đẩy mạnh giáo dục từ trong nhà trường. Xin hỏi PGS, hiện nay việc giảng dạy văn hóa giao thông trong các trường học diễn ra như thế nào và với mức độ như vậy có giúp văn hóa giao thông được nâng lên?.
 
Chuyện này rất khó. Ngay như hiện nay, trong nhà trường từ nhà trẻ đến mẫu giáo đều đã cho các cháu đóng giả làm công an, hướng dẫn đi đường này đường khác… nhưng cả xã hội như vậy.
 
Vừa mới nói với trẻ con lớp 6, lớp 7 là ra đường phải đội mũ bảo hiểm thế nhưng bố mẹ chúng đứng chờ ở cổng trường đen nghịt, khi con ra nhảy ngay lên xe máy đi không đội mũ bảo hiểm. Thầy giáo vừa nói với học sinh đèn đỏ phải dừng nhưng khi gặp đèn đỏ nó nói với bố “bố ơi đèn đỏ đấy tại sao lại đi, bố bảo có công an đâu mà dừng”.
 
Nhà trường chúng tôi đặt trong một xã hội như vậy thì đừng có trách chúng tôi. Chúng tôi giáo dục hết, làm hết mọi sự, hướng dẫn, dạy dỗ đi đường phải thế này phải thế kia nhưng những ông bố, bà mẹ đến lại xử sự như vậy.
 
Tôi nói thật là có trường hợp ông bố, bà mẹ đến nhà trường để nói về chuyện gì thì ăn mặc một cách cực kỳ sà lỏn và cứ thế xông xông vào trường. Trong khi các cháu đến trường phải mặc đồng phục nghiêm chỉnh, phải thế này thế kia… nhưng bố mẹ các cháu đến trường thì mặc bộ quần ngủ ở nhà xông vào trường thì làm sao làm gương cho các cháu được.
 
Bây giờ người ta nói, muốn có văn hóa giao thông thì phải giáo dục từ trường học trở đi nhưng trong trường học các cháu còn nhỏ có đi xe mấy đâu, còn bố mẹ thì đi xe nên việc đó là không đúng.
 
-  Vậy theo ý kiến của PGS, chúng ta phải làm thế nào để có văn hóa giao thông?.
 
Tất cả vấn đề chúng ta đặt ra không phải là văn hóa giao thông không, mà còn là văn hóa ăn uống, văn hóa ứng xử. Ngay cả việc đi vào ăn một bát phở thế nào đều phải có văn hóa.
 
Chúng ta đang chứng kiến một tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Tôi thật sự không biết phân tích thế nào khi xảy ra những chuyện đó. Người  Hà Nội chúng ta vốn thanh lịch nhưng lại chửi nhau ở bất cứ chỗ nào cũng được, ăn uống xô bồ thế nào cũng được, đi đứng thế nào cũng được, nói năng thế nào cũng được.
 
Tôi thấy thật sự khó hiểu. Tôi không phải là nhà xã hội học nên không biết chuyện đó xuất phát từ đâu ra, nhưng nhiều người nói, tôi đọc, tôi nghe. Có người bảo, người tỉnh lẻ về Hà Nội làm xấu Thủ đô, nhưng Hà Nội đâu chỉ có người Hà Nội. Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên phải có người tỉnh khác đến chứ không phải chốn quê hương hẻo lánh của một ai, người tỉnh khác đến thì bị đuổi. Đừng có nói dân tỉnh lẻ về Hà Nội làm xấu Hà Nội. Cái này phải nghiên cứu kỹ cho rõ.
 
Để xảy ra những hiện tượng như vậy, câu hỏi liệu cơ chế điều hành của Thủ đô có sai lầm gì không hay có không hợp lý hay không thì phải nghiên cứu cho kỹ. Vấn đề bức xúc hiện nay là nét đẹp của Hà Nội như thế nào, phải được tôn vinh như thế nào, còn những chuyện không phải cần được lên án như thế nào thì cả xã hội phải vào cuộc.
 
- Xin cảm ơn PGS về cuộc trao đổi!


Xuân Tùng - (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc