(VnMedia) - Ngôi biệt thự 164 phố Triệu Việt Vương được cho là 1 trong 4 ngôi nhà cổ rất đặc biệt ở Hà Nội. Nói như PGS, KTS Đặng Thái Hoàng thì nó là ngôi biệt thự “tiêu biểu”, là “của độc”.
“Nó đích thị thuộc dòng kiến trúc cận đại, thuộc loại hình biệt thự. Nếu xếp nó vào loại nhà cổ có thể mọi người ngạc nhiên, nhưng nếu khảo sát kỹ thì sự nghi ngờ đó sẽ tan biến ngay” - ông khẳng định.
Có thể có những ý kiến không đồng ý về cái sự "cổ" hay "độc", nhưng với KTS Đặng Thái Hoàng thì: “Tôi thật sự trân trọng vẻ đẹp kiến trúc của ngôi nhà này, mặc dầu mặt tiền của nó đã bị cơi nới, biến thành nơi làm kế sinh nhai của mấy gia đình. Nhưng tầng hai và tầng 3 vẫn còn đó, với sự nguyên vẹn như gần một thế kỷ chưa có một người thợ nề, thợ sơn nào động đến. Hoặc là có động đến thì bây giờ nó cũng đã đủ thời gian để cũ đi” - KTS Đặng Thái Hoàng từng thốt lên như thế.
Theo ông mô tả, trong ngôi nhà này, khối cầu thang ở phía bên trái mặt tiền, cao tương đương 4 tầng nhà, là một sự đột xuất các kiểu trang trí, hoa văn rất nguyên thuỷ, rất lạ mắt, rất nhiều kiểu khác nhau nhưng tổng thể lại rất hài hoà.
Mặt cắt ngang nhà cho thấy dọc theo chiều sâu, có rất nhiều phòng lớn, tường dầy, phía trước có không trung gian là các hiên, ban công, làm cho nhà thích ứng với khí hậu nhiệt đới. Trong toà đó, ngoài ý nghĩa là kiến trúc cổ điển đáng quý, còn có thể nói có chất lượng rất cao, nếu số người sống trong đó không quá đông....
Đó là những gì PGS, KTS Đặng Thái Hoàng mô tả về ngôi biệt thự 164 Triệu Việt Vương, sau khi ông và các cộng sự đi khảo sát 1.049 công trình nhà cổ. Những cảm xúc của ông về ngôi biệt thự này đã mê hoặc và kéo tôi đến với nó, để được chiêm ngưỡng “của độc” có một không hai của Hà Nội.
Thế nhưng…
Cùng với KTS Trần Huy Ánh, một người vừa có duyên, vừa có tình với biệt thự cổ, tôi có mặt ở 164 Triệu Việt Vương vào một buổi sáng mùa thu Hà Nội. Nhìn từ bên ngoài, tầng 1 là dãy những cửa hàng hay công ty với kiểu cách chẳng liên quan gì đến tòa nhà cổ, chỉ còn hở ra một bên là cầu thang, một bên là cánh cổng bước vào trong. Chỉ khi ngước nhìn lên phía trên, tôi mới có cảm nhận về một ngôi nhà có vẻ cũ kỹ lấp ló sau tán cây. Nhưng thay vì cảm giác xa hoa, tráng lệ hay lịch lãm mà người ta vẫn gán cho các ngôi biệt thự Pháp, có cái gì đó như huyền bí toát lên từ những ô tò vò và dãy hoa văn không còn nguyên vẹn trên bức tường cong cong nhô ra phía trước.
Tầng 1 của ngôi biệt thự được tận dụng để kinh doanh |
Ngay trước lối đi vào tòa biệt thự, một người phụ nữ ngồi bán quán nước trà nhìn chúng tôi với vẻ hơi e dè. Vừa đặt trước mặt chúng tôi hai cốc trà xanh nóng hổi, chị chủ quán hỏi luôn: Anh chị là nhà báo phải không? Ngôi nhà này, giờ còn gì đâu mà đến?...
Bất ngờ với câu hỏi của chị chủ quán, tôi xin phép được ghé thăm ngôi biệt thự. Đập vào mắt chúng tôi cái đầu tiên, đó là 2 dãy, với tổng cộng khoảng hơn một chục công tơ điện treo lơ lửng trên đầu. Dẫn chúng tôi ra phía sau ngôi nhà, chị chủ quán, người đã sinh ra và lớn lên ở ngôi biệt thự, chỉ vào một thứ “của độc” đầu tiên, đó là nhà vệ sinh, và cho biết: “Cả mấy chục người đang sống trong tòa nhà này vẫn dùng chung”.
Khắp tòa nhà, chỗ nào cũng bị cơi nới, tận dụng. Quần áo giăng phơi khắp nơi |
Dẫn chúng tôi lên chiếc cầu thang giờ vẫn còn nguyên bản với bề mặt đá granist, dù đã bị vỡ sứt nhiều, chị bảo: Ngày trước, khi còn bé, lũ trẻ con thường trượt từ trên gác xuống qua đường này mà chẳng bao giờ chịu bước theo cầu thang.
Ở chỗ chiếu nghỉ, nơi có những hoa văn vốn được KTS Đặng Thái Hoàng miêu tả là “rất nguyên thuỷ, rất lạ mắt” trên bức tường cong cong đầy bí ẩn, giúp người ở trong nhìn ra ngoài rất rõ nhưng ở ngoài nhìn vào thì không thể thấy được gì, bây giờ gẫy vụn gần hết, khiến bức tường trở nên trống huơ trống hoác. "Bọn trẻ con chúng tôi ngày xưa thường trải chiếu ngồi chơi ở đây," chị chủ quán nước nhớ lại.
Rồi thì, ký ức đẹp đẽ, yên bình của tuổi thơ gắn với ngôi biệt thự như ùa về với người phụ nữ này. Chị bùi ngùi kể: "Bố mẹ tôi là hộ thứ hai chuyển về căn biệt thự này, rồi sau đó lần lượt là nhiều gia đình khác. Bây giờ, các cô, chú đã “đi” hết rồi, chỉ còn mẹ tôi nay đã 90 tuổi, nhưng bị liệt nằm một chỗ.
Cả tầng 1 và tầng 2, mọi chỗ, mọi ngóc ngách như gầm cầu thang, gara ô tô, nhà kho, nhà bếp... đều được tận dụng tối đa để làm nơi sinh hoạt: chỗ ở, bếp, nơi phơi quần áo… Trong khi đó, những gì được KTS Đặng Thái Hoàng ca ngợi là "có một không hai" thì hoặc là bị giấu đi sau những cánh cửa tối om, những miếng gỗ ván ghép lại hay những mảnh nhựa che chắn, hoặc là lộ ra với những đổ vỡ, bong tróc trông thật xót xa, tội nghiệp.
Chiếu nghỉ cầu thang với nền gạch cũ kỹ là nơi để xếp than tổ ong, trên tường, những hoa văn trang trí gẫy vụn |
Màu của thời gian, hay dấu ấn của sự bất lực cứ hiện lên trên từng viên gạch sứt, mà xếp trên nó là những viên than tổ ong, trên những họa tiết trang trí giữa bức tường ở chiếu nghỉ cầu thang vỡ vụn, trên những thanh lan can gẫy nát…
Chị chủ quán nước tần ngần, nửa như ngượng ngùng nói khi thấy KTS Trần Huy Ánh giơ máy ảnh lên chụp: "Chỗ nào cũng toàn quần áo. Chật chội và lôi thôi...". Nghe vậy, anh Ánh an ủi: "Không sao, vì nó chính là cuộc sống của chúng ta mà...".
Tuy nhiên, tôi không khỏi thấy xót xa tiếc nuối bởi ngôi nhà này, cách đây gần chục năm đã được đề xuất đưa vào diện bảo tồn vì những cái được cho là "độc nhất vô nhị". Nhưng hình như nó chẳng được ai quan tâm, hoặc những người quan tâm đến nó thì lại bất lực, vì họ còn phải sống.
Ngôi nhà này, cách đây gần chục năm đã được đề xuất đưa vào diện bảo tồn vì những cái được cho là "độc nhất vô nhị", nhưng hình như chẳng ai quan tâm. Hoặc những người quan tâm đến nó thì lại bất lực vì họ cần phải sống... |
Ở tầng 2, chúng tôi gặp một anh bộ đội đang ra phơi quần áo ngay giữa hành lang biệt thự. Anh cho biết, riêng tầng này vẫn thuộc sự quản lý của Ban chỉ huy quân sự Thành phố. Có người ở đã lâu, có người mới được phân đến ở vài năm. Có lẽ, họ không biết rằng, mình đang có vinh hạnh được ở trong một ngôi biệt thự mà chủ của nó trước đây là một người có lẽ rất giàu có và quan trọng.
Vừa đi theo chúng tôi để giới thiệu về tòa nhà, chị chủ quán nước (đến lúc này vẫn nhất định không muốn nói tên của mình), tiếp tục thả ký ức của mình: Cả phố Triệu Việt Vương ngày trước toàn nhà 2 tầng, chỉ có tòa nhà này độc đáo nhất, được xây 3 tầng cao chót vót. Hồi còn bé, lũ trẻ chúng tôi thường trèo lên tầng trên cùng, từ đó có thể nhìn thấy cả một vùng mênh mông của Hà Nội mà không bị bất cứ thứ gì che khuất tầm mắt. Thích nhất là những lần được xem bắn pháo hoa… Hai bên nhà, dưới tầng 1 là hai nhà giáo với nếp sống giản dị thanh cao. Khi lũ trẻ chúng tôi đùa nghịch, chỉ cần các cụ ra lừ mắt một cái là đứa nào đứa ấy nem nép...
Rồi bất chợt giọng chị nhỏ xuống, thì thầm: Nghe mẹ tôi kể lại, hình như nhà này ngày xưa có thời một tên tướng của Quốc dân đảng ở. Hắn thường bắt người về, rồi giết họ ngay tại đây…
Kỳ 2: Biệt thự Pháp: Chuyện một thời chưa kể…
Ý kiến bạn đọc