Đê Hà Nội bị sạt lở do mưa lớn

18:27, 19/08/2012
|

(VnMedia) - Cùng với một số đoạn đê của các tỉnh như Bắc Giang, Nam Định, Hải Dương, tại Hà Nội, một đoạn đê dài 50m đã bị sạt lở mái thượng lưu đê tả Cà Lồ …

 

>>Hà Nội: "Xẻ thịt" đê điều vì mục đích cá nhân

Theo báo cáo của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và thành phố Hà Nội, do ảnh hưởng của mưa bão số 5 đã gây ra một số sự cố đê điều.

 

Cụ thể, tại Bắc Giang, mưa bão đã tiếp tục làm sạt lở bãi sông khu vực K2 +570-K2+750 đê tả Thương (trước đó đã bị sạt lở từ ngày 08/8/2012 với phạm vi 90m). Sạt lở phát sinh kéo dài thêm 20m về phía thượng lưu, sạt sâu thêm vào bãi 2,5m, đỉnh cung sạt điểm gần nhất cách chân đê 5m. Tỉnh đã chỉ đạo trước mắt xử lý hộ chân để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

 

Tương tự, tại Nam Định, mưa bão đã tiếp tục gây sạt lở kè Quy Phú đê hữu Hồng, huyện Nam Trực bị sạt lở. Trước đây, tuyến đê này đã bị sạt lở với chiều dài khoảng 130m, nay kéo dài thêm thành 180m. Phạm vi sạt lở vào mái kè trước đây từ cao trình +2 m nay đã sạt đến cao trình +2,8 m so với cao trình đỉnh kè là +3,0 m.

 

Tại Hải Dương cũng xuất hiện sự cố sạt lở mái thượng lưu đê tả sông Rạng đoạn K4+595-K4+620, dài 25m, cung sạt lấn sâu vào mái đê thượng lưu 1,3m. Hiện các đơn vị chức năng đang theo dõi chặt chẽ sự cố để tìm cách khắc phục và ứng phó.

 

Trong khi đó, tại Hà Nội, mưa lớn đã gây sạt lở mái thượng lưu đê tả Cà Lồ đoạn K5+500-K5+550, dài 50m. Đây là đoạn đê được tu bổ từ năm 2010 nhưng chưa nghiệm thu, bàn giao. Hiện lãnh đạo địa phương đã đi kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị liên quan để khắc phục sự cố.


 Ảnh minh họa

 Một điểm sạt lở đất ở xã Minh Châu- Ba Vì - ảnh: LĐTĐ

 

Trước đó, theo website của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hôm 16/8, kiểm tra thực tế một số vị trí sạt lở bờ sông Đà tại huyện Ba Vì, huyện Đan Phượng cho thấy, trên một số tuyến đê bao ở sông Đà đang có tình trạng sạt lở, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

 

Theo đó, tại xã Sơn Đà, huyện Ba Vì xảy ra 2 điểm sạt lở ở thôn Đan Khê và thôn Thượng Khê, trong đó điểm sạt lở ở thôn Đan Khê xảy ra từ nhiều năm nhưng năm nay có mức độ sạt lở nhiều nhất. Đợt sạt lở mới nhất ăn sâu từ sông Đà vào nhà dân tới 15m, chiều rộng sạt lở khoảng 30 m, chiều dài 60m ảnh hưởng trực tiếp đến 5 hộ dân sống trên địa bàn thôn Đan Khê.

 

Trong khi đó, điểm sạt lở ở thôn Thượng Khê kéo dài từ 60m đến 70m, rộng gần 20m. Điểm sạt lở này xuất hiện từ năm 2010 đã làm ảnh hưởng đến đất canh tác cũng như nơi ở của 10 hộ dân. Người dân ở đây kiến nghị thành phố cần kè khẩn cấp đối với 2 khu vực này, để sớm ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân.

 

Tại thôn Tổ, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng cũng xảy ra điểm sạt lở ảnh hưởng đến 87 hộ ở chân đê. Huyện Đan Phượng đang triển khai kè bờ sông, không để tình trạng sụt lún kéo dài làm ảnh hưởng đến nhà dân.

Thêm 4 người thiệt mạng vì bão số 5

Liên quan đến thiệt hại về người trong bão số 5, thống kê mới nhất cho thấy, đã có 14 người chết (tăng 4 người so với con số thống kê sáng 19/8). Cụ thể, Yên Bái có 3 người chết, Sơn La 2 người, Bắc Giang 2 người, Bắc Ninh 1 người, Hà Nội 1 người, Vĩnh Phúc 1 người). Tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra lũ ống làm chết 1 người. Ngoài ra, tại cánh đồng thôn Phấu Sơn, xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, người dân cũng phát hiện 3 xác chết. Nguyên nhân hiện đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

 

Trong khi đó, ngoài 4 người mất tích (đã đưa trong bản tin trước), tàu cá QB 92760/06 LĐ của Quảng Bình với 6 ngư dân bị hỏng máy thả trôi tại khu vực cách bờ biển Đèo Ngang/Hà Tĩnh hiện vẫn chưa tìm được, nâng số người mất tích lên con số 10 người.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc