Chống tham nhũng: Thẩm định nguồn tin rất quan trọng

20:10, 23/08/2012
|

(VnMedia) - Theo  Cục trưởng Cục Báo chí, Hoàng Hữu Lượng, việc thẩm định các nguồn tin giữ vai trò đặc biệt quan trọng.  Nếu việc thẩm định qua loa, thiếu trách nhiệm sẽ dễ dàng dẫn đến những nhận định sai lầm.

Trong 2 ngày (22-23/8), Hội thảo ““Quy trình thẩm định nguồn tin trong các cơ quan báo chí” do Ban quản lý dự án- Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền Thông) phối hợp cùng Đại sứ quán Thụy Điển và tổ chức Fojo chủ trì, đã được  hàng chục đại diện các cơ quan báo chí cùng thảo luận xoay quanh vấn đề về quy trình chuẩn nhằm thẩm định độ chính xác của nguồn tin.

Tham dự hội thảo còn có các cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam.

Tại hội thảo, đồng chí Hoàng Hữu Lượng - Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu rõ tầm quan trọng của nguồn tin trong việc hình thành nên các tác phẩm báo chí. Nguồn tin chính xác, khách quan, đi vào các vấn đề nóng của xã hội là tiền đề cho một bài báo đáp ứng sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, việc thẩm định các nguồn tin cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng.  Nếu việc thẩm định qua loa, thiếu trách nhiệm sẽ dễ dàng dẫn đến những nhận định sai lầm, thậm chí sai sự thật, ảnh hưởng uy tín của tờ bào và giảm lòng tin của độc giả.

Ảnh minh họa

Đồng chí Hoàng Hữu Lượng tại buổi hội thảo.



Đồng chí Hoàng Hữu Lượng cũng đã nêu ra những bài học kinh nghiệm từ những vụ án thực tế, ví dụ như vụ án Năm Cam, qua đó, cho thấy rằng, đấu tranh chống tham nhũng rất quan trọng nếu báo chí không xác định nguồn tin. 

Buổi hội thảo này là cơ hội cho các cơ quan báo chí có dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm, qua đó cải thiện chất lượng biên tập, xử lý tin, bài. Kinh nghiệm này có thể từ một tờ báo sẽ lan ra nhiều tờ.

Theo ông Lưu Đình Phúc, Trưởng phòng Quản lý Báo chí Trung ương, Cục Báo chí, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, thông tin không chính xác phát ra thì ngay lập tức được lan truyền rộng khắp trên môi trường mạng. Điều đó đòi hỏi báo chí tác nghiệp nhanh nhưng phải chuẩn xác. Để thông tin đạt độ chuẩn xác thì quy trình biên tập, thẩm định nguồn tin phải chuyên nghiệp. Bởi lẽ, cho dù báo chí lấy tin từ nguồn nào thì chịu trách nhiệm chính vẫn là ở báo chí.

Quy định đó đòi hỏi những người làm báo phải thường xuyên trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, luôn nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp.

Ảnh minh họa

Hàng chục đại diện các cơ quan báo chí tham dự và thảo luận sôi nổi tại hội thảo



Cũng tại các buổi thảo luận, chủ đề thẩm định nguồn tin được một số đại biểu cho rằng, quy trình này khiến những tờ báo thực hiện đúng lại thiệt thòi hơn nhiều tờ báo không thẩm định nguồn tin, đã cho đăng tải những thông tin “sốc, sex, sến” sai sự thật, không phù hợp với văn hóa Việt. Nhiều ý kiến thẳng thắn đề nghị cần phải có một chế tài xử phạt các vi phạm đối với hành vi làm báo câu khách, khai thác thông tin đời tư, thông tin không được kiểm chứng và dẫn nguồn.

Chuyên gia báo chí Thụy Điển bà Anette Novak đã cùng thảo luận với các đại biểu, và đưa ra một số kinh nghiệm trong công tác thẩm định nguồn tin cũng như phân biệt các loại tin, như tin có tính thương mại, tin thuần túy báo chí, hay tin có quan điểm; Những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thẩm định nguồn tin; Có thể xây dựng quy trình chuẩn mực quốc gia về thẩm định nguồn tin trên báo chí không...vvv.


Khổng Nhung

Ý kiến bạn đọc