(VnMedia) - Trong cơn bão số 5 vừa rồi, hàng loạt cây cổ thụ ở Hà Nội bị đổ gẫy gây thiệt hại nặng nề về người và của. Và điều mà người ta nói đến nhiều nhất, đó chính là trách nhiệm.
Tuy nhiên, không phải bây giờ mới có chuyện cây đổ, và càng không phải bây giờ mới có người chết vì đổ cây. Mùa mưa này trôi qua, mùa bão khác lại tới. Cây vẫn đổ, người vẫn chết và những chiếc xe bạc tỉ vẫn trở thành đống sắt vụn sau một trận giông gió. Thế nhưng, chuyện trách nhiệm vẫn chỉ là chuyện của báo chí, của gia đình nạn nhân hay may mắn có thể thêm ý kiến của chuyên gia, luật sư.
Có điều, nơi cần lên tiếng nhất là “ông chủ” của các cái cây thì lại tuyệt nhiên chưa thấy nói gì, hay nói đúng hơn, là có nói, nhưng không phải về trách nhiệm, mà về những khó khăn, bất cập.
Hãy thử phân tích lại những nguyên nhân khiến cây đổ gây chết người. Thứ nhất, chuyện “rễ cây”. Có lẽ chẳng cần phải học sâu về chuyên ngành cây, người ta cũng biết là muốn cho cây đứng vững, rễ của nó phải cắm sâu vào lòng đất. Cây càng to, cao, lá càng nhiều thì rễ càng cần phải bám sâu. Và loài cây đó, chắc chắn phải có rễ cọc.
Như vậy, để đảm bảo an toàn, điều quan trọng đầu tiên là việc trồng cây gì phải được lựa chọn kỹ càng, có nghiên cứu cẩn thận. Việc này giờ đây là trách nhiệm của Sở Xây dựng (cơ quan quản lý trực tiếp của Công ty công viên cây xanh)
Tuy nhiên, người ta có thể nói rằng, việc những cây xà cừ bị đổ không liên quan đến họ, bởi nó đã được trồng từ cách đây 30-40 năm rồi, và chả lẽ, nói như một thành viên trên diễn đàn Autofune rằng: “Đi tìm cái “thằng” ngày xưa trồng cái cây ấy mà quy trách nhiệm?”. Thôi thì đành chịu.
Trong khi cơ quan chức năng cho rằng không có tiền để thực hiện việc chặt hạ những cây nguy hiểm, thì người đã chết, và những chiếc xe bạc tỷ cũng thánh sắt vụn |
Vậy thì nói đến nguyên nhân thứ hai, đó chuyện chăm sóc, theo dõi, xử lý những cây có nguy cơ gẫy đổ. Theo thống kê của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh, chỉ tính riêng Hà Nội cũ, đã có trên 200.000 cây xanh, thuộc 150 loài. Đa số nhưng loại cây được trồng 30-40 năm trước đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Điển hình như xà cừ, hiện chiếm 28%, có bộ rễ chùm tốn đất, không đủ sự vững chắc. Vào mùa mưa bão, xà cừ rất dễ bị đổ. Ước tính, Hà Nội hiện có khoảng 10.000 cây xà cừ… Như vậy, cũng có nghĩa là hàng ngày đang có 10.000 “thần chết” đang rình rập người dân Hà Nội.
Nếu đã thống kê, đã biết tình trạng thì phải có phương án xử lý. Tuy nhiên, theo Công ty cây xanh, do rất nhiều khó khăn, trong đó đặc biệt là thiếu người và thiếu… tiền nên không thể xử lý được.
Nhưng, có người nói: có khó khăn thì mới cần đến những người làm quản lý, những người lãnh đạo “vừa có tâm, vừa có tài”. Chứ nếu dễ làm thì… để một ông nông dân lên quản lý mấy cây xanh của Hà Nội, có khi còn tốt hơn.
Còn chuyện thiếu tiền thì người khác lại nói: Hà Nội đâu đến nỗi thiếu tiền để chặt cành, đốn cây? Tiền lát mới vỉa hè (trong đó có cả công chặt rễ cây) làm liên tục vẫn có tiền đấy thôi?
Vả lại, cứ mỗi khi cây đổ, không người chết thì cũng nát xe. Chưa nói đến mạng người không đo được bằng tiền, mà hàng chục cái xe bạc tỉ ấy, tính giá trị ra chắc cũng đủ tiền để Hà Nội đi đốn cành, hạ cây gẫy mục. Tiền nào thì cũng là tiền của nhà nước, của nhân dân mình cả.
Trao đổi với VnMedia, ông Trần Ngọc Bảo, nguyên là Giám đốc Công ty lâm trường Hà Nội (nay đã nghỉ hưu) cho biết, cách đây khoảng 15 năm, chính ông đã từng làm một đề án về việc quản lý cây xanh của Hà Nội, trong đó nói rất rõ nên trồng mới, chăm sóc cây cũ hay thay thế cây đổ gẫy như thế nào. “Hồi ấy Công ty công viên còn thuộc Sở Giao thông công chính. Nhưng rồi cũng chẳng thấy họ làm gì” - ông Bảo nói.
Ngay cả cái chuyện kỹ thuật trồng cây cũng được ông Bảo cho biết, những cây liễu trồng bên bờ sông Tô Lịch là rất phù hợp. Tuy nhiên, có lẽ người ta đã ngại đào hố sâu và trồng quá nông nên trong trận bão số 5 vừa qua, nó mời đổ nhiều đến thế.
15 năm qua, không biết đã có bao nhiêu cái cây đổ, mấy người chết, bao nhiêu người bị thương, bao nhiêu cái xe bị dập nát… Chắc chưa có cơ quan nào thống kê cụ thể. Và trách nhiệm thì cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Như vậy, cũng có nghĩa là, trong một tương lai gần, những ai không may bị cây đổ mà… chết thì gắng mà chịu thiệt.
Chiều 27/8, trao đổi với phóng viên VnMedia qua điện thoại, khi được hỏi về trách nhiệm của của Công ty đối với vụ việc lái xe taxi của công ty Mai Linh bị thiệt mạng do cây đổ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Hưng nói: "Trách nhiệm thuộc cơ quan quản lý, cái này phải hỏi Sở Xây dựng chứ sao lại hỏi tôi?". Nhưng sau đó, ông Hưng cũng đồng ý gặp phóng viên vào ngày mai để trao đổi thêm về những công việc mà Công ty đang làm. VnMedia sẽ thông tin đến bạn đọc những thông tiết mới nhất của vụ việc. |
Ý kiến bạn đọc