(VnMedia) - Trong 4 năm (kể từ 2004 đến năm 2008), công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ Chèm đã bị phát hiện tới 9 vụ vi phạm luật đê điều nhưng cho đến nay các công trình vi phạm vẫn tồn tại…
Hà Nội đang vào mùa mưa bão, nhưng những vi phạm về an toàn đê điều từ nhiều năm qua vẫn không được xử lý dứt điểm.
Theo kết quả kiểm tra của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 4 năm, (kể từ 2004 đến năm 2008), công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ Chèm đã bị phát hiện tới 9 vụ vi phạm liên quan đến Pháp lệnh đê điều, nhưng đáng ngạc nhiên là cho đến nay các công trình vi phạm vẫn tồn tại.
Theo đó, toàn bộ phần đất của công ty nằm hoàn toàn trên bãi sông ngoài đê hữu sông Hồng, tương ứng từ K51+800 đến K52+000, điểm gần nhất cách chân đê chính 20m, phía ngoài tiếp giáp với đê bối.
Cách đây hơn 2 tháng, khi đoàn kiểm tra của Bộ đến khu vực này thì các công trình vi phạm vẫn tồn tại bao gồm các nhà xưởng, bãi chứa cấu kiện bê tông đúc sẵn chất thành đống, cao khoảng 5-7m và bãi tập xe cũng đang hoạt động.
Đoàn kiểm tra xác định, trước năm 2007, Công ty đã vi phạm Điều 11 Pháp lệnh về đê điều ; Điêu 14 pháp lệnh phòng chống lụt bão và sau năm 2007 vi phạm khoản 10 Điều 7, Điều 27 Luật Đê điều ; Điều 14 Pháp lệnh phòng chống lụt bão ở những nội dung như : san lấp đất tôn cao bãi sông để tạo mặt bằng xây dựng ; xây dựng mới công trình không phép trên bãi sông ; cải tạonhà, xưởng nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép ; mở rộng mặt bằng trong quá trình cải tạo.
Các vi phạm nêu trên đều được cơ quan quản lý đê chuyên trách phát hiện, lập biên bản đình chỉ thi công, báo cáo chính quyền địa phương các cấp. Bản thân chính quyền xã Liên Mạc đã có nhiều quyết định cưỡng chế, nhưng vi phạm vẫn tồn tại.
Tại khu vực thuộc xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm, không chỉ có công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ Chèm vi phạm hành lang an toàn đê điều mà Công ty Cổ phần Thương mại Nam Thăng Long cũng bị phát hiện vi phạm nhiều lần.
Theo đó, Công ty Cổ phần Thương mại Nam Thăng Long bị phát hiện xây dựng các công trình trái phép, không phép như nhà xưởng, đổ bê tông sân nền, xây dựng mố cầu ở mép sông… Những hành vi này đã vi phạm khoản 10, điều 7, điều 26, điều 27 Luật Đê điều và Điều 14 pháp lệnh phòng chống lụt bão vì hành vi chất tải trên bãi sông gây cản trở thoát lũ.
Theo đoàn kiểm tra, các vi phạm nêu trên đều được các cơ quan quản lý đê chuyên trách phát hiện, lập biên bản đình chỉ thi công, báo cáo chính quyền địa phương các cấp, chính quyền xã Liên Mạc cũng đã có nhiều quyết định cưỡng chế... Tuy nhiên, nhưng qua nhiều năm, các vi phạm của công ty vẫn không được xử lý, tồn tại nhiều công trình nhà xưởng nằm ngoài đê bối, thuộc phạm vi thoát lũ sông Hồng theo quy hoạch phòng chống lũ của thành phố đã phê duyệt.
Có mặt tại khu vực đê thuộc xã Liên Mạc vào một ngày cuối tháng 7, PV VnMedia chứng kiến, những vi phạm tại địa phận xã Liên Mạc mà đoàn kiểm tra đã nêu hiện vẫn tiếp tục tồn tại.
Trong khi đó, từ năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sau khi đi kiểm tra đã có kết luận việc vi phạm tập kết vật liệu xây dựng trên bãi sông khu vực thượng, hạ lưu cầu Thăng Long và đề nghị chính quyền địa phương khẩn trương thanh thải vật liệu xây dựng đang tập kết trên bãi sông, nhưng đến nay, sau 2 năm, những vi phạm tại khu vực này vẫn tồn tại và không có dấu hiệu giảm.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đây là khu vực có lòng sông hẹp, các hành vi trên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng khả năng thoát lũ của sông, làm thay đổi dòng chảy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lún sụt, sạt lở bờ sông đe doạ toàn hệ thống đê điều.
Nói về những vi phạm trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã kết luận, việc xử lý, giải toả các trường hợp vi phạm pháp luật đê điều, phòng chống lụt bão của các cấp chính quyền, các sở, ban , ngành của Thành phố vẫn còn thấp. Điều đáng nói là những vi phạm đã được xử lý lại là những vi phạm nhỏ lẻ, trong khi đó, các vi phạm có quy mô lớn, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến an toàn đê điều, thoát lũ thì lại hầu nưh chưa được xử lý.
VnMedia đã ghi lại một số hình ảnh tại khu vực đê xã Liên Mạc:
Các công trình vi phạm ngay cạnh mặt đê |
Nhà xưởng |
Quy mô hoạt động hoành tráng |
Cát khai thác để thành núi, che lấp dòng chảy |
Ý kiến bạn đọc