5 tỷ đến chậm, chùa nghìn tỷ bị phá

16:17, 30/08/2012
|

(VnMedia) - Theo thông tin từ Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL), kế hoạch trùng tu chùa Trăm Gian đã được phê duyệt từ năm 2010, tuy nhiên, do Thành phố chưa có tiền (5 tỷ) để giải ngân nên đã dẫn đến sự việc đáng tiếc vừa qua…


Thành phố biết nhưng không có tiền
 

Theo Giám đốc Sở VH, TT&DL Phạm Quang Long, chùa Trăm Gian là một di tích lịch sử văn hoá độc đáo, tiêu biểu của Thủ đô, đã được Bộ VH, TT&DL xếp hạng cấp Quốc gia, được UBND Thành phố phân cấp cho UBND huyện Chương Mỹ quản lý trực tiếp.

 

Thời gian qua, các hạng mục kiến trúc của chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuy đã được đầu tư kinh phí để tu bổ một số hạng mục, nhưng do di tích lớn, nhiều hạng mục của di tích đã xuống cấp nghiêm trọng nên UBND huyện Chương Mỹ không có đủ nguồn lực để đầu tư tu bổ di tích.

 

Trước thực tế này, ngày 13/4/2010, Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sửa chùa Trăm Gian và giao cho Sở VH, TT&DL làm chủ đầu tư. Sau đó, các thủ tục chuẩn bị đầu tư đã được Sở VH, TT & DL hoàn thành. Hồ sơ thiết kế thi công, tổng dự toán đã được Cục Di sản văn hoá thoả thuận.

 

Tiếp đó, ngày 25/9/2011, Sở VH, TT&DL, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND huyện Chương Mỹ đã kiểm tra hiện trạng di tích và thống nhất đánh giá thực trạng nhiều hạng mục kiến trúc như: Ống muống, Thượng điện, nhà Tổ, gác Khánh… đang bị xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ sập đổ. Dù đã được nhà chùa và địa phương thực hiện việc chống đỡ tạm thời trong mùa mưa bão năm 2011, nhưng vẫn không đảm bảo an toàn cho hệ thống di vật và khách thập phương vào lễ Phật.

 

Trước tình trạng này, các cơ quan nói trên tiếp tục có văn bản đề xuất với UBND Thành phố cho phép chủ đầu tư hạ giải ngay các hạng mục (trong đó có nhà Tổ) xuống cấp trong tình trạng nguy hiểm và triển khai thi công, đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện dự án ngay trong năm 11.

 

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở VH, TT&DL, do tình hình kinh tế khó khăn, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ nên UBND Thành phố chưa bố trí được nguồn kinh phí đầu tư cho dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Trăm Gian trong năm 2011.

 

Do thời gian kéo dài mà không được sửa chữa, trùng tu, chùa Trăm Gian tiếp tục bị xuống cấp.


 Ảnh minh họa

Nhà Tổ chùa Trăm Gian bị phá đi để làm mới không theo quy trình, quy định - ảnh: Báo Lao động

 

Cho đến ngày 29/6/2012, UBND Thành phố ban hành quyết định về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và một số mục tiêu Thành phố năm 2012, trong đó di tích chùa Trăm Gian được UBND Thành phố bố trí nguồn kinh phí đầu tư là 5 tỷ đồng (nhưng chưa giao vốn để thực hiện dự án).

 

Lại thêm một thời gian chờ đợi, đến đầu tháng 8/2012, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH, TT&DL Hà Nội tiếp tục báo cáo về tình trạng hư hỏng của nhà Tổ, đề nghị Ban Giám đốc Sở yêu cầu Ban Quản lý dự án với tư cách là chủ đầu tư khẩn trương triển khai việc tu bổ chùa, trong đó có điều chỉnh tổng dự toán kinh phí theo thời giá hiện tại.

 

Tuy nhiên, công việc trùng tu vẫn chưa được tiến hành vì “Thành phố và Sở VH, TT&DL đang hoàn thiện thủ tục” thì đến ngày 24/8/2012 thì báo chí phát hiện và phản ánh thông tin về việc chùa Trăm Gian bị phá dỡ làm mới.


Sư trụ trì tự ý: Động cơ đúng, cách làm sai
 

Theo giải thích của sư trụ trì Thích Đàm Khoa, mùa mưa bão vừa qua, hạng mục nhà Tổ đã bị sập một góc mái. Do quá lo lắng, sợ sập toàn bộ công trình gây hư hại hệ thống tượng Phật và mất an toàn cho khách thập phương vào hành lễ, nhà chùa đã tự ý tháo dỡ và thi công nhà Tổ cùng hạng mục gác Khánh. Theo đó, việc thi công này được thực hiện trên nền móng cũ, giữa nguyên các bước gian theo hiện trạng. Ngoài ra, theo sư trụ trì Thích Đàm Khoa, chất liệu gỗ cũng được nhà chùa sử dụng nằm trong nhóm tứ thiết (gỗ lim), hình thức kiến trúc theo kiến trúc cổ truyền thống.

 

Tuy nhiên, theo nhận định của Giám đốc Sở VH, TT&DL, việc nhà chùa tự ý hạ giải và thi công hai hạng mục nói trên của di tích tuy xuất phát từ động cơ đúng nhưng là sai nguyên tắc, không báo cáo chính quyền để làm thủ tục theo đúng quy trình, đã vi phạm Luật Di sản văn hoá cùng các quy định hiện hành, làm tổn hại đến di sản. Việc này cần được đánh giá kỹ càng và tìm cách khắc phục.

 

Lãnh đạo Sở VH, TT&DL cũng nhận định, thiệt hại sau vụ việc tuy không trầm trọng nhưng gây hậu quả xấu trong xã hội, tổn hại đến di tích. Trong khi đó, địa phương đã thiếu cụ thể, không báo cáo sự việc. “Điều này chứng tỏ thái độ trách nhiệm và năng lực quản lý yếu của cán bộ chuyên môn” - ông Phạm Quang Long khẳng định.

 

Người đứng đầu ngành VH, TT&DL Thành phố cũng tự nhận thấy, Sở VH, TT&DL tuy không quản lý trực tiếp di sản, chưa có biện pháp xử lý kịp thời khi di tích có dấu hiệu bị đổ do mưa bão và đây là “khuyết điểm của Sở”.

 

Đặc biệt, lãnh đạo Sở VH, TT&DL kết luận, sư trụ trì chùa và Ban quản lý di tích đã vi phạm Luật Di sản Văn hoá khi tự ý sửa chữa, không báo cáo địa phương và Sở VH, TT&DL, không báo cáo UBND xã sau khi đã hạ giải hai hạng mục của chùa.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc