(VnMedia) - Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) vừa có báo cáo về tình trạng bảo vệ hoang dã trên thế giới. Theo đó, báo cáo đã xếp 23 quốc gia của châu Phi và châu Á vào nhóm các quốc gia đang phải đối mặt với mức báo động cao nhất của nạn săn bắn, vận chuyển và tiêu thụ bất hợp pháp ngà voi, sừng tê giác và các bộ phận của Hổ.
>> Cần nghiêm trị quân nhân giết voọc dã man
Báo cáo vừa được đưa trong thời điểm chính phủ các nước nhóm họp tại Genevơ để thảo luận một loạt các vấn đề liên quan tới buôn bán động thực vật hoang dã.
Báo cáo, với tiêu đề Đánh giá việc tuân thủ và thực hiện cam kết CITES về Hổ, Tê giác và Voi, đã tiến hành đánh giá 23 quốc gia trong số nhiều quốc gia được coi là có sự phân bố, trung chuyển hoặc tiêu thụ các loài này. Hiện trạng tuân thủ và thực hiện cam kết CITES của từng quốc gia đối với từng loài sẽ được đánh giá theo 3 loại thẻ màu: xanh, vàng hoặc đỏ.
WWF thấy rằng các hoạt động bất hợp pháp liên quan tới động thực vật hoang dã đều tồn tại ở 23 quốc gia này, và việc sử dụng thẻ màu là để phân biệt những quốc gia đạt được những nỗ lực thỏa đáng để ngăn chặn tình trạng này so với những quốc gia chưa có được các nỗ lực cần thiết.
Việt Nam bị đánh giá là quốc gia tiêu thụ sừng tê giác với số lượng lớn nhất |
Việt Nam nên xem lại khung hình phạt
Báo cáo của tổ chức WWF đánh giá rằng, Việt Nam là một trong các quốc gia có việc thực thi đáng lo ngại nhất, với thẻ màu đỏ đối với hai loài Tê giác và Hổ.
Theo đó, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ sừng tê giác với số lượng lớn nhất và được coi là tác nhân gây ra khủng hoảng săn bắn trộm tại Nam Phi. Năm 2011, có đến 448 cá thể Tê giác đã bị giết hại để lấy sừng tại quốc gia này, và đã mất thêm 262 cá thể khác cho đến thời điểm này năm nay. Nam Phi cũng là quốc gia nhận thẻ vàng trong đánh giá tuân thủ và thực hiện cam kết CITES đối với loài Tê giác. Cũng theo như trong báo cáo, một số công dân Việt Nam đã bị bắt giữ tại Nam Phi do liên quan tới các vụ vận chuyển sừng tê giác bất hợp pháp.
Bà Elisabeth McLellan, Quản lý Chương trình Loài Toàn cầu của WWF nói rằng: “Đây là thời điểm mà Việt Nam cần phải nhận ra rằng chính việc tiêu thụ bất hợp pháp sừng tê giác đã gây ra nạn săn bắn trộm tại châu Phi và Việt Nam nên xem xét lại khung hình phạt đối với loại tội phạm này”.
Bà Elisabeth McLellan cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam ngay lập tức cần ngăn chặn thị trường tiêu thụ, bao gồm cả việc dỡ bỏ quảng cáo bán sừng tê giác trên Internet.
Cũng tại báo cáo này, Trung Quốc bị đánh giá "thẻ vàng" và Thái Lan bị thẻ đỏ vì liên quan đến vấn đề ngà voi. Theo đánh giá của WWF, hàng năm, hàng chục ngàn cá thể Voi châu Phi đã bị săn bắn trộm để lấy ngà, trong đó Trung Quốc và Thái Lan là những nước đứng đầu trong việc tiêu thụ ngà voi châu Phi bất hợp pháp. Thái Lan nhận được thẻ màu đỏ do đã thất bại trong việc khắc phục các kẽ hở của luật pháp vốn tạo điều kiện cho việc bán lẻ ngà voi châu Phi bị săn trộm diễn ra dễ dàng, còn Trung Quốc nhận thẻ màu vàng do quốc gia này đã thất bại trong việc kiểm soát thị trường ngà voi hợp pháp của mình.
Theo tổ chức WWF, tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã không chỉ là mối đe doạ đối với các loài, mà còn là mối nguy hiểm đối với con người, sự toàn vẹn lãnh thổ, sự ổn định và hiệu lực của luật pháp. Cần phải có sự hợp tác khu vực tại Trung Phi nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán ngà voi và vũ khí bất hợp pháp lan tràn qua biên giới.
WWF kêu gọi chính phủ các quốc gia Trung Phi cùng ký vào bản kế hoạch khu vực về thực thi Pháp luật về Động Thực vật hoang dã, đặt việc thực thi kế hoạch này thành ưu tiên hàng đầu, phân bổ nguồn lực, đồng thời đẩy mạnh tính nghiêm minh trong các vụ khởi tố các hành vi săn bắn hoặc buôn bán bất hợp pháp.
Trong khi đó, liên quan đến vụ hai con voọc vừa bị một quân nhân giết hại một cách dã man, sau đó còn đưa lên mạng xã hội, trao đổi với VnMedia, đại diện của tổ chức bảo vệ thiên nhiên (ENV) cho biết, hai cá thể voọc xuất hiện trong ảnh là voọc chà vá chân xám (tên KH Pigathrix cinerea), một loài đặc hữu ở Việt Nam, phân bố từ Quảng Nam đến Gia Lai và Bình Định. Voọc chà vá nằm trong nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP, là nhóm các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ. Theo đó, mọi hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, giết mổ các loài trong nhóm này là vi phạm pháp luật. |
Ý kiến bạn đọc