Tâm sự của “bác sĩ bù nhìn” - trưởng phòng khám Maria

10:43, 19/07/2012
|

Ngày 18/7, bác sĩ Đỗ Y Na, hiện đang đứng tên Trưởng phòng khám Maria cho biết đã từng phản ánh nhiều lần về tình trạng phòng khám Maria cũng như việc muốn từ chức mà không được...

 

Ngấm ngầm sử dụng bác sĩ Trung Quốc

 

Người bác sĩ mà chúng tôi nói đến chính là bác sĩ Đỗ Y Na, hiện đang đứng tên trên giấy tờ là Trưởng phòng khám Maria trực thuộc Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư An Thịnh (gọi tắt là Công ty An Thịnh). Năm 2010, sau khi đã nghỉ hưu, bà Na được phòng khám Maria mời về làm việc, giúp đỡ phòng khám phát triển công tác chuyên môn.

 

Khi đó, danh sách bác sĩ làm việc tại phòng khám Maria, dưới quyền quản lý của bà toàn bộ đều là người Việt. Muốn xây dựng phòng khám có thương hiệu vững mạnh nên ngay những ngày đầu, bà Na đã đưa ra nhiều quy chế để quản chặt về chuyên môn, từ công tác khám chữa bệnh đến tổ chức bộ phận làm cấp cứu, thậm chí góp ý cả về lĩnh vực quảng cáo, nhân lực…

 

Tuy nhiên không lâu sau đó, bà Na dần phát hiện ra phòng khám Maria đang có những dấu hiệu bất ổn, hoạt động trái với quy định và phạm vi được cấp phép. Đó là sự có mặt của những bác sĩ người Trung Quốc tại phòng khám một cách bí ẩn.

 

Bà Na kể: “Tôi biết 2 bác sĩ người Trung Quốc được cấp phép làm giúp việc tại phòng khám Maria. Tuy nhiên, tôi cũng biết có 4 bác sĩ người Trung Quốc khác đã sang làm việc khám chữa bệnh tại phòng khám này nhưng bản thân tôi là người quản lý chung cũng không hề được cho biết. Do tôi chỉ làm việc giờ hành chính nên chưa bao giờ gặp mặt 4 bác sĩ người Trung Quốc nói trên, bởi rõ ràng họ không được cơ quan có chức năng cấp phép. Bên cạnh đó, thông qua bệnh nhân phản ánh, tôi cũng biết phòng khám có bán thuốc Trung Quốc, bảng kê khai giá dịch vụ không đầy đủ, không đúng quy định, rồi quảng cáo quá sự thật…”.

 

Trước tình hình đó, ngày 2/4/2011, tại cuộc họp lãnh đạo phòng khám với lãnh đạo công ty chủ quản, bà Na đã trình bày rõ trước cuộc họp về những tồn tại của phòng khám mà bà phát hiện và yêu cầu phải chấn chỉnh ngay. Tất cả những nội dung trong cuộc họp này và các cuộc họp khác của phòng khám sau đó, bà đều cẩn thận ghi lại vào cuốn “nhật ký” phòng khám của mình…

 

 

 Ảnh minh họa

 Bà Đỗ Y Na cho xem lại cuốn “Nhật ký” phòng khám

 

Phụ trách chỉ là bù nhìn

 

“Như đã nói, vì nghi ngờ phòng khám có yếu tố nước ngoài, lại liên tục mắc phải nhiều vấn đề trong quá trình hoạt động bị báo chí phản ánh nên ngày 3/4/2011 tôi đã làm đơn gửi Tổng giám đốc Công ty An Thịnh xin thôi giữ chức Trưởng phòng khám Maria từ 1/5/2011 và ủy quyền cho bác sĩ Phạm Mai Trang phụ trách thay.

 

“Giám đốc của Công ty An Thịnh đã thuyết phục tôi lùi quyết định thôi chức lại một thời gian vì lý do phòng khám mới đi vào hoạt động, việc xin đổi giấy phép trong thời điểm đó hết sức khó khăn bởi Sở Y tế đang chờ thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Khám chữa bệnh… Vì vậy, tôi chấp nhận lùi lại thời gian xin chuyển quyền phụ trách phòng khám nhưng không trực tiếp tham gia vào bất cứ hoạt động nào mà hoàn toàn ủy quyền cho bác sĩ Trang và đề nghị phòng khám phải chấn chỉnh ngay những lộn xộn, hoạt động không đúng quy định” - bà Na kể lại.

 

Đến tháng 8/2011, bà Đỗ Y Na kiên quyết không nhận lời mời của Giám đốc điều hành Công ty An Thịnh đến trực tiếp quản lý phòng khám Maria vì những nhắc nhở của bà đã không được phòng khám chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

 

“Trong thời gian chưa được chuyển quyền Trưởng phòng khám Maria, tôi cũng đã lên gặp phòng hành nghề quản lý y tư nhân và thanh tra Sở Y tế để trình bày nguyện vọng của mình và đề nghị Sở sớm giải quyết cho việc này. Sau đó, tôi cũng mang đơn xin thôi giữ chức Trưởng phòng khám Maria lên nộp ở phòng một cửa của Sở Y tế nhưng vì khâu thủ tục chưa hoàn chỉnh nên đến nay chưa được Sở Y tế giải quyết.

 

“Từ đó tôi vẫn đứng tên Trưởng phòng khám Maria nhưng tại cuộc họp ngày 10/9/2011 với lãnh đạo công ty chủ quản và phòng khám, tôi đã tuyên bố không nhận lương của phòng khám từ tháng 9/2011 và nếu có vấn đề không hay về phòng khám Maria bị phơi bày trên báo chí thì tôi sẽ kiên quyết đến Sở Y tế nộp đơn xin nghỉ việc. Cũng may từ đó trở đi phòng khám hoạt động yên ổn nên tôi không bận tâm nhiều. Thế nhưng, đến 28/6/2012 xảy ra vụ việc bệnh nhân khiếu kiện phòng khám, rồi lại xảy ra vụ tử vong của chị Phong tại phòng khám nên tôi buộc phải ra giải quyết”.

 

Chia sẻ cảm xúc của mình về tình trạng của phòng khám Maria hiện đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa sau hàng loạt sai phạm bị phát hiện, bà Na cho rằng, việc xảy ra với phòng khám bây giờ là tất yếu cho một quá trình hoạt động lộn xộn, chỉ vì lợi nhuận.

“Về giá cả tôi không nói nhiều bởi so với một số BV quốc tế khác tại Việt Nam thì không phải là cao, người bệnh bức xúc chỉ vì giá dịch vụ không được niêm yết đầy đủ. Còn về chuyện phòng khám quảng cáo rầm rộ, quá mức, tôi đã nhiều lần nhắc nhở công ty rằng quảng cáo như vậy không chỉ bệnh nhân bức xúc mà cả các phòng khám tư khác cũng bức xúc không kém, nhưng họ chưa thay đổi nhiều” - bà Na nói.


(theo ANTĐ)

Ý kiến bạn đọc